- Tùy theo nhiệm vụ và điều kiện tư duy, không nhất thiết trong hành động tư duy nào cũng phải thực hiện tất cả các thao tác trên.
4. Các kiểu nhân cách sinh viên
- Dựa trên sự tổ hợp các xu hướng phát triển và định hình nhân cách của sinh viên, các nhà xã hội học người Mỹ đề xuất 4 kiểu thái độ của sinh viên đối với học tập như sau:
+ Kiểu “W”: Những sinh viên theo kiểu này thường học vì nghề nghiệp tương lai hẹp, không quan tâm đến các lĩnh vực tri thức và hoạt động xã hội khác. Họ chỉ thực hiện bài tập theo yêu cầu, chỉ cần đạt được điểm trung bình; Ngoài sách bắt buộc, họ chỉ đọc các sách khác theo ý thích không liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp.
+ Kiểu “X”: Là những sinh viên thích các môn học mà họ coi là những tri thức về cuộc sống nói chung trên cơ sở lựa chọn riêng của cá nhân. Họ quan tâm đến thế giới tư tưởng và sách. Ngoài giờ học bắt buộc họ tự nguyện tham gia vào các chuyên đề tự chọn, những giờ học phụ đạo, các buổi hòa nhạc, ..., họ muốn hiểu biết các lĩnh vực mà họ quan tâm, họ chỉ tham gia vào các tổ chức khoa học, né tránh các tổ chức tập thể, các công việc xã hội không liên quan đến việc học tập. Đối với họ việc học đại học là để thỏa mãn lòng khát khao tri thức và kinh nghiệm sống.
+ Kiểu “Y”: Cũng giống với Kiểu “X”, đây là những SV mặc dù cũng ham thích sách vở và học tập những vẫn tham gia các hình thức hoạt động và đời sống tập thể. Họ cố gắng đạt điểm cao trong các kỳ thi, coi hoạt động tập thể, tuy không phải là cơ bản nhưng có ảnh hưởng tích cực đến cá nhân họ.
+ Kiểu “Z”: Những SV thuộc kiểu này chú ý đến các hoạt động xã hội của trường đại học hơn bản thân các khoa học. Họ gắn bó với trường, tham gia tích cực vào các hoạt động bề nổi. Đối với họ, thời sinh viên không chỉ có ý nghĩa là thời của giảng đường, mà còn là thời của các câu lạc bộ, các tổ chức sinh viên,... Họ cũng phải cố để có tấm bằng nhưng ít khi vượt qua ngưỡng tối thiểu.
Một cách phân loại khác dựa trên 4 tiêu chuẩn cơ bản như sau:
- Thái độ đối với học tập.
- Tính tích cực chính trị, xã hội, khoa học.
- Trình độ hiểu biết tổng quát.
- Tinh thần tập thể.
Từ đó các tác giả Xô Viết (cũ) đề xuất 6 kiểu nhân cách sinh viên như sau :
+ Kiểu 1 : Là những SV khi đối chiếu với 4 tiêu chí trên , họ là nhóm ưu tú nhất.
+ Kiểu 2 : Là những SV có kết quả học tập vào loại khá, coi việc có được một nghề nào đó là mục đích duy nhất của việc học tập. Họ quan tâm đến các khoa học trong khuôn khổ của chương trình. Nhiệt tình hoạt động xã hội, gắn bó với tập thể, đối xử tốt với bạn bè.
+ Kiểu 3 : Là những SV học xuất sắc, xem khoa học là phạm vi chủ yếu của hứng thú và hoạt động. Gắn bó với tập thể thông qua các hoạt động khoa học. Không tự nguyện tham gia các hoạt động quần chúng.
+ Kiểu 4 : Sức học trung bình khá, thích các hoạt động ngoài chương trình, ít thường xuyên tham gia các hoạt động khoa học, văn hóa chung hạn chế, đặc biệt tích cực, say mê trong công tác xã hội và đời sống tập thể.
+ Kiểu 5 : Học trung bình khá, coi chuyên môn và văn hóa là lĩnh vực hứng thú chủ yếu nhưng ít tham gia tích cực. Miễn cưỡng tham gia các hoạt động xã hội. Gắn bó với tập thể bởi những hứng thú cá nhân có tính giải trí và văn nghệ. Có khả năng sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
+ Kiểu 6: Học kém, học vì “mốt”, không yêu nghề. Thụ động tham gia các hoạt động xã hội, coi nghỉ ngơi, giải trí là lĩnh vực chủ yếu của hứng thú và hoạt động. Gắn bó với tập thể cũng chỉ ở phương diện này.
CHƯƠNG 3: CƠ SỞ TÂM LÝ HỌC CỦA HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC ĐẠI HỌC1. Một số vấn đề chung về hoạt động dạy học đại học 1. Một số vấn đề chung về hoạt động dạy học đại học
Chất lượng học tập phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài lẫn những điều kiện bên trong của học tập. Những điều kiện bên ngoài đó là nội dung tri thức (được quy định bởi mục đích đào tạo của Nhà trường, bởi lứa tuổi và bậc học); Phong cách dạy của thầy bao gồm mặt đạo đức, trình độ học vấn, sự hiểu biết về các phương pháp dạy học cũng như những kỹ năng vận dụng chúng ; Việc tổ chức dạy học và cơ sở thiết bị của nhà trường (trường lớp, phòng thí nghiệm, đồ dùng dạy học và các phương tiện dạy học khác ...). Những điều kiện bên trong, đó là sự giác ngộ mục đích học tập của người học, thể hiện trong nhu cầu, động cơ, hứng thú học tập, vốn kinh nghiệm, tri thức và trình độ phát triển trí tuệ, phát triển các kỹ năng học tập của người học.
Do đó, muốn học tập đạt kết quả cao đòi hỏi phải biết kết hợp hai mặt : Những điều kiện bên trong và những điều kiện bên ngoài của sự học tập một cách biện chứng. Nói một cách khác, hệ thống công việc của giáo viên chỉ có thể hiệu quả khi nó dựa trên sự hiểu biết những cơ chế bên trong của hoạt động học tập mà đề ra những biện pháp sư phạm thích hợp, những tác động bên ngoài hiệu nghiệm. Chỉ có như vậy, hoạt động của giáo viên mới thực sự khoa học, mới đảm bảo tính sư phạm cao.
Không những thầy phải biết kết hợp hai mặt của sự học mà bản thân trò cũng phải biết kết hợp biện chứng cái bên trong của của mình và cái bên ngoài của điều kiện sư phạm để điều chỉnh hoạt động học tập của mình thích nghi tối ưu với những hoạt động bên ngoài.
Như vậy, hoạt động dạy học là sự gắn bó khăng khít giữa hoạt động dạy và hoạt động học. Trong đó:
Hoạt động dạy là hoạt động của người dạy, thực hiện chức năng tổ chức và điều khiển hoạt động của người học nhằm giúp họ lĩnh hội nền văn hóa xã hội tạo ra sự phát triển tâm lý, nhân cách. Muốn làm được điều này, cái cốt lõi trong hoạt động dạy là làm sao tạo ra được tính tích cực trong hoạt động học của người học, họ vừa ý thức được đối tượng cần chiếm lĩnh, vừa biết cách chiếm lĩnh đối tượng đó.
Hoạt động học là hoạt động đặc thù của con người được điều khiển bởi mục đích tự giác là lĩnh hội những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mới, những hình thức hành vi và những dạng hoạt động nhất định, những giá trị để hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của mình. Để đạt kết quả, người học phải hành động tích cực dưới sự tổ chức, điều khiển của người dạy.