Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam pdf (Trang 36 - 39)

Công nghiệp hóa gắn với xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý là yêu cầu cần thiết khách quan của mỗi nước, trong quá trình phát triển, song việc lựa chọn cơ cấu nào để đạt tới hiệu quả kinh tế cao nhất là điều không đơn giản. Sự lựa chọn cơ cấu kinh tế cho nền kinh tế quốc dân không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người lãnh đạo, mà nó phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện lịch sử-xã hội khách quan của nước đó. Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam lựa chọn cơ cấu nào được coi là hợp lý trong thời kỳ quá độ ?.

Chúng ta biết rằng thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước từ 1945 đến 1969, cơ cấu kinh tế ngành của Việt Nam lúc đó bao hàm bốn ngành kinh tế lớn là nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và giao thông vận tải. Còn các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ… còn chiếm một vị trí rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm nhiều hơn đến cơ cầu kinh tế công-nông-thương nghiệp.

Theo Hồ Chí Minh, ba bộ phận này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tác động và chi phối lẫn nhau. Năm 1956, trong Tạp chí Sinh hoạt thương nghiệp, số đặc biệt, Người đã viết: “ Về nhiệm vụ thì phải hiểu rõ trong nền kinh tế quốc dân có 3 mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mặt thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp” [45, tr 175]. Song, trong điều kiện của Việt Nam sau khi cách mạng tháng Tám thì nông nghiệp luôn là lĩnh vực quan trọng nhất, có vị trí hết sức đặc biệt đối với xã hội. Vì ngành nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người là ăn, mặc. Và đối với nước ta là nước nông nghiệp thì Hồ Chí Minh cho rằng “nghề nông là gốc”. Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam đăng trên báo Cứu quốc, số 229, ngày 1/5/1946, Bác viết: “ Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào

nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” [41, tr.215].

Do đó, phát triển sản xuất lương thực thực, phẩm có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân sau cách mạng tháng Tám. Ngay trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của sản xuất nông nghiệp đối với sự nghiệp thành bại của chiến tranh. Người đã nhiều lần nhắc nhở đến câu châm ngôn Hán-Việt “Thực túc thì binh cường”, “có thực mới vực được đạo”, hay “có đủ cơm ăn áo mặc cho bộ đội và nhân dân, thì kháng chiến mới mau thắng lợi, thống nhất và độc lập mới mau thành công” [42, tr.687].

Hơn thế nữa, nông nghiệp không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và một phần hàng hóa cho xuất khẩu. Từ năm 1955, sau khi bắt tay vào khôi phục kinh tế, Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò to lớn đó của nông nghiệp. Người viết:

Để đẩy mạnh việc củng cố miền Bắc, làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Chính phủ sẽ thi hành khôi phục kinh tế năm 1956 bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải; nhưng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Yâu cầu của sản xuất nông nghiệp năm 1956 là bước đầu giải phóng vấn đề lương thực, cung cấp nguyên liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài [45, tr.91].

Như vậy, ngay cả trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nông nghiệp vẫn được coi như mặt trận chủ yếu, quan trọng hàng đầu.

Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh đến việc sử dụng nguyên liệu sản xuất từ nông nghiệp để xuất khẩu lấy ngoại tệ. Người viết:

Trong việc xây dựng, ta cố gắng, các nước bạn hết lòng giúp đỡ, ta còn phải mua hàng của các nước khác. Muốn buôn bán với các nước ấy, ta chưa có máy móc, đồ kỹ nghệ, ta chỉ có nông, hải sản. Cán bộ, Đảng viên ta phải giúp đỡ Chính phủ mua và xung phong bán. Mua của người khác mà mình không xung phong bán không tốt [45, tr.422].

Để phát triển kinh tế, theo Hồ Chí Minh, phải phát triển toàn diện các ngành công nghiệp, thương nghiệp, tài chính ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hóa, y tế… Song, các ngành này phải lấy phục vụ nông nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác,

Người cũng nhắc nhở: Nông nghiệp muốn làm

được chức năng là cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp và các ngành kinh tế khác, bản thân nó phải là một nền nông nghiệp toàn diện. Một nền nông nghiệp toàn diện theo Hồ Chí Minh bao gồm các ngành trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, làm muối, trồng rừng và các ngành nghề phụ khác ở nông thôn. Trong trồng trọt phải ưu tiên phát triển cây lương thực, bao gồm cả hoa màu, ngoài ra còn phải phát triển cây công nghiệp như gai, trẩu, sở, chè, hồi, màng tang, đỗ trọng, lạc, mía và cây ăn quả… vì “ các thứ cây này cần nhiều mà xuất khẩu cũng được tiền” [48, tr.243].

Về chăn nuôi, Hồ Chí Minh chủ trương cần xây dựng chăn nuôi thành một ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, nhất là ở miền núi và trung du; không chỉ nuôi lợn mà “phải hết sức chú ý chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, ong”…, “nuôi lấy thịt mà còn nuôi vắt sữa nữa”.

Hồ Chí Minh, một mặt, khẳng định vai trò to lớn của nông nghiệp đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, mặt khác Người cũng nêu rõ mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp. Hai ngành kinh tế chủ chốt này có mối quan hệ mật thiết với nhau và thúc đẩy nhau cùng phát triển, cũng như “Người thì có hai chân, kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: nông nghiệp và công nghiệp”. Trong mối quan hệ này, nông nghiệp sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cho cá nhân trong các ngành công nghiệp; công nghiệp sẽ cung cấp tư liệu sản xuất hiện đại và các tư liệu thường dùng khác cho nông nghiệp. Nông nghiệp đi trước một bước tạo tiền đề cho công nghiệp phát triển; đến lượt mình công nghiệp lại tạo ra các phương tiện hiện đại để tăng sức sản xuất cho nông nghiệp. Người nói:

Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè…) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay..) để xuất khẩu… Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nông dân, trước hết là cho

người dân; cung cấp máy bơm, phân hóa học, thuốc trừ sâu… để đẩy mạnh nông nghiệp và cung cấp dần dần máy cấy, cày, bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích [47, tr.544-545].

Theo phân tích của Người, đó cũng là nhằm xác lập nền tảng vật chất, thực hiện liên minh công - nông trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tăng cường quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ tích cực của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Việc xác định đúng đắn cơ cấu kinh tế ngành công-nông nghiệp hiện đại cùng với việc chỉ ra mối quan hệ giữa chúng làm cho nền kinh tế miền Bắc trong những năm đầu hòa bình lập lại đã có những chuyển biến sâu sắc theo hướng tích cực. Chúng ta nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức sản xuất nhanh, đời sống cán bộ và nhân dân miền Bắc được cải thiện, không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân ta bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “ Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam pdf (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)