7. Các giải pháp nhằm hoàn thiện phương pháp kiểm toán chu trình Bán hàng Thu tiền của Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam.
2.2. Một vài định hướng nhằm hoàn thiện việc kiểm toán chu trình Bán hàng Thu tiền do Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam thực hiện.
hàng- Thu tiền do Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam thực hiện.
Qua một thời gian được thực hành các kiến thức đã học tại Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam, qua nghiên cứu lý luận và tìm hiểu thực tiễn quy trình kiểm toán chu trình Bán hàng- Thu tiền của Công ty, em xin được đưa ra một vài ý kiến nhỏ với mong muốn được đóng góp vào việc hoàn thiện kiểm toán chu trình Bán hàng- Thu tiền của Công ty.
*Đối với giai đoạn tiếp cận khách hàng và kế hoạch tiếp cận khách hàng.
Với một đội ngũ kiểm toán viên nhiệt tình, thân thiện và có lối làm việc hết sức cởi mở với khách hàng, Grant Thornton là hình ảnh một công ty kiểm toán trẻ trung và được khách hàng tin cậy, với số lượng khách hàng cũ được duy trì và khách hành mới gia tăng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để tạo đực sự tin cậy nơi khách hàng, Công ty cần chú trọng hơn nữa công tác tiếp cận và thu thập thông tin về khách hàng.
Tuân theo đúng Chuẩn mực Kiểm tóan Việt Nam số 300, công ty thực hiện rất tốt công tác tiếp cận khách hàng khi thực hiện công việc này với các khách hàng mới. Nhưng do quỹ thời gian hạn hẹp phân bổ cho một khối lượng công việc đồ sộ của mỗi cuộc kiểm toán, nên việc tiếp cận và thu thập thông tin với các khách hàng cũ, khách hàn thường niên lại chưa được chú trọng. Phần lớn các thông tin, hiểu biết về khách hàng vẫn duy trì từ các hồ sơ kiểm toán các giai đoạn trước, tuy có bổ sung những thay đổ thực tế từ phía khách hàng, song như vậy vẫn chưa đủ. Công ty có thể tìm hiểu thêm về thông tin sản xuất kinh doanh cũng như tình hình tài chính của khách hàng dựa trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Các nguồn này sẽ cung cấp thêm những thông tin hứu ích và đảm bảo rằng kiểm toán viên và công ty kiểm toán đã không bỏ sót thông tin quan trọng nào có ảnh hưởng tới chất lượng và kết quả cuộc kiểm toán.
Để đạt được điều nay, kiểm toán viên nên linh hoạt và tích cực hơn nữa trong công việc tiếp cận khách hàng, kể cả đối với các khách hàng cũ và khách hàng mới. Đặc biệt đối với chu trình Bán hàng- Thu tiền, một chu trình đặc biệt quan trọng, kiểm toán viên cần theo dõi và tìm hiểu xem trong giai đoạn được kiểm toán, khách hàng có những thay đổi gì về các quy chế nội bộ, bộ máy quản lý cũng như bộ máy kế toán, chính sách bán hàng, các quy định về giá bán cũng như nguyên tắc hạch toán,... Các thông tin này có thể khai thác từ việc phỏng vấn trực tiếp nhân viên quản lý, nhân viên kế toán hay những người có liên quan khác tới chu trình này. Còn đối với các khách hàng mới, tìm hiểu và thu thập thông tin về khách hàng đòi hỏi được thực hiện kỹ càng hơn, đầy đủ hơn. Đó sẽ là bước khởi đầu quan trọng cho kiểm toán viên xây dựng một chương trình kiểm toán thật phù hợp, làm nền tảng cho một cuộc kiểm toán thành công, cũng như là nền móng vững vàng để triển khai kiểm toán trong những giai đoạn tiếp theo cho chính khách hàng đó.
*Về thực hiện thủ tục phân tích:
Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 520 có quy định về quy trình phân tích trong kiểm toán Báo cáo tài chính như sau: “Quy trình phân tích là việc phân tích các số liệu, thông tin, các tỉ suất quan trọng qua đó tìm ra những xu hướng, biến động và tmf ra những mối quan hệ có mâu thuẫn với các thông tin có liên quan khác hoặc có sự chênh lệch lớn so với dự kiến”. Theo đó, quy trình phân tích bao gồm các công việc như so sánh thông tin tương ứng của kỳ này so với kỳ trước, so sánh các thông tin dự kiến cũng như thực tế thực hiện được tại đơn vị, so sánh số tựhc tế với các ước tính của chính kiểm toán viên, so sánh các chỉ tiêu của đơn vị với các chỉ tiêu chung của ngành hay các doanh nghiệp khác kinh doanh trong cùng ngành với đơn vị,... Đây là quy định về các thủ tục bắt buộc phải áp dụng trong mọi giai đoạn của một cuộc kiểm toán và trong mọi cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Grant Thornton noic hugn và tại các công ty kiểm toán nói chung, các thủ tục này chỉ được thực hiện trong kiểm toán các phấn hành chỉ yếu, quan trọng như doanh thu, chi phí,... của giai đoạn thực hiện kiểm toán mà không áp dụng với các giai đoạn khác. Điều này có thể dẫn đến việc kiểm toán viên không xác định được hết các sai sót, gian lận, hoặc không phát hiện được các sai
sót và gian lận đó ngay từ đầu, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc kiểm toán. Công ty nên tăng cường các thủ tục phân tích và tiến hành các thủ tục này trong mọi giai đoạn của cuộc kiểm toán theo đúng quy định trong Chuẩn mực Kiểm tóan Việt Nam cũng như các quy định, chuẩn mực quốc tế. Thông qua các bước so sánh, với các chỉ tiêu cụ thể như các con số thống kê, các định mức hay các ước tính ban đầu của chính doanh nghiệp, của kiểm toán viên hoặc của các đơn vị cùng ngành với khách hàng,... để phản ánh đúng tình hình kinh doanh, hoạt động cũng như tình hình tài chính của khách hàng.
*Về công việc đánh giá rủi ro, trọng yếu và rủi ro kiểm toán.
Xác định mức độ trọng yếu và rủi ro kiểm toán là một công việc quan trọng và cần thiết đối với mỗi cuộc kiểm toán, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc cũng như các kết luận của kiểm toán viên. Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam có quy đinh rằng, khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên cần xác định mức trọng yếu có thể chấp nhận được làm tiêu chuẩn phát hiện những sai sót trọng yếu về mặt định lượng (Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, số 320) và sử dụng khả anưng xét đoán chuyên môn của mình để đánh giá rủi ro kiểm toán và xác định các thủ tục kiểm toán nhằm giảm rủi ro này xuống mức thấp nhất có thể (Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, số 400). Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế lại không có bất kỳ một sự hướng dẫn hay một con số cụ thể nào làm cơ sở cho các kiểm toán viên xác định hai chỉ tiêu quan trọng này. Điều đó dẫn đến một thực tế là mỗi công ty kiểm toán có một cách xác định trọng yếu và rủi ro khác nhau.
Với Grant Thornton, trọng yấu và rủi ro được xác định dựa trên cơ sở cụ thể do Công ty xây dựng. Vì không có một chuẩn mực nào đế đánh giá hay so sánh để thấy được điểm mạnh cũng như điểm yếu trong phương pháp của mình, do vậy Công ty nên tìm hiểu thêm phương thức đánh giá trọng yếu và rủi ro được xây dựng tại các công ty kiểm toán khác như thực hiện phân tích rủi ro kinh doanh chiến lược hay rủi ro các nhóm nghiệp vụ trọng yếu tại KPMG, hệ thống phương pháp kiểm toán AS/2 cho phép đánh giá mức độ trọng yếu được thực hiện theo chương trình tại VACO,...
Một chương trình kiểm toán bao gồm việc dự kiến chi tiết về các công việc kiểm toán cần thực hiện, thời gian hoàn thành công việc hay dự kiến chi tiết về nhân sự cho cuộc kiểm toán.
Về sự các dự kiến chi tiết về các công việc kiểm toán cần thực hiện, thời gian hoàn thành công việc hay dự kiến nhân sự cho cuộc kiểm toán được Công ty thực hiện rất đầy đủ, chi tiết và hiệu quả. Về chương trình kiểm toán bao gồm các bước công việc hay các thủ tục kiểm toán cụ thể, Công ty áp dụng chương trình kiểm toán Horizon và phần mềm kiểm toán Explorer tiên tiến đã chững minh được hiệu quả về thời gian cũng như vật chất rất lớn. Phần mềm tiện dụng này với các tính năng độc đáo và phương thức kiểm toán điện tử (electric mode) khiến các kiểm toán viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian chuẩn bị giấy tờ làm việc (working paper) cũng như bảo quản, lưu giữ,...so với phương thức làm việc trên giấy (paper mode). Chương trình kiểm toán được xây dựng mẫu nhưng thay đổi phù hợp với từng khách hàng, hoặc với từng giai đoạn kiểm toán khác nhau đối với cùng một khách hàng đảm bảo tinh linh hoạt cho chương trình cũng như chất lượng của cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, Công ty cũng cần lưu ý bảo mật thông tin đối với các thông tin về khách hàng cũng như giấy tờ làm việc của các kiểm toán viên, tránh mất mát hay hư hỏng do virus máy tính xâm nhập khi sử dụng phương thức điện tử (electric mode) này.
*Về giai đoạn thực hiện kiểm toán chu trình Bán hàng- Thu tiền
Chu trình Bán hàng- Thu tiền được Công ty thực hiện kiểm toán dựa trên kiểm toán các khoản mục doanh thu, các khoản phải thu và khoản mục tiền của khách hàng.
-Về các công việc kiểm tra chi tiết:
Đối với doanh thu, các kiểm toán viên tiến hành các thủ tục phận tích để so sánh số liẹu của khoản mục này năm nay so với năm trước, trên thực tế và theo ước tính, so sánh với các chỉ tiêu ngành,... để xem xét các biến động bất thường và chỉ ra nguyên nhân. Kiểm toán viên cũng kết hợp kiểm tra chi tiết các loạic hứng từ liên quan.
Đối với các khoản phải thu và khoản mục tiền (bao gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng), kiểm toán viên tiến hành xác minh số dư đầu năm, cuối năm cũng
nhe phát sinh trong năm của các khoản mục này. Đối với các khoản mục này, chương trình kiểm toán bao giờ cũng yêu cầu các kiểm toán viên thu thập đầy đủ các xác nhận liên quan đến số dư đầu năm, cuối năm cũng như số phát sinh trong năm thông qua các bản Xác nhận công nợ (Debtor confirmation), Biên bản kiểm quỹ đột xuất (Suprised cash count minute), Bảng đối chiếu số liệu với ngân hàng (Bank reconciliation),... Các xác nhận chi tiết này cung cấp một bằng chứng đáng tin cậy cho kiểm toán viên làm căn cứ đối chiếu số liệu của khách hàng, phát hiện các chênh lệch và điều tra nguyên nhân.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc quá lớn, các cuộc kiểm toán đối với các khách hàng khác nhau được thực hiện liên tục với một số lượng kiểm toán viên có hạn, do vậy khi một cuộc kiểm toán kết thúc, các kiểm toán viên khó có khả năng quản lý các thư xác nhận chưa có phản hồi hay chưa nhận được từ bên thứ ba do phải tiếp tục nhận ngay công việc ở một cuộc kiểm toán mới. Hạn chế về mặt số lượng kiểm toán viên này có khả năng dẫn đến việc thiếp nhận và bảo quản các thư xác nhận không được đảm bảo.
-Về thực hiện kiểm tra chọn mẫu:
Vì khối lượng các nghiệp vụ cũng như khối lượng chứng từ của các khách hàng quá lớn, cho nên việc áp dụng kiểm tra 100% là không thể thực hiện được trong quỹ thời gian có hạn của một cuộc kiểm toán. Chính vì vậy, theo đúng Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam số 530 về Lấy mẫu kiểm toán và các thủ tục lựa chọn khác, Công ty tiến hành kiểm tra theo mẫu. Thông thường các mẫu được kiểm toán viên lựa chọn kiểm tra thường là càc ghi chép hoặc chứng từ của những nghiệp vụ phát sinh lớn. Tuy nhiên không ngoại trừ trường hợp gian lận hoặc sai sót xảy ra đối với các nghiệp vụ phát sinh nhỏ. Để giảm thiểu những thiếu sót đáng tiếc do quá trình chọn mẫu, kiểm toán viên có thể áp dụng nhiều phương pháp điều tra chọn mẫu như chọn mẫu ngẫu nhiên, chọn mẫu hệ thống, chọn mẫu phi xác suất, chọn mẫu theo khối, chọn mẫu theo nhận định nhà nghề,...
-Về thực hiện thủ tục phân tích:
Như đã nhận xét ở trên, các thủ tục phân tích thường chỉ được áp dụng cho giai đoạn thực hiện kiểm toán. Các kiểm toán viên cần tuân theo đúng Chuẩn mực
Kiểm toán Việt Nam, thực hiện thủ tục này trong mọi giai đoạn của cuộc kiểm toán.
*Về giai đoạn kết thúc kiểm toán và phát hành Báo cáo kiểm toán:
Giai đoạn này được các kiểm toán viên thực hiện tốt, tuân thủ theo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam. Các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được các kiểm toán viên bảo quản, sắp xếp theo một thứ tự quy định, phù hợp để hình thành nên hệ thống file giấy, phục vụ cho việc đối chiếu của các cấp quản lý cao hơn trong Công ty bên cạnh file bản mềm bao gồm các giấy tờ làm việc của kiểm toán viên. Kiểm toán viên chính phụ trách cuộc kiểm toán (senior auditor in- charge) tập hợp cả file giấy và file mềm, tổng hợp các phát hiện, dựa trên các đề xuất điều chỉnh của kiểm toán viên để đưa ra các bút toán điều chỉnh cuối cùng và phát hành báo cáo kiểm toán.
*Một vài kiến nghị khác:
Trên thực tế, hầu hết các khách hàng của Công ty đều áp dụng hệ thông kế toán máy và các số liệu khách hàng cung cấp đều dưới dạng bản mềm. Đây sẽ là các số liệu cho các kiểm toán viên sử dụng, đối chiếu. Tuy nhiên, rủi ro khi sử dụng các số liệu này cũng không nhỏ. Các phần mềm kế toán của khách hàng có thể chứa đựng các sai sót hay che dấu các gian lận, đồng thời quá trình copy từ máy tính của khách hàng sang máy tính của kiểm toán viên có thể có sái sót, làm sai lệch thông tin được phản ánh, dẫn đến giảm chất lượng cuộc kiểm toán. Vì vậy, Công ty nên xem xét xây dựng một phần mềm hoặc một giải pháp máy tính tương tự để khắc phục các điểm hạn chế trên, nâng cao chất lượng của cuộc kiểm toán nói chung và chất lượng dịch vụ nói chung của Công ty.
KẾT LUẬN
Sau Nghị định số 105/2004/NĐ- CP của Bộ Tài chính ban hành ngày 30/03/2004 về việc bắt buộc kiểm toán đối với một số loại hình doanh nghiệp, cánh cửa phát triển dường như đã mở rộng đối với các công ty kiểm toán nói riêng và ngành kiểm toán, với tư cách là một ngành độc lập, nói chung. Thị trường ngày càng mở rộng, các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ ngày một nhiều là những cơ hội thật sự cho các công ty kiểm toán. Nhưng sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty và đòi hỏi ngày một lớn từ phía khách hàng cũng là những thử thách rất lớn. Làm thế nào để hoàn thiện bộ máy quản lý, nâng cao chuyên môn và đạo đức kiểm toán viên, đảm bảo chất lượng dịch vụ tới khách hàng đang là một bài toán lớn đối với các công ty kiểm toán.
Trong thời gian được thực tập tại Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam, em đã có rất nhiều bài học bổ ích. Không chỉ có cơ hội được tham khảo sách báo, tài liệu, em còn được trực tiếp tham gia cuộc kiểm toán từ khi đi thực tế tại khách hàng cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm toán. Khoảng thời gian không dài nhưng đủ nhiều để em có thể học hỏi được những kiến thức thực tế bên cạnh lý luận được nhà trường trang bị về kiểm toán nói chung và kiểm toán chu trình Bán hàng- Thu tiền nói riêng. Qua đây em đã hoàn thành được chuyên đề thực tập tốt nghiệp với đề tài: “Kiểm toán chu trình Bán hàng- Thu tiền do Công ty
TNHH Grant Thornton thực hiện”, đồng thời có những hiểu biết thực tiễn quý
báu cho công việc trong thời gian tới.
Thay lời kết, em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn nhiệt tình của Thày giáo, PGS-TS Ngô Trí Tuệ và sự chỉ bảo, tạo điều kiện về mọi mặt của các anh, các chị Phòng Kiểm toán, Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam trong quá trình thực tập tại Công ty để em có thể hoàn thành chuyên đề này.