- Tùy theo nhiệm vụ và điều kiện tư duy, không nhất thiết trong hành động tư duy nào cũng phải thực hiện tất cả các thao tác trên.
2. Vấn đề tích cực hóa hoạt động nhận thức của sinh viên
* Tích cực hóa hoạt động nhận thức của SV được coi là một hướng hoạt động của người cán bộ giảng dạy trong soạn thảo và sử dụng những nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện dạy học nhằm nâng cao hứng thú, tính tích cực, tính độc lập, sáng tạo của SV trong tiếp thu tri thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo và sử dụng chúng trong thực tiễn.
* Tích cực hóa là một tập hợp các hoạt động nhằm làm chuyển biến vị trí của người học từ thụ động sang chủ động, từ là đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ thể tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả hoạt động.
* Một vài đặc điểm về tính tích cực của sinh viên: Tính tích cực của sinh viên có mặt tự phát và mặt tự giác:
Mặt tự phát của tính tích cực là những yếu tố tiềm ẩn, bẩm sinh, thể hiện ở tính tò mò, hiếu kỳ, hiếu động, linh hoạt và sôi nổi trong hành vi mà ở mọi người đều có, trong mức độ khác nhau. Cần coi trọng những yếu tố tự phát này, cần nuôi dưỡng, phát triển chúng trong dạy học.
Mặt tự giác của tính tích cực là trạng thái tâm lí, tính tích cực có mục đích, có đối tượng rõ rệt, do đó có hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng đó. Tính tích cực, tự giác thể hiện ở óc quan sát, tính phê phán trong tư duy, trí tò mò khoa học...
Tính tích cực của nhận thức phát sinh không phải chỉ từ nhu cầu nhận thức mà cả những nhu cầu bậc thấp (nhu cầu sinh học), nhu cầu đạo đức, thẩm mĩ, nhu cầu giao lưu văn hoá. Hạt nhân cơ bản của tính tích cực nhận thức là hoạt động tư duy của cá nhân được tạo nên do sự thúc đẩy của hệ thống nhu cầu đa dạng.
* Những biểu hiện của tính tích cực:
Để giúp giáo viên phát hiện được học sinh có tích cực hay không, cần dựa vào một số dấu hiệu sau:
- Có hăng hái tham gia vào mọi hình thức của hoạt động học tập không? (giơ tay phát biểu, ghi chép bài đầy đủ?..)
- Có hoàn thành những nhiệm vụ được giao không. - Có ghi nhớ tốt những điều đã học không.
- Có hiểu bài và trình bày bài lại bằng ngôn ngữ riêng của mình không. - Có vận dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn không.
- Có đọc và làm thêm các bài tập khác không. - Tốc độ có nhanh không.
- Có hứng thú trong học tập không hay do một ngoại lực nào đó mà phải học. - Có quyết tâm, có ý chí trong học tập hay không
- Có sáng tạo trong học tập hay không
∗ Về nguyên nhân của tính tích cực nhận thức:
Tính tích cực nhận thức của học sinh tuy nảy sinh trong quá trình học tập nhưng nó lại là hậu quả của nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân lúc học tập, có những nguyên nhân được hình thành từ quá khứ, thậm chí từ lịch sử lâu dài của nhân cách. Nhìn chung, tính tích cực nhận thức phụ thuộc vào những nhân tố sau: hứng thú, nhu cầu, động cơ, năng lực, ý chí, sức khoẻ, môi trường...
* Các biện pháp phát huy tính tích cực:
Phát huy tính tích cực không phải là vấn đề mới , từ thời cổ đại các nhà sư phạm tiền bối như : Khổng Tử, AriStot...đã từng nói đến tầm quan trọng to lớn của việc phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh và đã nói lên nhiều biện pháp phát huy tính tích cực của nhận thức.
Trong thế kỉ 20, các nhà giáo dục Đông, Tây đều tìm kiếm con đường tích cực của hoạt động dạy học.
Ở Việt Nam các nhà lí luận dạy học cũng đã viết nhiều về tính tích cực nhận thức như: GS. Hà Thế Ngữ, GS. Nguyễn Ngọc Quang, GS. Đặng Vũ Hoạt.... và rất nhiều luận án tiến sĩ đã đầu tư nghiên cứu về vấn đề này.
Gần đây, vấn đề dạy học tích cực đã trở thành một biện pháp trọng điểm của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung và dạy học nói riêng. Các biện pháp nâng cao tính tích cực nhận thức của học sinh trong giờ lên lớp được phản ánh trong các công trình từ xưa tới nay được tóm tắt như sau:
1. Nói lên ý nghĩa, tầm quan trọng của nội dung bài học. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng này giúp người học hình thành nhu cầu, động cơ học tập, một yếu tố tâm lý rất quan trọng trong dạy học.
2. Nội dung dạy học phải mới, những cái mới ở đây không phải qúa xa lạ với học sinh, cái mới phải liên hệ phát triển từ cái cũ. Kiến thức phải có thực tiễn gần gũi
với sinh hoạt, với suy nghĩ hàng ngày, thoả mãn nhu cầu nhận thức của các em. Công việc này đòi hỏi người giáo viên phải hiểu được học sinh của mình.
3. Phải dùng các phương pháp đa dạng: Nêu vấn đề, thực hành, so sánh, làm việc độc lập và phối hợp chúng với nhau.
Kiến thức phải được trình bày dưới dạng động, phát triển, các vấn đề quan trọng, các hiện tượng then chốt có lúc phải diễn ra một cách đột ngột, bất ngờ.
4. Sử dụng các phương tiện dạy học hợp lý.
5. Sử dụng các hình thức dạy học khác nhau: Cá nhân, nhóm, tập thể.
6. Kích thích tính tích cực qua thái độ, cách ứng xử giữa giáo viên và học sinh. Thực hiện tốt những vấn đề trên người dạy sẽ tạo ra được sự hấp dẫn của bài dạy, hình thành hứng thú nhận thức, kích thích mạnh mẽ tính tích cực của học sinh trong học tập.