3. Giải pháp nhằm đấy mạnh công tác khai thác bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển:
4.1. Về phía Nhà nước:
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động tài chính có liên quan. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hiện tượng đổ vỡ có tính dây chuyền giữa các ngành có liên quan nhiều đến lĩnh vực bảo hiểm như ngân hàng, tài chính, chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Bởi vì, mối liên kết giữa các ngành này chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đầu tư vốn, cho nên sẽ luôn có những rủi ro tiềm ẩn khó lường.
Theo dõi chặt chẽ những diễn biến của thị trường tài chính và thị trường bảo hiểm thế giới để có những thông tin dự báo cần thiết cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đưa ra những quyết sách đúng và kịp thời liên quan đến hoạt động tái bảo hiểm và hoạt động đầu tư tài chính. Biện pháp này cần phải được phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các cơ quan khác có liên quan như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông...
Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hoá Luật Kinh doanh bảo hiểm bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể phù hợp với cam kết WTO. Đồng thời, phải có những chính sách linh hoạt, mềm dẻo trước diễn biến của cuộc khủng hoảng và sự tác động của nó đến thị trường bảo hiểm Việt Nam. Cần sớm đưa ra những cảnh báo kinh tế có liên quan đến thị trường và hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội đang gặp khó khăn để chiếm dụng vốn lẫn nhau và thực hiện các hành vi trục lợi bảo hiểm.