KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

Một phần của tài liệu Khảo sát và nhận dạng chiến lược kinh doanh của một số công ty Dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2005 - 2007 (Trang 53 - 56)

4.1. Kết luận: Với kết quả nghiên cứu đã thực hiện ở trên chúng tôi xin đưa ra một số

kết luận như sau:

4.1.1. Chiến lược kinh doanh của công ty GSK

GSK hãng dược phẩm hàng đầu trên thế giới, được coi là thủ lĩnh trên thị trường, có điều kiện chi phối, nắm tương quan thế lực trong ngành với nhiều ưu thế cạnh tranh. Trên thị trường dược phẩm Việt Nam GSK đã tận dụng tối đa các điểm mạnh, nắm bắt các cơ hội, khắc phục điểm yếu và vượt qua các thử thách, sử dụng các chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả.

Các chiến lược của công ty được tập trung trong hai lĩnh vực chủ yếu: Marketing và nhân sự. Trong đó:

- Các chiến lược marketing đi sâu vào chiến lược sản phẩm khẳng định vị thế của công ty thông qua các sản phẩm mới với hoạt chất mới, sản phẩm mới với công dụng mới kết hợp với phát triển sản phẩm theo chiều sâu. Dựa vào những điểm mạnh đó công ty đưa ra các chiến lược giá thích ứng: chiến lược giá xâm nhập cao nhằm tối đa hóa lợi nhuận, chiến lược một giá bảo đảm doanh số và khẳng định uy tín với khách hàng, chiến lược liên doanh liên kết giảm giá thành tạo lợi thế cạnh tranh. Song song với hai chiến lược trên là chiến lược phân phối chọn lọc và các chiến lược xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh, nổi bật trong đó là các hoạt động PR được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau với quy mô lớn nhỏ tùy theo từng từng mục tiêu cụ thể.

- Các chiến lược về nhân sự được công ty đẩy mạnh, phối hợp chặt chẽ với các chiến lược marketing. Cơ cấu tổ chức được bố trí gắn chặt với các chiến lược kinh doanh. Các chính sách thu hút nhân lực được công ty xây dựng bài bản từ quy trình phỏng vấn đến các loại hình đào tạo phong phú. Duy trì và phát huy nguồn lực được thực hiện rõ ràng thông qua các chế độ đãi ngộ bằng vật chất và phi vật chất kết hợp với một môi trường làm việc độc lập nhưng gắn bó và thân thiện.

GSK đã thực sự thành công trên thị trường Việt nam khi xây dựng trong tâm trí khách hàng một hình ảnh là “một hãng dược phẩm hàng đầu, với các sản phẩm gốc, uy tín về chất lượng, và phong cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản”.

4.1.2. Chiến lược kinh doanh của công ty Sunpharma

Sunpharma một trong 5 công ty dược phẩm hàng đầu tại Ấn Độ. Công ty đã có được nhiều thành công trên thị trường nước ngoài. Năm 2002, Sunpharma chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, trong hai ba năm đầu do còn ít kiến thức về thị trường dược nên thành công thu được là không đang kể. Nhưng từ năm 2005 trở lại đây với mục tiêu rõ ràng và chiến lược kinh doanh nhạy bén, công ty đã thu được những kết quả đáng kể.

Dựa trên ba dòng sản phẩm chủ yếu: tim mạch, thần kinh và tâm thần. Công ty không phát triển trải rộng trên thị trường mà tìm kiếm cho mình phân khúc thị trường riêng. Sunpharma tận dụng thương hiệu uy tín của các sản phẩm của hãng lớn, đưa ra thị trường các sản phẩm “bắt chước” với giá thành cạnh tranh. Kết hợp song song là các chiến lược phân phối độc quyền đặc biệt là chiến lược xúc tiến và hỗ trợ, trong đó tác động trực tiếp tới bác sĩ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Chiến lược nhân sự: Quá trình tuyển dụng cũng như đào tạo nguồn nhân lực được tổ chức đơn giản. Các chính sách đãi ngộ của công ty phần nào đáp ứng được nhu cầu của nhân viên. Sunpharma xác định rõ vị thế của mình vì vậy công ty cố gắng xây dựng một cơ cấu tổ chức gọn nhẹ gắn kết chặt chẽ với các quy luật kinh doạn.

4.1.3. Chiến lược kinh doanh của công ty Eisai cho sản phẩm Methycobal

Hãng Eisai Nhật Bản không phải là một hãng lớn như các hãng dược phẩm hàng đẩu trên thế giới, nhưng cũng là hãng có uy tín về chất lượng. Chiến lược kinh doanh của công ty không tập trung phát triển sản phẩm trải rộng trên thị trường mà tập trung trên một số mặt hàng chủ đạo. Sản phẩm Methycobal là một trong các mặt hàng trọng tâm của công ty được chú trọng đầu tư.

Đây là sản phẩm sử dụng trong các bệnh lý thần kinh ngoại biên có nhiều đặc tính nổi trội. Mục tiêu của Eisai khi phát triển trên thị trường nhằm tạo nhận thức về chất lượng tốt và hiệu quả ở bác sĩ. Do đó, chiến lược công ty tập trung vào là các chiến lược PR dành cho các cán bộ y tế kết hợp với các chiến lược giá và phân phối phù hợp và các chiết khấu trong

giai đoạn đầu cho các nhà thuốc. Trình dược viên của sản phẩm được tuyển dụng và đào tạo kỹ lưỡng, có kiến thức về bệnh học và sản phẩm tốt để tư vấn đến bác sĩ.

4.2. Đề xuất

4.2.1. Đối với các doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài

Các doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài dựa trên vị thế của mình cần hoạch định các chiến lược kinh doanh phù hợp, xuất phát từ thực tiễn kinh doanh, trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu các nguồn lực nội tại, trình độ năng lực quản lý, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện chiến lược để tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức trên thị trường. Đặc biệt cần nắm bắt kịp thời các xu thế biến động của thị trường để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lí

Mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ sứ mện, triết lý kinh doanh và mục tiêu chiến lược rõ ràng, có tầm nhìn chiến lược dài hạn đặc biết với các doanh nghiệp ở địa vị thấp hơn.

Việc nhận dạng chiến lược của đối thủ cạnh tranh trên thị trường là hết sức cần thiết, giúp các doanh nghiệp hoạch định các chiến lược kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa điểm mạnh nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

4.2.2. Đối với nhà quản lý

Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý thông thoáng minh bạch và rõ ràng cho các doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài.

Có các chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành manh, vi phạm các quy định đã đặt ra.

MỤC LỤC

Một phần của tài liệu Khảo sát và nhận dạng chiến lược kinh doanh của một số công ty Dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2005 - 2007 (Trang 53 - 56)