Hồi giáo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG VÀ VIỆT NAM (Trang 118 - 120)

II- MỘT SỐ TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM 1 Phật giáo ở Việt Nam.

4. Hồi giáo ở Việt Nam

Theo một số tài liệu, thì bắt đầu từ thế kỷ XI người Việt Nam đã có sự tiếp xúc, buôn bán với một số thương nhân theo Hồi giáo ở vùng Tây, Nam Á. Những thương nhân này đã đem theo “hơi hướng” của Hồi giáo đến nước ta. Nhưng, phải đến thế kỷ XVI, đạo Hồi mới chính thức du nhập vào Việt Nam.

Hồi giáo ở nước ta, chủ yếu là trong dân tộc Chăm. Sự tiếp thu Hồi giáo của người Chăm diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt. Thế kỷ XV, nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam đạt đến cực thịnh và đã chú trọng mở mang bờ cõi. Năm 1471, Lê Thánh Tông chinh phục vương quốc Chăm-pa, người Chăm đã dồn tụ về phía Nam đèo Cù Mông (từ Phan Rang trở vào) và thiết lập vương quốc Chiêm Thành. Trong thời gian tồn tại vương quốc Chiêm Thành, dân chúng sống trong một tâm trang bi quan, không ổn định. Mặt khác, người Chăm cũng tiến hành buôn bán với người nước ngoài (như vương quốc Ma-la-ka theo đạo Hồi) và họ đã dần dần biết đến một tôn giáo mới là Hồi giáo.

Năm 1693, sau một lần vua Chăm nổi dậy, chúa Nguyễn đem quân đánh dẹp và lập ra tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Hầu hết người Chăm di cư về phía Tây và Tây-Nam, đến vùng Châu Đốc và một số vùng trên lãnh thổ Cam-Pu-Chia. Số người Chăm từ Việt Nam sang Căm-Pu-Chia đều theo Hồi giáo, chỉ có phần lớn người Chăm ở Thuận Hải là theo đạo Hin-đu (tức Ấn Độ giáo). Số người Chăm theo Hồi giáo đông hơn cả là ở Châu Đốc, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn một số ít người Ấn Độ, Ma-lai-si-a và gần đây có cả người Việt (Kinh) cũng theo Hồi giáo (song số lượng không đáng kể).

Đạo Hồi của người Chăm có hai khối chính là:

1. Chăm Ba-ni (ở Thuận Hải), là người Chăm theo Hồi giáo không chính thống, bị pha trộn với tín ngưỡng, tập quán, phong tục cổ truyền (đặc biệt là có sự pha trộn của đạo Bà-la-môn) và chế độ mẫu hệ. Sinh hoạt tôn giáo của khối này theo đơn vị Thánh đường, không có tổ chức giáo hội nên không có quan hệ với Hồi giáo thế giới.

2. Chăm Ix-lam (ở Châu Đốc, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh), là người theo Hồi giáo chính thống: có tổ chức giáo hội và có liên hệ với Hồi giáo thế giới.

Tuy giáo lý, giáo luật của đạo Hồi rất nghiêm ngặt, nhưng sinh hoạt tôn giáo của người Chăm vẫn có những nét phù hợp với tâm lý, truyền thống Việt Nam, như thờ đấng tối cao là A-la nhưng có kết hợp thờ cúng tổ tiên. Tín đồ Hồi giáo trong những ngày lễ, tết có uống chút ít bia, rượu; không chỉ cấm ăn thịt lợn mà cấm cả thịt chó... Người Chăm sống ở những vùng đất khô cằn, khó làm ăn nên vai trò kinh tế nhỏ bé so với toàn xã hội.

Trước đây, vấn đề người Chăm và đạo Hồi bị Pháp, Mỹ lợi dụng để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng. Chúng đã dựng lên Mặt trận giải phóng Chăm-pa (Front pour la Libération du race Champa), là một trong ba thành viên của Phun-rô, đồng thời thao túng chi phối các hoạt động của Hiệp hội Chăm-pa Hồi giáo Việt Nam - một hình thức tổ chức giáo hội của người Chăm Ix-lam do Mỹ - Ngụy lập ra năm 1965.

Sau 1975, một số người Chăm theo đạo Hồi đi tản ra nước ngoài; số còn lại vừa làm nghĩa vụ công dân của một Tổ quốc thống nhất, vừa hoạt động tôn giáo bình thường. Năm 1983, một số phần tử phản động sống lưu vong ở Mỹ và Canađa dựng lại tổ chức giải phóng Chăm-pa và có những hoạt động nhằm cản trở con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Trong mấy năm gần đây, các tổ chức Hồi giáo quốc tế như Liên minh Hồi giáo thế giới, Liên minh Hồi giáo Đông Nam Á, và một số nước Hồi giáo như Ả-Rập Xê-út, Li-bi, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a đã đề nghị đặt quan hệ với Hồi giáo Việt Nam.

Tính đến 01/04/1989, số người Chăm là 93510 người, trong đó có gần 45000 người theo Hồi giáo. Nếu tính cả những người không thuộc dân tộc Chăm, thì số người theo đạo Hồi là 50000 người, riêng thành phố Hồ Chí Minh có trên 10000 người. Hiện nay, Hồi giáo có khoảng 400 chức sắc, 70 thánh đường. Trong số tín đồ Hồi giáo Việt Nam, có người đã hành hương đến thánh địa Mếc-ca.

Đạo Hồi ở Việt Nam hiện có bốn nhóm: Nhóm Hồi Chăm (Bộ phận Ba ni, bộ phận Ix-lam); Nhóm Hồi Ma-lai-xi-a; Nhóm Hồi Ấn Độ; Nhóm Hồi người Kinh.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG VÀ VIỆT NAM (Trang 118 - 120)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w