3.1.1. Cơ hội
Năng lượng điện hay còn gọi là điện năng là một loại hàng hóa tiêu thụ đặc biệt, nhu cầu sử dụng điện hiện nay luôn vượt mức cung, không có hàng tồn kho. Điện năng được thông dụng như thế là do nó có nhiều ưu điểm như: dễ dàng chuyển hóa được thành các dạng năng lượng khác, dễ truyền tải đi xa, hiệu suất cao…
Năng lượng điện là nguồn nguyên liệu không thể thiếu đối với bất kỳ loại hình kinh doanh nào, đối với tất cả các đối tượng tiêu dùng. Công nghiệp điện liên quan chặt
chẽ với hầu hết các ngành kinh tế quốc dân. Đó là một trong những động lực tăng năng suất lao động, tạo nên sự phát triển nhịp nhàng trong cấu trúc kinh tế.
Hiện nay, ở Việt Nam, ngành điện vẫn đang là một ngành độc quyền. Cùng với tầm quan trọng của điện năng mang lại, là đơn vị kinh doanh điện năng, Điện lực Đống Đa có rất nhiều cơ hội mở rộng, đa dạng hóa và phát triển ngành nghề kinh doanh của mình.
Đống Đa là một quận nội thành của Thủ đô Hà Nội, là nơi trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước với nhiều địa điểm du lịch, các trung tâm thương mại và dịch vụ lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho Điện lực, Điện lực có giá bán điện bình quân cao (Giá điện bình quân năm 2007 của Điện lực Đống Đa là 1103,61 đ/kwh).
Bên cạnh đó, Điện lực Đống Đa có Ban lãnh đạo có kinh nghiệm và phương thức quản lý năng động và chiến lược kinh doanh hợp lý, có đội ngũ cán bộ công nhân viên phần lớn được đào tạo bài bản, có khả năng đáp ứng với sự phát triển khoa học kỹ thuật.
Với những điều kiện thuận lợi trên đã tạo cho Điện lực Đống Đa những cơ hội lớn trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh, tiến vào kỷ nguyên của sự phát triển và hội nhập.
3.1.2. Thách thức
Bước sang năm thứ 2 với vai trò là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Việt Nam đã có những sự phát triển vượt bậc. Tốc tộ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao (> 8%). Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động. Các tổ chức, các công ty của nước ngoài cũng nhảy vào, cũng tham gia vào guồng quay phát triển đó.
Với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như thế, ngành Điện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn: nguồn nhiên liệu phục vụ sản xuất điện năng không phải là vô tận, vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện có hạn, giải quyết hậu quả
ô nhiễm môi trường… Và nổi cộm lên trong những khó khăn đó là vấn đề giảm tổn thất điện năng đến mức tối đa để đảm bảo được chất lượng điện.
Hiện nay tổn thất điện năng trong kinh doanh điện là một vấn đề đáng quan tâm vì sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển công nghiệp, đời sống của con người ngày càng được nâng cao, dân số càng ngày càng tăng, vẫn tồn tại hiện tượng ăn cắp điện…
Bên cạnh những khó khăn tồn tại trước mắt đó còn có những thách thức mới của sự phát triển và hội nhập. Để đảm bảo cam kết lộ trình gia nhập vào WTO, Việt Nam phải chấp nhận việc các tổ chức, cơ quan, công ty của nước ngoài tham gia vào nền kinh tế và chịu sự cạnh tranh với họ. Hiện nay, ngành Điện của Việt Nam đang là ngành độc quyền, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ có những doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào và cạnh tranh với ngành điện Việt Nam bằng khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn, hiện đại hơn, cách quản lý chuyên nghiệp hơn, đội ngũ công nhân có tay nghề cao, các giải pháp chống tổn thất hiệu quả… Chính vì vậy, ngành Điện cần có những chuẩn bị vững chắc và có những sự thay đổi trong cung cách quản lý cũng như làm việc để đảm bảo được vị trí quan trọng của mình đối với nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới.
Điện lực Đống Đa là một đơn vị kinh doanh điện năng trực thuộc Công ty Điện lực TP Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Do đó, những thách thức trên đối với ngành Điện cũng chính là những thách thức của Điện lực Đống Đa. Điện lực Đống Đa cần có những giải pháp thích hợp để đảm bảo tốt hoạt động kinh doanh phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước.