Hướng mở rộng tín dụng ngân hàng đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở Việt Nam:

Một phần của tài liệu Một số giải pháp mở rộng tín dụng ngân hàng đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở Việt Nam (Trang 70 - 73)

doanh ở Việt Nam:

Nhìn chung, mở rộng tín dụng ngân hàng có thể được thực hiện theo nhiều hướng khác nhau và căn cứ vào nhiều yếu tố. Đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các ngân hàng có thể mở rộng tín dụng theo những hướng sau:

2.1 Mở rộng đối tượng cho vay:

Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm nhiều TPKT khác nhau: kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế hợp tác, kinh tế tư bản tư nhân và các hình thức liên kết khác. Căn cứ vào từng loại hình mà ngân hàng sẽ có chính sách phù hợp.

Đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ: nhu cầu vốn vay của loại hình này thường không nhiều, chủ yếu vay ngắn hạn để bổ sung lượng tiền mặt thiếu hụt tạm thời. Đứng trên giác độ quản lý ngân hàng, khoản chi phí tính trên mỗi món vay mà ngân hàng bỏ ra thực hiện cho vay những đối tượng này thường lớn hơn so với việc cho các doanh nghiệp vay, do đó bên cạnh việc trực tiếp cho từng cá nhân vay vốn, đối với những khách hàng có cùng hoạt động sản xuất kinh doanh, ngân hàng có thể hướng dẫn họ tập hợp lại thành nhóm khoảng từ 5 đến 6 người để thực hiện việc cho vay. Cán bộ tín dụng chỉ cần làm việc với 1 hoặc 2 người đại diện cả nhóm. Người này sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước ngân hàng về việc sử dụng vốn vay của tất cả các thành viên trong nhóm cũng như chuyển khoản vay từ ngân hàng tới các thành viên khác. Bằng cách này, ngân hàng giảm được chi phí cho vay, khách hàng bớt được các thủ tục rườm rà.

Đối với kinh tế hợp tác, kinh tế tư bản tư nhân: đây là những đơn vị kinh tế được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp, ngân hàng nên căn cứ vào đặc trưng của từng loại hình mà áp dụng các chính sách tín dụng cho phù hợp. Ví dụ, bên cạnh việc cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động, ngân hàng có thể cho các doanh nghiệp vay vốn để thực hiện dự án trung và dài hạn. Dựa trên đơn yêu cầu vay vốn của khách hàng, ngân hàng có thể cho vay để mua vật tư, hàng hoá... và

các nhu cầu tài chính khác theo quy định của NHNN. Việc cho vay có bảo đảm hay không bảo đảm phải căn cứ vào tính pháp lý của từng loại hình doanh nghiệp.

Tóm lại, việc mở rộng đối tượng cho vay không những giúp ngân hàng có thể thiết lập quan hệ với nhiều khách hàng mà còn giúp đa dạng hoá được các khoản đầu tư của mình. Nhờ vậy, ngân hàng hạn chế được rủi ro thông qua việc phân tán chúng đồng thời vẫn thực hiện được nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế.

2.2 Mở rộng quy mô khoản vay:

Các đơn vị kinh tế thường có nhu cầu vốn không giống nhau do đặc điểm sản xuất kinh doanh khác nhau. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, ngân hàng có thể mở rộng việc cho vay theo số lượng và kỳ hạn khác nhau.

Để có thể thực hiện việc mở rộng theo hướng này, trước hết, ngân hàng phải căn cứ vào tiềm lực vốn của mình. Nguồn vốn mà ngân hàng huy động được có thể từ nhiều nguồn khác nhau: từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân..., gắn liền với kỳ hạn khác nhau: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng... và quy mô không giống nhau (có người chỉ gửi vài ba trăm nghìn, có người lại gửi đến hàng trăm triệu). Trong khi đó, khách hàng vay vốn cũng có yêu cầu khác nhau về số lượng, thời hạn cũng như phương thức vay, tuỳ theo mục đích sử dụng vốn, có người vay vài triệu trong 3 tháng hoặc 6 tháng nhưng cũng có người vay đến hàng tỷ đồng để đầu tư những dự án lớn. Như vậy, kỳ hạn cũng như quy mô của các khoản cho vay và huy động không phải lúc nào cũng khớp với nhau, vì thế các ngân hàng phải kế hoạch hoá được nguồn vốn của mình để có sự chủ động, linh hoạt khi cho vay.

2.3 Mở rộng phương thức cho vay:

Trên cơ sở nhu cầu sử dụng từng khoản vốn của khách hàng, mối quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng, ngân hàng và khách hàng thoả thuận để lựa chọn phương thức cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của khách hàng.

Xuất phát từ điều này, Ngân hàng có thể tiến hành cho vay theo các phương thức như:

- Cho vay từng lần: mỗi lần vay vốn khách hàng và ngân hàng thực hiện thủ tục vay vốn cần thiết và ký kết hợp đồng tín dụng.

- Cho vay theo hạn mức tín dụng: ngân hàng và khách hàng xác định thoả thuận một hạn mức tín dụng duy trì trong một khoảng thời gian nhất định.

- Cho vay theo dự án đầu tư: ngân hàng cho khách hàng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các dự án đầu tư phục vụ đời sống.

- Cho vay hợp vốn: một nhóm tổ chức tín dụng cùng cho vay đối với một dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn của khách hàng; trong đó, có một tổ chức tín dụng làm đầu mối dàn xếp, phối hợp với các tổ chức tín dụng khác.

- Cho vay trả góp: khi vay vốn, ngân hàng và khách hàng xác định và thoả thuận số lãi vốn vay phải trả cộng với số nợ gốc được chia để trả nợ theo nhiều kỳ hạn trong thời hạn cho vay.

- Cho vay theo hạn mức tín dụng dự phòng: ngân hàng cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi hạn mức tín dụng nhất định. Ngân hàng và khách hàng thoả thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng dự phòng, mức phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.

- Cho vay thông qua nghiêp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng: ngân hàng chấp nhận cho khách hàng sử dụng vốn vay trong phạm vi hạn mức tín dụng để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ và rút tiền mặt tại máy rút tiền tự động hoặc điểm ứng tiền mặt là đại lý của ngân hàng.

- Cho vay theo hạn mức thấu chi: là việc cho vay mà ngân hàng thoả thuận bằng văn bản chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng.

Việc mở rộng, cung ứng các phương thức cho vay phù hợp với đặc điểm, tính chất kinh doanh của khách hàng sẽ giúp ngân hàng dễ dàng, thuận tiện hơn

trong việc kiểm tra, giám sát và thu hồi vốn vay. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của khách hàng cũng như ngân hàng, kéo theo mối quan hệ hai bên được tăng cường, từ đó tạo điều kiện để mở rộng phạm vi hoạt động của ngân hàng.

2.4 Mở rộng hình thức cho vay:

Theo hướng này, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay có bảo đảm hoặc không bảo đảm.

Thông thường khi vay vốn ngân hàng, khách hàng thuộc KVNQD phải có tài sản thế chấp. Mặc dù vậy, các ngân hàng có thể căn cứ vào mức độ tín nhiệm đối với khách hàng để quyết định hình thức cho vay phù hợp: cho vay đảm bảo bằng tài sản của người vay, bằng bảo lãnh của bên thứ ba hoặc bằng tài sản hình thành từ chính vốn vay. Đối với những khách hàng mới hoặc có độ tin cậy không cao, việc bắt buộc phải có biện pháp bảo đảm là cần thiết để nguồn vốn cho vay được an toàn.

Tuy nhiên, ngân hàng có thể cho vay không cần các biện pháp đảm bảo. Hình thức cho vay này nên được áp dụng đối với những khách hàng truyền thống, có hoạt động kinh doanh tốt, có uy tín với ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng có thể tài trợ cho khách hàng thông qua việc mở L/C trả chậm cho hoạt động xuất nhập khẩu hoặc cho khách hàng vay thông qua việc mua lại các chứng từ có giá trong thời hạn thanh toán, bao gồm việc chiết khấu các loại thương phiếu và mua lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Như vậy, ngân hàng có thể mở rộng hoạt động cho vay của mình theo nhiều hướng khác nhau. Các dịch vụ, phương thức cho vay của ngân hàng càng nhiều, càng đa dạng thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển hoạt động kinh doanh còn ngân hàng cũng mở rộng hoạt động của mình.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp mở rộng tín dụng ngân hàng đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ở Việt Nam (Trang 70 - 73)