Khi xem xét đối tượng CTXH, cần nhìn nhận trên 2 phương diện: kinh tế và nhân đạo. Phải chăng những đối tượng được đưa vào diện cứu trợ xã hội là những thành viên của xã hội có mức sống thấp hơn so với mức sống tối thiểu của xã hội hoặc những người gặp cảnh bất hạnh trong cuộc đời mà xã hội cần nâng đỡ như: Bị tàn tật, gặp rủi ro, cơ nhỡ, hoạn nạn… Trên quan điểm nhân đạo và nhân văn, những người rơi vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, tiêm chích ma tuý, gái mại dâm cũng có thể được coi là đối tượng cứu trợ xã hội.
Đương nhiên, xã hội không thể chấp nhận những kẻ có khả năng lao động mà lười biếng hoặc ăn chơi cờ bạc, rượu chè.
Quy luật phát triển của kinh tế thị trường tất yếu đẻ ra sự phân hoá giầu nghèo và phân tầng xã hội, ngay cả các nước phát triển vẫn có người giầu, người nghèo. Nước ta vốn đã nghèo, đời sống nhân dân còn quá thấp thì sự phân hóa đó càng sâu sắc và gay gắt khi nền kinh tế đất nước chuyển sang vận động theo cơ chế thị trường. Điều đó kéo theo sự tăng lên cả về diện và số lượng các đối tượng cần cứu trợ xã hội. Trong đó không ít các đối tượng thuộc chính sách ưu đãi xã hội và bảo hiểm xã hội cũng rơi vào diện cần cứu trợ.
Mục tiêu tổng quát của chính sách cứu trợ xã hội là làm giảm sự chênh lệch về mức sống (cả về vật chất lẫn tinh thần) giữa mọi thành viên trong cộng đồng và cả xã hội. Không để ai rơi vào cảnh cùng cực, tuyệt vọng hoặc bị bỏ rơi, xây dựng nếp sống tốt đẹp, giữa con người với nhau giầu lòng nhân ái, nhân văn, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân đạo và văn minh.
Theo từng loại đối tượng chúng ta có những mục tiêu cụ thể. Với người này có thể cứu khỏi chết đói, chết rét, chết bệnh ;nhưng với người khác lại là giảm dần tình trạng nghèo đói hoặc kéo dần khoảng cách chênh lệch về mức sống đối với các đối tượng cùng địa phương, cùng cộng đồng hoặc cùng một tầng lớp dân cư tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ vật chất hoặc tinh thần để đối tượng vươn lên hoà nhập với cộng đồng và xã hội. Tuỳ theo từng đối tượng mà giúp đỡ bằng tiền bạc, của cải, công cụ lao động, cơ sở vật chất để sinh sống, học tập, làm ăn…
Hoặc tuỳ theo loại đối tượng hoặc các nguyên nhân và nhu cầu cụ thể của họ mà chúng ta có các phương thức cứu trợ khác nhau: Cứu đói, cho vay vốn, phổ biến kinh nghiệm làm ăn, đào tạo nghề và giới thệu việc làm, nuôi dưỡng tập trung hoặc chữa bệnh, hướng nghiệp ….
Cứu trợ cho các đối tượng khỏi đói, rét, cực khổ là công việc nhất thời, cái chính là làm sao tạo mọi điều kiện để họ tự vươn lên thoát được hoàn cảnh hiện tại và dần hoà nhập với cộng đồng xã hội. Đối với những người không có ( hoặc
không có con) khả năng lao động tự nuôi sống thì xã hội cần nuôi dưỡng hoặc trợ cấp thường xuyên đây là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ là công việc của các cơ quan Nhà nước.