Nhận thức rõ vai trò của công tác giảm tổn thất điện năng trong tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như những ảnh hưởng của nó đối với tình hình kinh doanh điện năng, từ năm 2003, cùng với các đơn vị khác trong toàn công ty, Điện lực Đống Đa đã thành lập Ban chỉ đạo chống tổn thất điện năng. Việc đi vào hoạt động của Ban chỉ đạo đã tạo ra được những thành công đáng kể. Tỷ lệ tổn thất của năm 2002 đang từ hai con số (10.25%) xuống còn một con số ở năm 2003 (8.73%). Thành công này đã tạo nên động lực lớn cho toàn Điện lực, thúc đẩy ban lãnh đạo, các Đảng viên và toàn thể các cán bộ công nhân viên trong Điện lực cố gắng phấn đấu để đạt được kết quả cao hơn. Kết quả là những năm sau đó tỷ lệ tổn thất của Điện lực đã giảm xuống đáng kể (thấp nhất là 6.45% - năm 2006).
Mặc dù là một đơn vị có quy mô không lớn song để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý và trao đổi thông tin giữa công ty mẹ (Công ty Điện lực TP Hà Nội) với các khối điện lực một cách nhanh nhất, từ năm 2003, Điện lực Đống Đa đã sử dụng phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CMIS) và hòa mạng nội bộ với Công ty Điện lực TP Hà Nội. Đây là một bước đột phá trong quá trình đổi mới phương thức làm việc của Công ty Điện lực TP Hà Nội nói chung và của Điện lực Đống Đa nói riêng. Bởi nó không chỉ đòi hỏi một lượng đầu tư lớn về máy móc mà còn phải đầu tư cho con người.
Đối với công việc tính tỷ lệ tổn thất truyền thống, công việc bao gồm: nhận số liệu Điện nhận đầu nguồn, ghi chỉ số, tổng hợp điện thương phẩm… Tuy nhiên khi áp
dụng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý khách hàng thì công việc tính tỷ lệ tổn thất gồm: cập nhật thông tin Điện đầu nguồn, điện thương phẩm từ các trạm biến áp công cộng, nhấn phím thực hiện chương trình… Nói tóm lại là một loạt các thao tác tính tỷ lệ tổn thất thủ công thông thường bị thay đổi và do đó nâng cao trình độ cho cán bộ tính tổn thất cũng như giúp họ thích nghi với điều kiện làm việc mới được coi như một yêu cầu cần thiết nhằm ứng dụng một cách linh hoạt và có hiệu quả phần mềm máy tính.
Cho đến nay, sau 5 năm thực hiện, hệ thống này tuy có bộc lộ một số nhược điểm nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với công tác quản lý của Điện lực. Các số liệu về điện nhận đầu nguồn, điện thương phẩm, tỷ lệ tổn thất điện năng… được sắp xếp theo trật tự giúp cho các nhà quản lý có thể có ngay lập tức khi cần.
Một lợi thế nổi bật của Điện lực Đống Đa trong công tác giảm tỷ lệ tổn thất là có đội ngũ cán bộ có năng lực và trách nhiệm trong công tác chỉ đạo và thực hiện tính tổn thất điện năng, đề ra các kế hoạch, chỉ tiêu của từng tháng, từng quí cho Điện lực nhằm giúp Điện lực đạt và vượt kế hoạch đề ra của công ty.
2.4.1.3. Nguyên nhân
Những thành tựu trên đây là kết quả tất yếu của bộ máy tổ chức quản lý làm việc tích cực, đoàn kết và gắn bó. Mặc dù là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phân phối và truyền tải điện năng – một lĩnh vực độc quyền của Nhà nước song với khẩu hiệu “Trách nhiệm – Trí tuệ – Thanh lịch”, từ năm 1995 đến nay, cán bộ công nhân viên Điện lực Đống Đa đã không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phương thức làm việc nhằm phục vụ một cách tốt nhất nhu cầu của khách hàng về điện và các dịch vụ khách quan. Ban lãnh đạo quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên. Nhiều phong trào thi đua được tổ chức và duy trì tạo nên một bầu không khí làm việc hăng say trong công nhân viên đơn vị.
Trong sự phát triển chung của toàn đơn vị, ban chỉ đạo chống tổn thất điện năng và các cán bộ công nhân viên thực hiện cũng đã khẳng định được vai trò quan trọng của
mình đối với việc quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt thành tích thi đua giữa các Điện lực trong toàn công ty. Có thể nói rằng, giảm tổn thất điện năng đã góp phần không nhỏ trong việc tăng doanh thu bán điện, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của Điện lực.
Có thể tóm lại theo các nguyên nhân sau:
- Điện lực Đống Đa đã bố trí được một cấu trúc tổ chức hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển Điện lực.
- Đội ngũ cán bộ công nhân viên có năng lực và có trách nhiệm.
- Để thực hiện tốt công tác giảm tổn thất điện năng, Điện lực chủ trương gắn chỉ tiêu giảm tổn thất với điểm thi đua của từng Đội quản lý khách hàng, từng Đảng viên và từng cán bộ công nhân viên. Điện lực có chế độ thưởng phạt rõ ràng đối với người quản lý được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng của từng lộ đường dây, từng trạm biến áp có tổn thất cao.
- Sử dụng hiệu quả phần mềm “Hệ thống quản lý thông tin khách hàng – CMIS” đã năng cao chất lượng làm việc, quy trình làm việc chặt chẽ hơn, các hoạt động kinh doanh được “phầm mềm hóa” nên việc kiểm soát được dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí.
- Lấy khách hàng làm trung tâm. Chất lượng công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao.
- Điện lực duy trì và phát huy hiệu quả giảm tổn thất điện năng do sự điều chỉnh cơ cấu quản lý theo vùng và nhân sự giữa các đội quản lý khách hàng.
2.4.2. Hạn chế và những nguyên nhân
2.4.2.1. Hạn chế
Bên cạnh những thành công đạt được thì trong công tác giảm tổn thất điện năng vầ còn tồn tại một số hạn chế khách quan và chủ quan. Từ những nhân tố tác động đến chỉ tiêu tổn thất điện năng và kết quả phân tích tổn thất điện năng ở trên, ta có thể đưa ra một số tồn tại trong công tác quản lý tổn thất điện năng ở Điện lực Đống Đa như sau:
- Chương trình giảm tổn thất của Điện lực cần cụ thể, bám sát với thực tế hoạt động của từng Đội quản lý khách hàng. Ban chỉ đạo tổn thất đã có sự kiểm điểm hàng tháng, hàng quý theo kế hoạch trong chương trình, đã kịp thời đưa ra các biện pháp chống tổn thất nhưng chưa hợp lý với thực tế thực hiện. Chỉ tiêu tổn thất điện năng được giao cho các Đội quản lý trong từng tháng, từng quý, thời gian như thế này là ngắn để thực hiện hiệu quả các biện pháp giảm tổn thất điện năng mà ban chỉ đạo đề ra.
- Chu kỳ ghi chỉ số công tơ đầu nguồn (công tơ điện nhận) và chu kỳ ghi chỉ số cho khách hàng (công tơ điện thương phẩm) chênh lệch nhau về thời gian.
- Chất lượng điện kém do hệ thống lưới điện và các trạm biến áp lạc hậu, cũ kỹ, chắp vá…
- Bán kính cấp điện của các trạm biến áp hạ thế còn dài. Điều này gây tổn thất điện năng trên các đường dây, ảnh hưởng đến chất lượng điện cung cấp cho người tiêu dùng.
- Hệ thống đo đếm điện năng làm việc kém chính xác, sai số của các thiết bị lớn. - Tình trạng sự cố lưới điện xảy ra nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổn thất điện năng.
- Hiệu quả sử dụng tài sản cố định của Điện lực chưa cao. Mặc dù Điện lực đã có sự đầu tư cho tài sản cố định trong năm qua nhưng vẫn chưa khai thác hết được hiệu quả sức sản xuất. Các chỉ tiêu về tài sản cố định của năm 2007 vẫn thấp hơn năm 2006.
- Sự thiếu hiểu biết của khách hàng dùng điện. Nhiều khách hàng vi phạm quy chế sử dụng điện gây tổn thất điện năng lớn cho Điện lực. Số lượng các vụ ăn cắp có giảm xuống nhưng lại ở mức độ tinh vi hơn, quy mô hơn.
- Giá bán điện của Điện lực hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào quy định của Nhà nước.
2.4.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân dẫn đến một số tình trạng trên bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
● Nguyên nhân khách quan
- Hệ thống lưới điện cũ nát, chắp vá thiếu đồng bộ, các trạm biến áp được xây dựng từ những năm 80 gây ảnh hưởng đến chất lượng điện và tổn thất điện năng. Đường dây dài, tiết diện một số nhánh nhỏ dẫn đến nhiều nút bị quá tải, tổn thất điện áp cuối nguồn và một số nhánh cao.
- Chương trình tính tổn thất điện năng xây dựng còn chưa thực sự hợp lý và chính xác.
- Phụ tải phân bố không đồng đều và rải rác, điện năng sử dụng cho sinh hoạt có tỷ lệ rất cao khiến đồ thị phụ tải mấp mô.
- Sự thiếu hiểu biết của khách hàng dùng điện dẫn đến việc lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện một cách tùy tiện làm tăng tiêu thụ công suất phản kháng, giảm hệ số cosφ và tăng thêm tổn thất điện năng trong lưới.
● Nguyên nhân chủ quan
- Chất lượng điện được thể hiện bởi độ lệch áp tại đầu vào các hộ dùng điện, độ đối xứng, độ hình sin của điện áp và dòng điện. Khi điện áp không đối xứng hoặc điện áp không sin thì các thành phần dòng điện thứ tự nghịch, thứ tự không và các thành phần sóng hài bậc cao sẽ gây ra những tổn thất phụ. Nguyên nhân dẫn đến chất lượng điện kém, ngoài các yếu tố kỹ thuật còn do thiếu sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của người vận hành mạng điện.
- Chế độ sử dụng điện không hợp lý làm cho đồ thị phụ tải thay đổi lớn. Sự chênh lệch quá cao giữa phụ tải giờ cao điểm và giờ thấp điểm không những làm cho chất lượng điện giảm mà còn làm ảnh hưởng đến các tham số chế độ khác như: Thời gian sử dụng công suất cực đại, thời gian tổn thất cực đại, tổn thất công suất, tổn thất điện áp…
- Thiết bị đo đếm điện năng thiếu đồng bộ và không được kiểm định định kỳ, do đó dẫn đến sai số và thất thoát điện năng. Sai số của các thiết bị đo vượt quá giới hạn
cho phép (cấp chính xác không phù hợp. thiết bị đo đã quá hạn, trục trặc hoặc bị làm sai lệch do sự xâm phạm trái phép của khách hàng).
Do trình độ của người lắp đặt hạn chế hoặc do có sự thông đồng với khách hàng để đấu nối thiết bị đo sai, nhất là ở vị trí đảo các dây pha và dây trung tính tạo điều kiện cho việc lấy cắp điện năng không qua công tơ. Trong một số trường hợp còn có hiện tượng can thiệp bất hợp pháp của người dùng điện, làm sai lệch sơ đồ hoặc làm tăng sai số của công tơ thậm chí làm công tơ bị hãm hoặc chạy ngược.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP GIẢM TỔN THẤT ĐIỆN NĂNG Ở ĐIỆN LỰC ĐỐNG ĐA – CÔNG TY ĐIỆN LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI