Đăng ký thương hiệu trong và ngoài nước

Một phần của tài liệu Xây dựng thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 52 - 54)

2. Giải pháp xây dựng thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam

2.3.2.Đăng ký thương hiệu trong và ngoài nước

Xây dựng thương hiệu luôn đi liền với bảo vệ thương hiệu. Đăng ký bảo hộ thương hiệu là việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm để bảo vệ thương hiệu.

Hiện nay trong các văn bản pháp luật của Việt Nam không đề cập đến thuật ngữ thương hiệu vì thế đăng ký bảo hộ thương hiệu cần phải được hiểu là đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan như nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... nếu những yếu tố này góp phần tạo nên thương hiệu. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà tiến hành đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật. Tuy vậy trong đa số các trường hợp thì chính là việc đang ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Để đăng ký thành công thương hiệu, ngay từ khi thiết kế thương hiệu các doanh nghiệp nên tranh thủ ý kiến của các chuyên gia tư vấn, của luật sư để không xảy ra tình trạng trùng lặp hoặc tranh chấp trước khi nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ. Pháp luật nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam áp dụng nguyên tắc “first to file- dành ưu tiên cho người nộp đơn trước”. Chi phí đăng ký tại Việt Nam khá nhỏ, do đó các doanh nghiệp nên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu để giành quyền ưu tiên sớm trước khi tung sản phẩm ra thị trường, tránh tình trạng doanh nghiệp đã in nhãn hiệu lên sản phẩm, bao bì hoặc đã thực thiện quảng cáo tốn kém rồi mới phát hiện nhãn hiệu của mình không được bảo hộ vì trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác đã được bảo hộ hoặc đã nộp đơn trước. Sớm hơn nữa là ngay từ khi đặt tên doanh nghiệp để làm thủ tục đăng ký thành lập, chủ doanh nghiệp nên tham khảo khả năng bảo hộ cái tên như một nhãn hiệu hàng hóa. Theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét tên có trùng với tên doanh nghiệp khác trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố hay không, còn nếu sau đó doanh nghiệp muốn sử dụng tên của mình như một nhãn hiệu hàng hoá thì có thể vẫn vi phạm vì bị trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của người khác.

Muốn đăng ký bảo hộ tại nước ngoài thì doanh nghiệp có thể gửi đơn trực tiếp đến cơ quan sở hữu trí tuệ ở nước muốn đăng ký thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để đăng ký theo thoả ước Madrid. Riêng tại Mỹ, doanh nghiệp có thể gửi đơn đăng ký trực tiếp hoặc tiến hành đăng ký qua mạng tại website: www.uspto.org.us . Luật thương hiệu hàng hoá của Mỹ áp dụng nguyên tắc “first to use- dành ưu tiên cho người sử dụng trước”. “ Sử dụng trước” ở đây được hiểu là hàng hoá mang thương hiệu đó phải được nhập khẩu hoặc bày bán, tiêu thụ

trước ở tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, luật thương hiệu của Mỹ cho phép người nộp đơn lựa chọn một trong hai hình thức: nộp đơn trên cơ sở “dự định sử dụng” thương hiệu, hoặc nộp đơn trên cơ sở thương hiệu “đã sử dụng thực tế”. Do đó, những doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng có khả năng xuất khẩu hàng mang thương hiệu mình sang Mỹ trong một vài năm tới thì có thể tiến hành nộp đơn ngay từ bây giờ trên cơ sở “dự định sử dụng” để giành lấy ngày ưu tiên sớm cho mình. Trong trường hợp này, ngoài các khoản phí phải trả cho việc nộp đơn thông thường thì doanh nghiệp phải trả khoản phí cho việc gia hạn thời gian để đưa hàng vào thị trường Mỹ, thời gian gia hạn tối đa là 3 năm, sau đó nếu hàng hoá không được đưa vào Mỹ thì đơn thương hiệu hàng hoá sẽ bị từ chối (coi như đơn chưa được nộp).

Các doanh nghiệp nên đăng ký thương hiệu tại Việt Nam càng sớm càng tốt còn đăng ký ra nước ngoài thì tuỳ thuộc vào tiềm lực, kế hoạch triển khai của từng doanh nghiệp và thị trường cụ thể vì chi phí đăng ký ra thị trường nước ngoài là khá tốn kém.

Một phần của tài liệu Xây dựng thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 52 - 54)