2.1. Các chế độ BHXH ngắn hạn:
Trong quá trình lao động, người lao động thường gặp phải rủi ro bất ngời không lường trước được như ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp làm giảm hoặc mất khả năng lao động tạm thời đối với những trường hợp nhẹ, hoặc mất khả năng lao động vĩnh viễn, chết người đối với những trường hợp nặng. Nguyên nhân dẫn đến những rủi ro bất ngờ đối với người lao động có thể bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan và khách quan của người lao động hoặc người sử dụng lao động gây ra. Ví dụ: tai nạn lao động có thể do nguyên nhân chủ quan của người lao động không tôn trọng kỷ luật lao động, an toàn lao động để xảy ra tai nạn lao động; cũng có thể do nguyên nhân khách quan như nồi hơi bị nổ, sự cố về điện, máy móc…gây ra tai nạn; cũng có thể do công tác an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, phòng chống độc hại không tốt dẫn đến người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…Như vậy, trong các nguyên nhân kể trên, chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ phía người sử dụng lao động gây nên. Hậu quả khi xảy ra các rủi ro đó người lao động không những bị mất nguồn thu nhập từ lao động mà còn phải tăng thêm chi phí cho việc chăm sóc y tế, bị nặng thì mang tàn phế suốt đời hoặc chết người. Còn đối với người sử dụng lao động, khi người lao động bị rủi ro không những ảnh hưởng đến kế hoạch, kết quả sản xuất kinh doanh mà còn phải bỏ ra nhiều chi phí để khắc phục hậu quả đột xuất do các rủi ro đó gây ra, làm cho tình hình tài chính của đơn vị càng khó khăn hơn.
Để có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống cho người lao động trong khi bị ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, ổn định kinh tế, tài chính cho người sử dụng lao động tất yếu phải có quỹ bảo hiểm, người sử dụng lao động
phải có trách nhiệm trích nộp phần thu nhập để tạo lập quỹ bảo hiểm tại đơn vị hoặc đóng góp vào quỹ BHXH cho các mục đích trên.
Thông thường, để ổn định kinh tế cho doanh nghiệp , phí bảo hiểm để tạo lập quỹ bảo hiểm cho các rủi ro này được nhà nước cho phép hạch toán vào giá thành sản phẩm để người tiêu dùng trong xã hội gánh chịu. Tính chất độc hại, không an toàn trong sản xuất kinh doanh gây ra ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động xảy ra khác nhau ở các ngành, các doanh nghiệp. Nhưng do nhu cầu các sản phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng mang tính chất xã hội, vì thế mọi doanh nghiệp, mọi thành viên xã hội đều phải có nghĩa vụ đối với người lao động khi xảy ra ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Như vậy,các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn ra đời nhằm đảm bảo cho các rủi ro nói trên,đó là các chế độ: ốm đau; Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và chế độ Thai sản. Bản chất kinh tế -xã hội của các chế độ này phản ánh mối quan hệ kinh tế - xã hội giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước thông qua việc tạo lập và sử dụng quỹ BHXH nhằm ổn định cuộc sống cho người lao động và ổn định sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động và xã hội. Các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn có đặc điểm:.
-Mang tính nhất thời đột xuất, trách nhiêm và nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm thuộc về người lao động và người sử dụng lao động. Phí bảo hiểm được hạch toán đầy đủ vào giá thành để tạo nguồn tài chính cho người sử dụng lao động nộp phí.
- Phân phối trong các chế độ này vừa mang tính hoàn trả, vừa mang tính không hoàn trả và thường diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định
- Nguồn quỹ dùng để chi trả cho các chế độ này phải được cân đối trong một thời gian nhất định, thường là một năm, theo nguyên tắc thu đủ bù chi ngay trong năm đó,. Vì vậy, việc quản lý nguồn quỹ này khá đơn giản và dễ cân đối.
Đó là các chế độ hưu trí và tử tuất, các chế độ này bắt nguồn từ việc bảo hiểm nguòn thu nhập cho người lao động khi đã già yếu hết tuổi lao động, mất sức lao động vĩnh viễn và qua đời mà bất kỳ người lao động nào cũng phải trải qua. Trách nhiệm đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất thuộc về người lao động và người sử dụng lao động. Vì khi còn khoẻ, người lao động làm việc cho người sử dụng lao động thì khi về già, người sử dụng lao động phải có một phần trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho họ. Việc tiến hành bảo hiểm hưu trí và tử tuất nếu không có tổ chức bảo hiểm bắt buộc của xã hội, của nhà nước thì bản thân người lao động cũng phải tự mình lo bảo hiểm để đảm bảo ổn định cuộc sống lúc già yếu, lúc qua đời, không gây khó khăn cho gia đình và xã hội. Các chế độ BHXH dài hạn có đặc điểm:
- Nó được thực hiện sau quá trình lao động, quan hệ phân phối có tính chất hoàn trả, lợi ích hưởng thụ tương ứng với nghĩa vụ đóng góp.
- Phí bảo hiểm phải nộp cho các chế độ này cũng được cơ cấu và tiền lương để hạch toán vào giá thành sản phẩm tạo nguồn tài chính cho người sử dụng lao động đóng phí bảo hiểm.
- Quỹ bảo hiểm của các chế độ này phải được cân đối trong vòng nhiều năm, vì vậy nó chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như: Lạm phát, sự biến động của nền kinh tế và xã hội .v.v…
2.3. Hệ thống các chế độ BHXH của Việt Nam
Theo điều 2 của Điều lệ BHXH Việt Nam, BHXH nước ta hiện nay bao gồm 5 chế độ: Chế độ trợ cấp ốm đau; Chế độ trợ cấp thai sản; Chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. So với trước đây, chế độ trợ cấp mất sức lao động đã bị loại bỏ. Nội dung của 5 chế độ nêu trên được quy định thống nhất trong chương II của Điều lệ. Mỗi chế độ BHXH khi xây dựng đều căn cứ vào một loạt những cơ sở như: Sinh học; kinh tế - xã hội; điều kiện và môi trường lao động v.v...
- Chế độ trợ cấp ốm đau. Chế độ này đã giúp cho người lao động có được khoản trợ cấp thay thế thu nhập bị mất do không làm việc khi bị ốm đau. Việc thiết kế chế độ này như hiện hành đã tránh được những hiện tượng lạm dụng và bình quân hoá trong khi xét trợ cấp. Đảm bảo công bằng giữa đóng và hưởng BHXH, đồng thời có tính đến yếu tố san sẻ cộng động giữa những người tham gia BHXH. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu xem xét như: không quy định thời gian dự bị trước khi hưởng BHXH; thời hạn hưởng tối đa chưa rõ; thủ tục, danh mục các bệnh dài hạn quy định đã lâu, cần phải bổ sung một số bệnh mới v.v...
- Chế độ trợ cấp thai sản: Thiết kế chế độ này như hiện nay đã giúp lao động nữ có được khoản trợ cấp thay thế cho phần thu nhập bị mất do không làm việc vì sinh con. Hơn nữa, việc quy định thời gian nghỉ đã tính đến yếu tố điều kiện và môi trường lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho sản phụ thuộc các nhóm lao động khác nhau. Qua thực tiễn, chế độ này còn một số điểm cần phải khắc phục như: còn đan xen giữa chính sách BHXH với chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình; thời gian dự bị trước khi được hưởng cũng chưa có v.v...
- Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Thực tiễn triển khai chế độ này ở nước ta trong những năm vừa qua đã góp phần không nhỏ đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động không may bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời chế độ này còn quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với các trường hợp xảy ra TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp.
Mức trợ cấp của chế độ này dựa trên cơ sở tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là hợp lý. Tuy vậy, cần phải xác định rõ hơn TNLĐ xảy ra trên đường đi từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại, danh mục bệnh nghề nghiệp cần phải được bổ xung vì có một số loại bệnh mới phát sinh nhưng chưa được xếp vào bệnh nghề nghiệp v.v...
- Chế độ hưu trí: Đây là chế độ nhằm cung cấp một khoản trợ cấp thay thế cho phần thu nhập không được nhận nữa từ nghề nghiệp do nghỉ hưu. Nội dung chế độ này đã khắc phục được những hạn chế trước đây như: Việc quy đổi thời gian công tác; bóc tách được phần lớn các chế độ ưu đãi xã hội ra khỏi chế độ hưu trí v.v... vì thế, đã đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa đóng và hưởng BHXH; giữa các nhóm lao động khác nhau. Tuy vậy, chế độ này vẫn còn nhiều điểm nổi cộm cần khắc phục như: tuổi đời về hưu giữa các ngành các nhóm lao động; những người hưởng trợ cấp một lần đưa vào chế độ là chưa hợp lý, vì những người này vừa chưa đủ tuổi, vừa không đủ tích luỹ cần thiết để hưởng trợ cấp. Đây chỉ là sự trả lại một phần số tiền cho người lao động khi họ không còn quan hệ lao động nữa, do quỹ BHXH đảm nhận.
- Chế độ tử tuất: Một trong những chế độ BHXH mang tính nhân đạo nhất đó là chế độ tử tuất. Chế độ này đã giúp cho thân nhân người chết có được khoản trợ cấp bù đắp một phần thiếu hụt thu nhập của gia đình do người lao động bị chết; khi xây dựng chế độ này, đã tính đến yếu tố đóng góp của người tham gia bảo hiểm và yếu tố xã hội giữa người sống và người chết. Đặc biệt là có tính đến yếu tố kế thừa đối với thân nhân của người chết. Song, việc quy định đối tượng được hưởng bao gồm cả bố mẹ bên vợ, bên chồng là chưa hợp lý. Vì bố mẹ bên vợ, bên chồng còn có thân nhân của cả hai bên chịu trách nhiệm. Điều này cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để thống nhất quy định v.v...