Những nét nhân cách của sinh viên

Một phần của tài liệu Tâm lí học dạy học đại học (Trang 36 - 40)

- Tùy theo nhiệm vụ và điều kiện tư duy, không nhất thiết trong hành động tư duy nào cũng phải thực hiện tất cả các thao tác trên.

3.Những nét nhân cách của sinh viên

Nhân cách được hiểu là tổ hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân, biểu thị bản sắc và giá trị xã hội của người ấy.

Từ định nghĩa này cho thấy:

- Nhân cách là “tổ hợp” các thuộc tính tâm lý cá nhân, có nghĩa là nhân cách bao gồm nhiều thuộc tính tâm lý kết hợp với nhau một cách chặt chẽ, tạo thành một hệ thống, một cấu trúc tâm lý nhất định trong một người cụ thể.

- Khi nói đến nhân cách ở con người, là muốn đề cập đến những “thuộc tính tâm lý”, tức là những hiện tượng tâm lý ổn định, bền vững, khó hình thành và cũng khó mất đi trong con người.

- Từ tổ hợp các thuộc tính tâm lý đó tạo nên “bản sắc” riêng của từng người, từng nhân cách làm cho nhân cách mỗi người có đặc trưng riêng, khác biệt với người khác.

- Khi nói đến nhân cách còn đề cập đến “giá trị xã hội ” của mỗi người, tức là những phẩm chất của nhân cách còn được xã hội đánh giá theo các thang giá trị, các chuẩn mực quy định của xã hội.

Thế giới nội tâm của sinh viên phức tạp, phát triển nhân cách của SV là một quá trình biện chứng của sự nảy sinh và giải quyết các mâu thuẫn, là quá trình chuyển từ các yêu cầu bên ngoài thành yêu cầu của bản thân sinh viên và là quá trình tự vận động và hoạt động tích cực của chính bản thân họ. Những mâu thuẫn chính là:

- Thứ nhất, mâu thuẫn giữa mơ ước của người sinh viên với khả năng, điều kiện và kinh nghiệm để thực hiện mơ ước đó.

- Thứ hai, mâu thuẫn giữa mong muốn học tập chuyên sâu những môn ưa thích và yêu cầu thực hiện toàn bộ chương trình học tập.

- Thứ ba, mâu thuẫn giữa khối lượng thông tin vụ cùng phong phú với khả năng, điều kiện để xử lý thông tin.

Sự phát triển nhân cách của sinh viên được diễn ra theo các hướng cơ bản sau:

- Niềm tin, xu hướng nghề nghiệp và các năng lực cần thiết được củng cố và phát triển.

- Các quá trình tâm lý, đặc biệt là quá trình nhận thức được “nghề nghiệp hóa”.

- Tình cảm, nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm, tính độc lập được nâng cao, cá tính và lập trường sống của sinh viên được bộc lộ rõ rệt.

- Kỳ vọng đối với nghề nghiệp tương lai của sinh viên được phát triển.

- Sự trưởng thành về mặt xã hội, tinh thần và đạo đức, những phẩm chất nghề nghiệp và sự ổn định chung về nhân cách của sinh viên được phát triển.

- Khả năng tự giáo dục của sinh viên được nâng cao.

- Tính độc lập và sự sẵn sàng đối với nghề nghiệp tương lai được củng cố.

3.2.1.Sự phát triển tự ý thức của sinh viên

Tự ý thức được hiểu là khả năng tự nhận thức về mình.

Tự ý thức được coi là mức độ cao của ý thức, nó giúp thanh niên – SV có hiểu biết về thái độ, hành vi, cử chỉ của mình để chủ động hướng hoạt động của mình đi theo những yêu cầu đòi hỏi của tập thể, của cộng đồng xã hội. Như vậy, tự ý thức có chức năng tự điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, cử chỉ của mình. Đây cũng là điều kiện quan trọng để phát triển ý thức và hoàn thiện nhân cách cuả người SV.

Tự ý thức của SV được hình thành trong quá trình xã hội hoá và liên quan chặt chẽ với tính tích cực nhận thức của SV. Những SV có kết quả học tập cao thường chủ động, tích cực trong việc tự nhìn nhận, tự kiểm tra hành động, thái độ, cử chỉ, tìm tòi những thành tựu khoa học mới trong nhận thức và có kế hoạch trong hoạt động học tập, NCKH một cách cụ thể nhằm hoàn thiện ngày càng cao. Còn những SV kết quả học tập thấp, bị động trong việc tự giáo dục, thường tự đánh giá không phù hợp

Tự đánh giá của SV.

Một trong các thành phần có ý nghĩa nhất tạo nên sự phát triển tự ý thức của SV là năng lực tự đánh giá. Tự đánh giá của nhân cách thể hiện ở thái độ đối với bản thân và kết quả sự biểu hiện các thuộc tính nhân cách và năng lực trong hoạt động giao tiếp và tự giáo dục. Tự đánh giá hình thành nên lòng tự trọng, lòng tự tin vào bản thân của con người. Đặc diểm tự đánh giá của SV nhìn chung mang tính chất toàn diện, sâu sắc. Biểu hiện họ không chỉ tự đánh giá hình ảnh bề ngoài của mình mà còn đi sâu vào các phẩm chât, các giá trị nhân cách. Tự đánh giá của SV không chỉ trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” mà còn “Tôi là người như thế nào? Tôi có những phẩm chất gì? Tôi có thể tự tin trong nhóm, trong tập thể hay không?” …. Hơn thế, họ còn có thể lý giải tại sao mình lại là người như thế.

3.2.2.Sự phát triển xu hướng nhân cách của sinh viên

Xu hướng được hiểu là chiều hướng phát triển của nhân cách.

Lứa tuổi SV là thời kỳ phát triển tích cực nhất về tình cảm đạo đức, trí tuệ và thẩm mỹ. Là giai đoạn hình thành và ổn định tính cách. Trong giai đoạn này SV có sự biến đổi mạnh mẽ về động cơ, về thang và định hướng giá trị xã hội có liên quan đến nghề nghiệp, đồng thời bắt đầu thể nghiệm mình trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau. Mặc dù nhân cách được hình thành và phát triển trong suốt cả đời người nhưng trong thời kỳ học nghề là giai đoạn hình thành mạnh mẽ nhất về xu hướng nhân cách người lao động.

Sự hình thành nhân cách nghề của SV được diễn ra theo các hướng cơ bản sau: Xu hướng nghề và các năng lực cần thiết của nghề được hình thành, củng cố và phát triển; Hoạt động nhận thức, đặc biệt là các quá trình nhận thức được “nghề nghiệp

hóa”, kỳ vọng đối với nghề nghiệp được phát triển; Khả năng tự giáo dục, tự tu dưỡng được nâng cao; Tính độc lập và tâm thế sẵn sàng đối với nghề nghiệp được củng cố … Quá trình phát triển nhân cách của SV diễn ra trong suốt quá trình học tập nghề nghiệp.

3.3. Lĩnh vực tình cảm của sinh viên

Sự phát triển tình cảm của SV đã đạt tới mức trưởng thành và ổn định. Trong các lĩnh vực tình cảm như : Đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, tình bạn, tình yêu của lứa tuổi này đã có sự gắn kết hài hòa giữa nhận thức – xúc cảm và hành động ý chí, đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy SV hành động. Nói cách khác, tình cảm của SV đã thực sự trở thành các phẩm chất tâm lý tương đối ổn định trong cấu trúc nhân cách của SV.

3.3.1. Tình bạn của SV :

Khác với thời kỳ trước, tình bạn ở tuổi SV đã được nâng lên mức đồng chí (cùng chí hướng) và bắt đầu đi vào chiều sâu hơn. Tiêu chí kết bạn là sự tâm tình, thân mật, tình cảm ấm áp và cùng chí hướng phấn đấu vì những giá trị nào đó của cuộc sống. Do tự ý thức phát triển nên SV cũng bắt đầu đi tìm “cái tôi” khác ở bên ngoài “cái tôi” của bản thân. Nhu cầu này xuất hiện trong cuộc sống cá nhân SV và là cơ sở để SV thường dốc bầu tâm sự với bạn, được chia sẻ những tâm tư thầm kín của mình với bạn.

Tính chất và mức độ tâm tình của tuổi SV đã có dấu hiệu mới, tình bạn khác giới được mở rộng, phát triển, có lúc có biểu hiện những dấu hiệu ban đầu của tình yêu : Sự nhiệt tình say mê, sự trung thành, hy sinh … Trong thực tế nhiều quan hệ tình bạn khác giới đã trở thành tình yêu và đi đến hôn nhân.

Tình bạn của SV rất bền vững, những quan hệ bạn bè trong thời kỳ này thường được lưu giữ trong suốt cả đời người.

3.3.2. Tình yêu của SV :

Một trong những đặc trưng điển hình của đời sống tình cảm của SV là tình yêu. Ở cuối tuổi thiếu niên hay đầu tuổi thanh niên đã xuất hiện những rung động đối với bạn khác giới, nhưng thường là những rung động có phần còn mơ hồ và không ổn định. Sang tuổi SV, tình yêu nam nữ đã thể hiện sự hòa hợp giữa cái say mê, sự cuồng nhiệt và đằm thắm của tình yêu với tình dục và trách nhiệm xã hội. Tình yêu của SV cũng đã mang tính hiện thực, ổn định và sâu sắc, hướng tới hôn nhân. Cũng trong thời kỳ này, nếu tình yêu không được thỏa mãn, vấp váp, thất bại sẽ gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời ở những giai đoạn sau.

Có thể nhận biết tình yêu nam nữ qua một số dấu hiệu : Sự quan tâm chăm sóc đến người mình yêu, mong muốn được giúp đỡ người yêu, có khát vọng mãnh liệt được ở bên cạnh người yêu và được người yêu quan tâm, chăm sóc, có sự tin tưởng và

đặc biệt vừa có lòng khoan dung, độ lượng nhưng cũng có sự khắt khe, có phần ích kỷ trong tình yêu.

Tình yêu của SV có thể được thúc đẩy bởi nhiều định hướng giá trị khác nhau , có thể khái quát thành các dạng sau:

- Tình yêu vì vẻ đẹp hình thức: đó là sự bị cuốn hút bởi cái đẹp về cơ thể, những nét hình thức bên ngoài (dáng, da, nét mặt,….). Tình yêu vì vẻ đẹp hình thức rất mãnh liệt nhưng cũng chóng tàn.

- Tình yêu bạn bè, đây là tình yêu được nảy sinh từ tình bạn, nó có được sự đồng điệu, đồng cảm giữa hai tâm hồn do đó thường bền vững, sâu sắc. Trong trường hợp tan vỡ thì thường từ từ và khó có thể chấm dứt hẳn hoặc có thể chuyển thành tình bạn.

- Tình yêu vị tha : Các nhà TLH coi đây là kiểu tình yêu dâng hiến, trinh trắng và không đòi hỏi, nó có tính chất lãng mạn, tiểu thuyết và lý tưởng hóa.

- Tình yêu trò chơi : Thường có dấu hiệu là sự đơn giản, thô tục, bất cẩn, thiếu nghiêm túc và thiếu trách nhiệm.

- Tình yêu thực dụng : Coi tình yêu, thậm chí cả hôn nhân như là một thứ hàng hóa, họ thường dùng lý trí để nhìn nhận, phân tích sự thiệt hơn : hoàn cảnh xuất thân, nghề nghiệp, sức khỏe,… Nếu tìm được “đối tác” phù hợp sẽ tìm cách tiếp cận làm nảy sinh tình yêu. Kiểu này có thể coi như con dao hai lưỡi, rất dễ làm vỡ mộng và tổn thương những người trong cuộc.

Các kiểu định hướng giá trị cơ bản nêu trên có thể thay đổi theo tuổi. Chẳng hạn : Đầu tuổi SV tình yêu thường mang tính chất vị tha còn cuối tuổi có tính chất thực tế hơn. Trong thực tế các dạng trên có thể pha trộn vào nhau, không hoàn toàn biểu hiện rạch ròi từng dạng.

Có sự khác biệt rõ nét về kỳ vọng trong tình yêu giữa SV nam và nữ. Trong đó, SV nam thường tách tình yêu ra khỏi tình dục còn nữ thì mong gắn kết hai lĩnh vực đó với nhau. Điều này cho thấy thực tế trong tình yêu ở nữ giới luôn tìm kiếm, mong muốn các quan hệ tình cảm tốt đẹp, còn một số nam giới lại chủ động tìm đến quan hệ tình dục làm cho quan hệ của họ nhiều lúc gặp phải những khó khăn trở ngại …

Nhìn chung tình yêu của SV về cơ bản là những tình cảm lành mạnh, vì vậy người lớn và xã hội không nên can thiệp thô bạo vào thế giới tình cảm của họ, càng không được chế diễu, quở trách, cấm đoán khi họ đã xuất hiện tình yêu. Mà nên chủ động trao đổi, tư vấn, giúp đỡ SV có những kinh nghiệm cần thiết để thiết lập được tình yêu chân chính, hạn chế những quan hệ không lành mạnh và đặc biệt khi họ gặp những khó khăn giúp họ phương án giải quyết.

Một phần của tài liệu Tâm lí học dạy học đại học (Trang 36 - 40)