Thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực định canh định cư:

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Yên Bái hiện nay pot (Trang 44 - 46)

Du canh du cư là phương thức sản xuất cổ xưa lạc hậu, kiểu sản xuất tồn tại nhiều đời nay ở miền núi nước ta, trong đó có tỉnh Yên Bái. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo, lạc hậu của đồng bào. Đốt phá rừng phá hủy môi sinh có nguyên nhân từ tập quán kiểu canh tác du canh du cư. Do trình độ dân trí thấp, đời sống tối thiểu của đồng bào chưa được đảm bảo, việc phá rừng để kếim sống là điều khó tránh khỏi. Để bảo vệ rừng, có nhiều việc phải làm, trong đó tổ chức đồng bào định canh định cư là việc cơ bản có tính chiến lược. Định canh định cư, giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Các hộ gia đình trở thành người chủ trên diện tích nhận khoán và quản lý bảo vệ rừng. Các hộ có thêm nguồn thu nhập thông qua nhận khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên và chi phí công lao động trồng rừng phòng hộ, góp phần ổn định phần nào cuộc sống gia đình đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Bằng các nguồn vốn đầu tư lồng ghép, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp và bảo vệ rừng, trồng rừng. Từ năm 1994 đến nay đã thực hiện di dãn dân được 400 hộ, chủ yếu là sắp xếp dân nội xã, đã tạo điều kiện ổn định dân cư, tạo việc làm cho đồng bào,

tình trạng di cư tự do ra tỉnh ngoài đến nay còn nhưng không đáng kể (năm 1996 số dân đi khỏi tỉnh là 96 hộ - 597 khẩu, đến 2002 là 15 hộ 75 khẩu; từ năm 1994-2003 toàn tỉnh có 171 hộ - 1.067 khẩu đi tự do ra ngoài tỉnh; đồng thời số từ tỉnh ngoài đến là 109 hộ - 607 khẩu [73, tr.5] nhưng chủ yếu là số dân của tỉnh đi nay quay trở lại.

Tỉnh đã xây dựng mô hình ổn định dân di cư tự do tại thôn Khuôn Bổ - xã Hồng Ca (bố trí được 30 hộ đồng bào dân tộc Mông di dời từ rừng phòng hộ của huyện đến định cư ở bản mới).

Huyện Văn Yên đã quy hoạch được 8 thôn, bản trước đây đồng bào ở lẻ tẻ trên các núi cao, rừng rậm về định cư thuộc các xã Nà Hẩu, Mỏ Vàng, Đại Sơn, Phong Dụ Thượng. Được sự hỗ trợ của nhà nước, tỉnh đã vận động đồng bào phân chia lại đất đai, giải quyết đất sản xuất cho các hộ không có ruộng. Ví dụ: từ 17 hộ sở hữu chia cho 155 hộ cùng có ruộng đất sản xuất, nhờ vậy đã hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy rõ rệt.

Công tác định canh định cư: đến nay đã cơ bản hoàn thành. Cụ thể là đã định canh định cư được 28.700 hộ với 164.800 khẩu bằng 77% số hộ trong diện; số thực sự còn du canh du cư là 1.007 hộ với 5.781 khẩu bằng 2,7% số hộ trong diện vận động định canh định cư của toàn tỉnh, chủ yếu là dân tộc Mông [73, tr.5]. Tỉnh đang tiếp tục có giải pháp để ổn định và chấm dứt tình trạng du canh du cư của số hộ nói trên.

Quá trình thực hiện công tác định canh định cư có cả thành công và thất bại. Thực tế đó đã cho chúng ta nhiều bài học bổ ích. Trước hết, phải khẳng định chủ trương định canh định cư là hoàn toàn đúng đắn. Nông nghiệp nương rẫy du canh du cư đã quá lạc hậu và mang tính hủy hoại tự nhiên, chỉ có khả năng duy trì một cuộc sống đói rách, lạc hậu và tạm thời. Cho nên cải biến nó là yêu cầu tất yếu lịch sử và cũng là yêu cầu cấp bách trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Bước đi của công tác định canh định cư của tỉnh Yên Bái đã bắt đầu từ quy hoạch, xây dựng mô hình kinh tế nông hộ, vườn rừng, phát triển kinh tế trang trại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, giúp đồng bào yên tâm định canh định cư là hướng đi đúng được đồng bào các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng, đời sống của bà con từng bước ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng du canh du cư vẫn diễn ra, nguyên nhân của tình hình đó có thể do những yếu tố sau:

- Thứ nhất: do đồng bào các dân tộc thiểu số có thói quen sống gắn bó với rừng; canh tác quen với cách chọc tỉa thô sơ theo phương thức tự cung, tự cấp, ít áp dụng khoa học - kỹ thuật trong thâm canh tăng vụ. Phần do năng suất thấp, tình trạng thiếu đói luôn diễn ra và họ lại tiếp tục đi tìm vùng đất mới nên tiếp tục du canh, du cư.

- Thứ hai: do thói quen sống biệt lập, ngại tiếp xúc với các dân tộc khác làm ảnh hưởng đến phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của họ nên các dân tộc thiểu số thường có xu hướng lùi vào vùng sâu, vùng xa để cư trú, bằng lòng với cuộc sống biệt lập nghèo nàn, lạc hậu.

- Thứ ba: việc đầu tư ngân sách cho công tác định canh định cư chưa đáp ứng yêu cầu mà cuộc sống đòi hỏi, mặt khác đầu tư dàn trải, bình quân, thiếu tập trung trọng tâm nên hiệu quả không cao, và chưa chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng: trường học, bệnh viện, đường giao thông, nguồn nước... đội ngũ cán bộ ít am hiểu, thiếu nhiệt tình sáng tạo trong công tác vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ là người dân tộc thiểu số còn rất ít về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đổi mới việc thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Yên Bái hiện nay pot (Trang 44 - 46)