Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam pdf (Trang 39 - 43)

Thành phần kinh tế được hiểu là khu vực kinh tế, kiểu quan quan hệ kinh tế được đặc trưng bởi hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Do đó, cơ cấu các thành phần của một nền kinh tế phụ thuộc vào các hình thức sở hữu, các kiểu quan hệ sản xuất, vào trình độ lực lượng sản xuất của sản xuất hàng hóa trong thời kỳ quá độ. Như Lênin đã chỉ rõ: Nền kinh tế trong thời kỳ quá độ, xét về toàn bộ, nó là nền kinh tế quá độ, còn tồn tại nhiều hình thức, như sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân và sở hữu hỗn hợp, do đó sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế là một tất yếu khách quan. Mỗi thành phần kinh tế còn phát huy tác dụng tích cực, có đóng góp vào nền kinh tế thì không thể dùng sắc lệnh, mệnh lệnh hành chính mà xóa bỏ ngay một lúc được.

Khi nghiên cứu Chính sách kinh tế mới của Lênin để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ, ở vùng tự do của ta, còn tồn tại sáu thành phần kinh tế sau đây:

- Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô, nhưng vì để thuận tiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, Đảng và Nhà nước ta chưa chủ trương xóa bỏ ngày thành phần kinh tế này, mà chỉ thực hiện giảm tô, giảm tức để tập hợp mọi lực lượng của dân tộc, đưa kháng chiến đến thành công.

- Kinh tế quốc doanh, có tính chất chủ nghĩa xã hội. Vì tài sản các xí nghiệp ấy là của chung của nhân dân, của nhà nước, chứ không phải của riêng trong các xí nghiệp quốc doanh thì xưởng trưởng, công trình sư và công nhân đều có quyền tham gia quản lý, đều là chủ nhân. Việc sản xuất thì do sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ nhân dân.

- Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội. Nhân dân góp nhau để mua những thứ mình cần dùng hoặc để bán những thứ mình sản xuất không phải qua kinh qua các người con buôn, không bị họ bóc lột.

Các hộ đổi công ở nông thôn, cũng là một loại hợp tác xã.

- Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghiệp, họ thường tự túc, ít có gì bán và cũng ít khi mua gì. Đây là một thứ kinh tế lạc hậu.

- Kinh tế tư bản của tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế.

- Kinh tế tư bản quốc gia là Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh và do Nhà nước lãnh đạo. Trong loại này, tư bản của tư nhân là chủ nghĩa tư bản. Tư bản của Nhà nước là chủ nghĩa xã hội [44, tr.221]. Qua việc phân tích các thành phần kinh tế trong vùng tự do cho ta thấy thực trạng của nền kinh tế cả về tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đồng thời cũng thể hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nhiều thành phần. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra tính tích cực và mặt hạn chế của từng thành phần kinh tế. Người cho rằng kinh tế cá thể tự cung tự cấp là “thứ kinh tế lạc hậu”. Hai thành phần

kinh tế bóc lột, nhất là kinh tế địa chủ, chưa thể xóa bỏ, do yêu cầu của chính sách đại đoàn kết dân tộc, còn kinh tế tư bản tư nhân tuy nhỏ yếu, có bóc lột nhưng Chính phủ bảo vệ quyền lợi của công nhân, không cho họ bóc lột quá mức. Người còn chỉ rõ: “ Vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động tăng gia sản xuất, lợi cả đôi bên” [44, tr.222]. Trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, ta cần tranh thủ tận dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất, tổ chức quản lý của nhà tư sản phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài của ta, đáp ứng như cầu thiết yếu của nhân dân. Kinh tế quốc doanh tồn tại ở các cơ sở sản xuất kinh doanh của Nhà nước, là của chung của nhân dân, phục vụ lợi ích lâu dài của xã hội. Đây là thành phần kinh tế mới ra đời trong chế độ dân chủ mới, chỉ có nó mới đáp ứng được những yêu cầu to lớn của toàn xã hội, của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Theo Hồ Chí Minh, “ nó là nền tảng và sức lãnh đạo của nền kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó” [44, tr.222]. Kinh tế hợp tác xã, theo Hồ Chí Minh đã có tính chất nửa xã hội chủ nghĩa và thành phần kinh tế này sẽ ngày càng được củng cố và phát triển cùng với sự đi lên của xã hội.

Từ đó, Hồ Chí Minh chỉ ra những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong chính sách kinh tế là: Công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi; công nông giúp nhau; lưu thông trong ngoài. Người viết:

Công tư đều lợi kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị.Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghiệp. Đây cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp đỡ họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích đại đa số nhân dân [44, tr.221- 222].

Một điều rất đáng chú ý trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế là Người có quan điểm khách quan, rộng rãi với tư bản tư nhân trong nước, bởi

Người thấy tính chất, đặc điểm riêng của giai cấp tư sản Việt Nam. Người đã nói rằng: “ Còn giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước... Vì tư sản nước ta bị Tây, Nhật áp bức, khinh miệt, họ căm tức tư sản Nhật, Pháp, cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội” [45, tr.227]. Cho nên, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã viết:

Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước kích thích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác [46, tr.589]. Khi chế độ dân chủ mới ở nước ta ra đời và phát triển, giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng bị thu hẹp, thành phần kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô ngày càng mất dần vị trí và sẽ bị thủ tiêu trong xã hội. Vì vậy, trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp, Hồ Chí Minh nói rõ: Nhà nước ta vẫn thừa nhận bốn hình thức sở hữu chính: Sở hữu của Nhà nước, sở hữu của hợp tác xã, sở hữu của người lao động riêng lẻ và một ít sở hữu của nhà tư bản. Do đó trong chế độ dân chủ mới sẽ còn tồn tại năm thành phần kinh tế như sau:

A - Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội vì nó là của chung của nhân dân).

B - Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).

C - Kinh tế cá nhân, nông dân và thủ công nghiệp (có thể tiến dần vào hợp tác xã tức là nửa chủ nghĩa xã hội).

D - Tư bản của tư nhân.

E - Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh).

Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản [44, tr.247-248].

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế nhiều thành phần hoàn toàn phù hợp chính sách kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hôm nay và cũng phù hợp với quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam pdf (Trang 39 - 43)