- Cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về áp dụng pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại về đất đai để tránh đi tất cả mọi kẽ hở, xung đột, thiếu đồng bộ trong mọi pháp luật hiện nay có liên quan đến đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai. Có những chính sách đền bù thỏa đáng, hợp lý và thống nhất. Tránh tình trạng cùng một dự án mà có nhiều chính sách đền bù khác nhau gây ra những mâu thuẫn dẫn đến khiếu nại.
- Cần thiết thành lập hệ thống cơ quan tài phán hành chính về đất đai, cơ quan tài phán ở Trung ương thuộc Chính phủ, bộ máy tổ chức theo ngành dọc, lực lượng cán bộ có tài và có tâm. Cơ quan tài phán hành chính có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng sau khi các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đã ban hành quyết định giải quyết lần đầu nhưng người có đơn không đồng ý với quyết định đó.
- Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp ở địa phương. Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ, năng lực chuyên môn trong công tác giải quyết khiếu nại đất đai. Bù đắp những lỗ hổng trong một thời gian dài đội ngũ cán bộ áp dụng giải quyết khiếu nại một cách cứng nhắc, rập khuôn theo quy định, việc xét xử không khách quan, sự chỉ đạo trong ngành thiếu nhất quán. Bên cạnh đó xử lý nghiêm những trường hợp công chức yếu kém về phẩm chất đạo đức, có những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại.
- Các cơ quan nhà nước các cấp cần tăng cường sự chỉ đạo, nâng cao ý thức chấp hành của cấp dưới. Chấm dứt ngay tình trạng “trên bảo dưới không nghe” bởi nhiều vụ khiếu nại cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo nhưng cấp dưới vẫn đùn đẩy, né tránh không thực hiện, nhưng chúng ta vẫn chậm xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết nên người dân sớm mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
- Áp dụng nghiêm pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm ngăn chặn phát sinh mới về đất đai theo hướng giảm đầu vào và kiên quyết giải quyết trường hợp tồn đọng.
- Sớm xây dựng các tiêu chí đánh giá ý thức đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Việc thanh tra trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức phải sớm được triển khai và coi đây là một việc làm thường xuyên ở các Bộ, ngành và tất cả các địa phương. Khắc phục thái độ vô cảm, thờ ơ trong công việc giải quyết khiếu nại của một số cán bộ, Đảng viên.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân; giúp người dân nâng cao ý thức pháp luật, giữ gìn giấy tờ tài liệu liên quan đến sở hữu tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu nại không đúng thẩm quyền và thất lạc giấy tờ dẫn đến không có cơ sở khiếu nại.
KẾT LUẬN
Thành phố Hà Nội từ năm 2008 khi mở rộng thủ đô, tốc độ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình đô thi hóa của các huyện ngoại thành diễn ra ngày càng nhanh chóng đã làm phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại trên địa bàn, tập trung nhất vẫn là khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trước thực trạng đó, để đảm bảo cho hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước ở thành phố đạt hiệu quả nhằm ổn định tình hình, tránh phát sinh “điểm nóng”, cùng với các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo được sửa đổi bổ sung năm 2005, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản để chi tiết hóa về thủ tục thực hiện việc giải quyết khiếu nại trên địa bàn thành phố và chỉ đạo sát sao quá trình thực hiện quy định đó, qua đó làm chuyển biến tình hình giải quyết khiếu nại, quy định rõ thẩm quyền tham mưu, giải quyết khiếu nại của cơ quan Thanh tra Thành phố.Trong ba năm qua, công tác quản lý nhà nước đã được tăng cường. Chính vì vậy, chất lượng công tác giải quyết khiếu nại đã có chuyển biến rõ nét (năm 2010, tỷ lệ cải sửa giảm 10% so với năm 2009). Liên tục trong ba năm qua, Thành phố Hà Nội luôn xác định giải quyết khiếu nại là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của UBND Thành phố. Trong các năm 2007, 2009, Thanh tra Thành phố tham mưu cho HĐND Thành phố xây dựng các Nghị quyết chuyên đề về các vụ khiếu nại còn tồn đọng làm cơ sở giám sát việc thực hiện của các cấp chính quyền thành phố. Năm 2009, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng Đề án ban tiếp công dân của UBND Thành phố. Mô hình này đã khắc phục được nhiều hạn chế trong công tác tiếp dân trước đây và được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hiện nay công tác giải quyết khiếu nại ở thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại vướng mắc khó khăn như: chưa có sự thống nhất trong công tác giải quyết khiếu nại của các thủ trưởng trong cơ quan hành chính; trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém, pháp luật quy định về thẩm quyền có sự chồng chéo, không thống nhất …
Như vậy, qua những phân tích, đánh giá về thực trạng thực hiện thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai của cơ quan hành chính nhà nước tại Thành phố Hà Nội, để đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện thẩm quyền thì trong thời gian tới việc hoàn thiện các quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng sửa đổi, bổ sung những thiếu sót, bất cập của các quy định là cần thiết. Tuy nhiên, để hoàn thiện các quy định về thẩm quyền khiếu nại đất đai của cơ quan hành chính nhà nước theo những đề xuất cụ thể đã nêu thì việc hoàn thiện các quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước cũng cần quán triệt những phương hướng cơ bản như: Phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính nhà nước; coi đó là công cụ, phương tiện pháp lý quan trọng để đảm bảo hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời cũng cần nhấn mạnh rằng hoàn thiện các quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại nói riêng và pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại nói chung là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế; Cần xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh.
Tóm lại, vấn đề hoàn thiện thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai của cơ quan hành chính nhà nước là vấn đề phức tạp, có liên quan trực tiếp đến cải cách nền hành chính, cải cách toàn bộ bộ máy nhà nước. Vì vậy, những chính sách và giải pháp cụ thể hoàn thiện về thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai của cơ quan hành chính nhà nước mà luận văn đưa ra dựa trên những đánh giá của thực trạng thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai đã được rút ra từ thực tiễn áp dụng các quy định nói trên trong quá trình giải quyết khiếu nại đất đai của cơ quan hành chính nhà nước tại Thành phố Hà Nội không tránh khỏi những thiếu sót. Mong rằng các thầy, cô giáo, các nhà khoa học và những ai quan tâm đến vấn đề này sẽ có những ý kiến đóng góp để tác giả tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện những nội dung của luận văn này./.