II- MỘT SỐ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM 1 Phật giáo ở Việt Nam.
6. Phật giáo Hòa Hảo
6.1. Sự ra đời và phát triển.
Đạo Hòa Hảo là một tôn giáo lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, ra đời năm 1939, tại làng Hòa Hảo, Chợ mới, Long Xuyên. Người sáng lập ra đạo Hòa Hảo là ông Huỳnh Phú Sổ (con ông Huỳnh Công Bộ, một địa chủ nhỏ ở Hòa Hảo, Chợ Mới).
Huỳnh Phú Sổ là người có tính trầm tư, học hết sơ học Pháp-Việt, có khiếu làm văn vần. Do ốm đau lâu ngày, Huỳnh Phú Sổ lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh và tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, do Phật thầy Đoàn Minh Huyên làm giáo chủ.
Năm 1937, khỏi bệnh về quê, Huỳnh Phú Sổ nói với mọi người là đã gặp Tiên, gặp Phật chữa cho và lại dạy cho nhiều bài thuốc và giao sứ mệnh truyền bá đạo của Thầy, cứu nhân độ thế.
Lúc đó Chợ Mới quê ông bị lụt, mất mùa, dân thiếu đói, đau ốm không có thuốc. Huỳnh Phú Sổ dùng thuốc nam chữa bệnh cho họ, đồng thời ông hay đọc thơ, giảng “sấm” trạng Trình.
Trong những bài sấm giảng, Huỳnh Phú Sổ có nói bóng gió đến đất nước, đến đời sống thái bình, hạnh phúc ngay tại thế gian này. Một số bài văn vần của ông còn có tư tưởng chống bóc lột, bài xích quan lại tham tàn. Những nội dung ấy đáp ứng lòng khao khát của quần chúng nông dân
bị áp bức đã có truyền thống yêu nước ở một vùng là căn cứ khởi nghĩa và cách mạng.
Bởi vậy, chỉ hai năm sau (1939), Huỳnh Phú Sổ trở nên nổi tiếng, người đến nhập môn rất đông (trong đó có cả một số cán bộ cách mạng “ngụy trang để hoạt động”, nhưng cũng có cả những phần tử cơ hội, thân Nhật, thấy có thể lợi dụng nên cũng thâm nhập vào). Ngày 18/5 năm Kỷ Mão (tức ngày 4/7/1939) được chọn làm ngày khai đạo.
Huỳnh Phủ Sổ xưng là Phật Thầy mượn thân xác mình để cứu độ chúng sinh. Ông tiếp tục làm ca dao, thơ lục bát, nói thiên cơ, sau được tập hợp lại thành sấm giảng “Giác mê tâm kệ”, có phần gắn với tư tưởng thần bí, mê tín dân gian nên trong hoàn cảnh ấy dễ đi vào lòng người. Người nhập đạo Hòa Hảo phải tuyên thệ “một đời một đạo đến ngày chung thân!”.
Giáo lý của đạo Hòa Hảo dựa vào giáo lý của đạo Phật, tinh thần chính là khuyên bổn đạo ăn ngay ở lành, lập bàn “thông thiên” tu tại gia. Bàn thờ không có ảnh, tượng mà chỉ thờ miếng vải đỏ sẫm (trần điều). Cúng Phật bằng nước lọc, hương hoa... Lúc đầu, dân gọi là “đạo khùng”, sau đó kính trọng nên mọi người gọi là Phật giáo Hòa Hảo (đạo Phật ở làng Hòa Hảo).
Đạo Hòa Hảo không có tu sỹ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo cả việc đạo, việc đời. Không có nơi thờ công cộng. Trung tâm của đạo ở làng Hòa Hảo gọi là Tổ Đình, cũng chỉ mang tính chất gia tộc (không xây cất đồ sộ như thánh thất của một số tôn giáo khác).
Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp tăng cường đàn áp, tình hình chính trị, xã hội, kinh tế càng thêm ngột ngạt, quần chúng theo đạo Hòa Hảo càng đông. Cơ sở Hòa Hảo phát triển mạnh ở vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên và mở rộng ra khắp cả miền Tây Nam Bộ, số tín đồ lên tới hàng triệu người.
Trước sự phát triển của Hòa Hảo, cả Nhật và Pháp đều muốn lợi dụng, thao túng để phục vụ ý đồ chính trị của mình, Nhật đặt quan hệ với Hòa Hảo để lật Pháp nhưng không thành. Pháp bắt Huỳnh Phú Sổ và giam giữ suốt ở Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, rồi gán cho ông bệnh tâm thần, đưa ông vào nhà thương Chợ Quán, sau đó đưa về quản thúc ở Bạc Liêu.
Năm 1942, Nhật đưa Huỳnh Phú Sổ về Sài Gòn, chuẩn bị con bài cho 1945. Một số đảng phái và tổ chức phản động (Đại Việt, Quốc dân đảng, Trốt-kít, Phòng nhì) với những nhân vật như Phan Quang Đán, Nguyễn Tôn Hoàng, Vũ Tam Anh, Burcau,.. cũng dựa vào Hòa Hảo để hoạt động kiếm chác. Ông Huỳnh Phú Sổ còn chiêu mộ thêm một số nhân vật nữa như Hồ Nhật Tân, Trịnh Quốc Khánh, Lương Trọng Tường, Lê Quang Liêm, Trần Kiều, Trần Văn Nhật (Dật Sỹ), Trần Văn Soái (Năm Lửa), Nguyễn Giác Ngộ,.. tập hợp lại như một bộ tham mưu lo tính kế hoạch và gây thanh thế cho Hòa Hảo.
Tháng 3/1945 (sau đảo chính), ông Sổ được Nhật giao đi vận động phong trào khuyến nông, tuyên truyền thuyết “Đại Đông Á”, kêu gọi thanh niên vào lực lượng vũ trang. Tháng 8/1945, ông Sổ có tham gia tổng khởi nghĩa. Sau đó ông được cử làm ủy viên đặc biệt trong Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ. Song, ông có ý đồ riêng nên lực lượng Hòa Hảo vẫn chống lại cách mạng.
Tháng 9/1946, ông Huỳnh Phú Sổ nhận định: Muốn có sức mạnh phải giác ngộ tín đồ của tôi. Họ rất mê tín, muốn làm giảm mê tín phải giác ngộ chính trị và đưa họ vào đảng. Và ông thành lập Đảng Việt Nam Dân chủ Xã hội (gọi tắt là Dân Xã), tự làm thủ lĩnh. Nguyễn Bảo Toàn làm Tổng Thư ký, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn An cùng tham gia. Từ đó, Hòa Hảo có đạo và đảng song hành và nó đã mang hình thức chính trị.
Ngày 16/4/1947 (25 tháng 2 Đinh Hợi), Huỳnh Phú Sổ chết. Bọn phản động kích động tín đồ chống Việt Minh, trả thù cho thầy50. Do đó, đã diễn ra cảnh “cốt nhục tương tàn “ (riêng ở Chợ Mới, có đêm chúng giết 36 cán bộ xã ). Pháp tăng cường vũ trang cho số phản động, cầm đầu Hòa Hảo, lợi dụng chúng để đánh vào lực lượng cách mạng. Bọn này chia vùng, cát cứ: 1-Ba Cụt ở Thốt Nốt, Long Xuyên. 2-Năm Lửa ở Cái Vồn, Cần Thơ. 3-Nguyễn Gíác Ngộ ở Chợ Mới. 4-Hai Ngoán ở Cái Dầu, Châu Phú, Châu Đốc. 5-Cả Bộ ở Hòa Hảo và Tân Châu.
Bọn chúng nắm chính quyền, có đảng Dân Xã, có lực lượng vũ trang, có luật lệ riêng (Pháp cho người vào kiềm chế, giám sát). Tín đồ Hòa Hảo sợ bộ máy đó hơn Ngụy quyền. Ai chống lại bị đàn áp dã man. Lúc này Lương Trọng Tường làm Tổng Bí thư đảng Dân Xã. Dật Sĩ, Nguyễn Ngọc Tố, Vương Kim, Phan Bá Cầm đóng vai trò chính trị. Tín