- Về lãi suất:
+ Chính sách lãi suất của các NH cần phải phản ánh tốt hơn mức độ rủi ro của dự án kinh doanh. Trên thực tế, lãi suất mà các HNTM áp dụng cho các DNNQD thường cao hơn các DNNN mặc dù chưa hẳn KVQD có dự án kinh doanh khả thi hơn KVNQD nên đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các TPKT. Vì vậy, với các khách hàng quen thuộc, có uy tín vay trả sòng phẳng, có dự án kinh doanh khả thi cao nên được hưởng mức lãi suất ưu đãi, điều đó vừa khuyến khích khách hàng tăng cường mối quan hệ với ngân hàng, vừa tích cực làm ăn có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng.
+ Các NHTM cần phải đa dạng hoá các hình thức lãi suất sao cho phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng. Dựa vào từng hình thức lãi suất và từng kỳ hạn, khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn những khoản vay thích hợp đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của họ đạt hiệu quả cao, đảm bảo trả nợ cho ngân hàng đúng hạn.
- Về chính sách bảo đảm tiền vay:
Từ trước đến nay, đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các NHTM thường yêu cầu khu vực kinh tế này phải có tài sản thế chấp, trong đó phổ biến nhất là đất đai. Tuy nhiên, vấn đề này không phải lúc nào cũng thực hiện được do việc chứng nhận của cơ quan công quyền hay Uỷ ban Nhân dân cấp quận, huyện đối với tài sản thế chấp còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, bên cạnh việc cho vay theo hình thức này, ngân hàng có thể nghiên cứu cho vay theo các hình thức khác như kết hợp linh hoạt các hình thức bảo đảm bằng tín chấp, tín chấp và thế chấp, tín chấp, thế chấp và bảo lãnh.
Với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay thì việc cho vay bằng tín chấp có nhiều khả năng phát triển. Tuy nhiên, cho vay bằng tín chấp không có nghĩa là ngân hàng có thể bỏ qua những thủ tục cần thiết. Khách hàng vẫn cần phải có số liệu chứng minh tình hình tài chính lành mạnh, phải có tài sản cố định, tài sản lưu động đủ lớn và đối tượng cho vay là những sản phẩm có hiệu quả và ổn định trên thị trường.
Bên cạnh đó, các biện pháp bảo đảm tiền vay đều phải lập thành văn bản, nhưng lập chung với hợp đồng tín dụng hay lập thành văn bản riêng là do các bên thoả thuận phù hợp với tính chất của của tài sản, không bắt buộc phải có hợp đồng riêng như trước đây. Như vậy sẽ đơn giản hoá thủ tục cho các hộ gia đình vay món nhỏ, hoặc khi khách hàng cầm cố các chứng từ có giá, vàng bạc thì chỉ cần ghi vào hợp đồng chính là hợp đồng tín dụng mà không nhất thiết phải có hợp đồng riêng về thế chấp, cầm cố. Đối với các loại thế chấp bất động sản hoặc cầm cố các loại tài sản lớn, phức tạp thì các bên có thể thoả thuận lập hợp đồng riêng để thuận cho việc quản lý và xử lý sau này.
- Về phương thức cho vay:
Phương thức cho vay phải đảm bảo thực hiện tốt cơ chế tín dụng và đảm bảo cho KVNQD sử dụng vốn vay nhanh và tiết kiệm. Hiện nay, các ngân hàng thường sử dụng phổ biến cho vay theo món, coi đó là biện pháp tối ưu để đảm
bảo an toàn vốn vay và tạo sự chủ động về mình. Nhưng phương thức cho vay theo món đòi hỏi mỗi lần vay doanh nghiệp phải lập đơn và khế ước xin vay, trình các chứng từ. Trong khi đó nhu cầu vốn hoạt động của các DNNQD làm ăn có hiệu quả lại cần bổ sung thường xuyên, nên họ rất ngại vay theo phương thức này. Do đó, ngân hàng cần áp dụng phương thức cho vay một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm chu chuyển vốn và độ tin cậy của khách hàng. Phương thức cho vay theo món nên áp dụng với những doanh nghiệp ngoài quốc doanh vay vốn không thường xuyên, chu chuyển vốn chậm, quá trình sản xuất kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ hay từng thương vụ hoặc thiếu tín nhiệm trong quan hệ vay-trả với ngân hàng. Ngân hàng cần vận dụng triệt để phương thức cho vay luân chuyển vì đây là phương thức cho vay rất phù hợp với tính năng động với tính nhanh nhạy của cơ chế thị trường. Phương thức này rất thuận lợi cho KVNQD có số vòng quay thường xuyên, hàng ngày, tạo điều kiện để vốn tín dụng luân chuyển đều đặn qua ngân hàng, qua đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong quá trình sử dụng vốn vay.