Chúng ta đã đề cập đến hai qui trình sản xuất khác nhau - đó là sản xuất liên tục và gián đoạn. Bây giờ chúng ta sẽ làm rõ hơn chi tiết của những loại hình này. Về căn bản sự phân chia của chúng ta dựa trên hai đặc tính, đó là việc sắp xếp các hoạt động và mức độ lặp lại của các hoạt động, hai đặc tính này có quan hệ tương hỗ với nhau.
3.1 Đặc tính của việc sử dụng vật liệu
Trong một “phân xưởng bố trí theo dòng vật liệu”, các yếu tố đầu vào được vận chuyển theo cùng đường như nhau. Người và máy hoàn tất thao tác gia công trên mỗi đầu vào của vật liệu. Trong
một số trường hợp, những thao tác này là đồng nhất tuy chúng không đơn giản là cùng loại với nhau. Những trường hợp này bao gồm sản xuất hàng loạt (ví dụ như sản xuất xe hơi, máy tính cá nhân) và một số công việc dịch vụ kinh doanh.
Trong những trường hợp khác thì chuỗi hoạt động là như nhau, nhưng cũng có sự khác nhau về đặc thù và thời gian cho mỗi hoạt động. Phòng cấp cứu của bệnh viện là một ví dụ của loại bố trí theo dòng vật liệu. Chu trình cho các bệnh nhân là đăng ký, chẩn đoán, và lập hoá đơn, nhưng những hoạt động thật sự trong ba quá trình này là khác nhau tuỳ thuộc theo yêu cầu của mỗi người bệnh.
Trong một phân xưởng bố trí theo công việc - cửa hàng công việc, mỗi đầu vào qua hệ thống theo một đường khác nhau. Ví dụ như xí nghiệp sản xuất đồ gỗ, bệnh viện, xưởng in, trường đại học. Loại hình bố trí này thường sản xuất hàng đơn chiếc hoặc với số lượng ít.
3.2 Việc lặp lại của các hoạt động
Chúng ta sẽ phân loại việc chuyển đổi của các hệ thống sản xuất theo mức độ lặp lại của các công việc. Đầu trên của dải phân loại là hệ thống sản xuất liên tục, nó bao gồm những chuyển đổi xảy ra liên tục. Ví dụ cho những hệ thống trên là sản xuất dược phẩm và hoá chất, khai thác và lọc dầu, sản xuất sơn. Những ngành công nghiệp sản xuất liên tục là công nghiệp chế biến. Ở mức độ dưới đó là sản xuất theo dây chuyền lắp ráp, hay sản xuất hàng loạt. Ví dụ cho sản xuất hàng loạt bao gồm sản xuất xe hơi, bóng đèn, đinh vít. Mức độ kế tiếp là sản xuất theo lô, nơi mà sản phẩm được sản xuất theo lô hay đợt. Những ví dụ của loại này là máy bay, các lớp đại học, hay nấu ăn tại nhà hàng. Loại cuối cùng đó là sản xuất đơn chiếc, hay dự án, nơi mà các đơn vị chỉ được chế biến mỗi cái một lần. Ví dụ như việc chữa bệnh, việc xây dựng một nhà máy, hoặc phát triển một sản phẩm mới.
Các loại trong dải liên quan đến nhau theo cách sau: Khi chúng ta di chuyển dọc theo dải từ hệ thống sản xuất liên tục đến sản xuất đơn chiếc, là chúng ta đã tăng việc sử dụng đặc tính của sản xuất bố trí theo công việc so với sản xuất bố trí theo dòng vật liệu. Sản xuất đơn chiếc có nghĩa là sản xuất mỗi kiểu một cái, mỗi cái sẽ được làm theo những công đoạn khác nhau. Trong trường hợp này thì loại hình bố trí theo công việc được sử dụng, có lẽ trường hợp dễ thấy nhất là một dự án.