Một trong những di sản lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là những nhận thức của Người về mục đích của công nghiệp hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta. Đây cũng chính là một bộ phận hợp thành quan niệm chung của Người về chủ nghĩa xã hội và con đường cách mạng Việt Nam. Khi nói về mục đích của chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “ Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc” [47, tr.17]. Có khi Hồ Chí Minh nói một cách trực tiếp: “ Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân” [47, tr.159]. Cũng có khi Người nhấn mạnh nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là phải ra sức phát triển sản xuất. Để trả lời cho câu hỏi muốn có chủ nghĩa xã hội phải làm gì ? Người đã khẳng định: “
Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất. Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay ở miền Bắc” [47, tr.312]. Từ những lời phát biểu gắn gọn, giản dị, mộc mạc của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, chúng ta thấy được mục tiêu của chủ nghĩa xã hội làm sao cho xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, mọi người có điều kiện để phát huy hết năng lực, sở trường của mình.
Khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta thấy tính lôgíc và nhất quán trong việc xác định mục tiêu chủ yếu của công nghiệp hóa trong mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ với mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh xem mối liên hệ giữa mục đích công nghiệp hóa và mục đích chủ nghĩa xã hội là vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc. Người nêu bật mục đích cuối cùng của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây cũng là ham muốn tột bậc mà suốt cả cuộc đời Người hy sinh, phấn đấu vì nó.
Trong buổi nói chuyện với Đảng bộ thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế vừa cải thiện đời sống, vừa tích lũy. Cải thiện đời sống từng bước theo khả năng, đồng thời phải tích lũy để kiến thiết” [47, tr.159]. Đây chính là bản chất xã hội của quá trình công nghiệp hóa do giai cấp công nhân và Đảng cộng sản lãnh đạo, là ranh giới để nhận diện công nghiệp hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với công nghiệp hóa diễn ra trong điều kiện chế độ tư bản. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh sử dụng tính từ “xã hội chủ nghĩa” gắn liền với thuật ngữ “công nghiệp hóa”. Trong quan niệm của Người, công nghiệp hóa bao giờ cũng có định hướng cụ thể, hàm chứa cả nội dung xã hội và giai cấp. Vì vậy, không có công nghiệp hóa chung chung, mà chỉ có thể hoặc công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa hoặc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Bản chất giai cấp sẽ chi phối nội dung, cách lựa chọn bước đi và các động lực thực hiện quá trình công nghiệp hóa.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, tìm hiểu thực tiễn công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa đã chỉ cho Người thấy được bản chất, vai trò của nó trong việc nâng cao
trình độ bóc lột của chủ nghĩa tư bản đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đồng thời, công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa phát triển đã tăng số lượng và chất lượng giai cấp công nhân, làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc giữa chủ nghĩa tư bản với giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước thuộc địa tất yếu dẫn đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước này. Từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi” [38, tr.28].
Muốn đi tới chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh, phải trải qua một thời kỳ quá độ để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Đã nhiều lần Người khẳng định vai trò của nông nghiệp, coi nông nghiệp là gốc, nhưng Người vẫn nhấn mạnh công nghiệp hóa mới là con đường cơ bản để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Người viết: “Hôm nay chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta” [47, tr.41].