Không phải đến phóng sự đời sống của những kiếp đi ở mới được phản ánh trong văn học. Từ văn học bình dân, nỗi cơ cực của kẻ đi ở đã được tác giả dân gian thể hiện dưới hình thức những bài ca than thân hay những câu chuyện cổ tích. Người đi ở than thân: “Cơ khổ cho đứa giữ trâu / Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha / Hai hàng nước mắt nhỏ sa / Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?”(ca dao). Hình ảnh anh Khoai (Cây tre trăm đốt), Sọ Dừa (Sọ Dừa) chính là sự thể hiện những cuộc đời đi ở. Đến văn học hiện đại, ở thể loại phóng sự, số phận người đi ở được thể hiện với những nét mới, mang tính thời sự.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX đã diễn ra sự phân hóa giai cấp sâu sắc. Cuộc sống hào nhoáng, tráng lệ của phố phường đối lập gay gắt với cảnh tù
túng, nghèo khổ của dân nghèo thành thị. Nếu như những kiếp phu xe chấp nhận làm công việc “người kéo người” vô cùng nặng nhọc để kiếm mấy xu lẻ thì những kiếp đi ở cũng phải chấp nhận muôn ngàn nỗi cay cực, kể cả việc bi chủ bạc đãi, chửi rủa, hãm hại để nhận đồng lương rẻ mạt.
Phóng sự Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng là một cuộc điều tra sâu sắc đến tận chân tơ kẽ tóc về thân phận của những kiếp tôi đòi trong xã hội Việt Nam những năm 30, 40 đầu thế kỉ XX. Học tập Maryse Choisy khoác áo con đòi để viết nên thiên phóng sự “Carnet d’une femme de chambre 1933”, Vũ Trọng Phụng cũng nuôi tóc dài, khoác lên mình bộ quần áo rẻ tiền của những kẻ đi ở để viết thiên phóng sự về nghề cơm thầy cơm cô.
• Những cảnh ngộ bi kịch của kiếp “cơm thầy cơm cô”
Theo sự điều tra của Vũ Trọng Phụng thì người đi ở hầu hết là những người dân quê nghèo, họ đã “bỏ những nơi đồng khô cỏ héo đến đây để chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa bỏ nhà” [47; tr. 737]. Họ góp mặt vào đám chợ người ở các phố Hà Thành mà chưa biết khi nào mới có việc làm khi mà “hàng ế”, người lại cứ thêm mãi. Ế ẩm ở chỗ chợ người thì tất nhiên họ không còn xu mà lo chỗ ăn nghỉ, chỉ còn nước qua đêm ở “đằng sau” của các hàng cơm, cái nơi bẩn thỉu mà hôi hám, màn trời chiếu đất. Trong số họ, có người rơi vào cảnh vỡ đê, trôi cả nhà cửa, trâu bò đến nỗi vợ đi làm vú em còn mình dấn thân đi ở; có thằng bé bố chết, mẹ đi lấy chồng, ở với người cô ruột giàu có nhưng bị chửi nhiều quá nên phải bỏ mà đi ở; có bà lão dắt ba đứa cháu nội ra Hà Nội tìm bố làm phu kéo xe mà tìm mãi không thấy; có thằng bé bị mẹ bắt đi ở thuê; lại có thằng nhỏ mới chỉ độ 8 tuổi, chẳng biết gì cả cũng đem thân đi ở… Mỗi người một số phận, một cảnh ngộ nhưng họ chung nhau ở cái nghèo, đã đi đến đường cùng. Họ đã như con thiêu thân, bay vào đống lửa, cho nên mới bị quáng mắt về những ánh sáng của kinh thành.
Trong xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX, khi mà sự phân hóa giai cấp ngày càng rõ rệt, đạo đức bị băng hoại và đồng tiền lên ngôi thì
những kiếp con sen thằng quýt bị chủ nhà đối xử một cách thậm tệ. Khoác chiếc áo của một kẻ tôi đòi, ra mặt đàn anh đàn chị trong giới cơm thầy cơm cô, Vũ Trọng Phụng đã được nghe biết bao câu chuyện về nỗi khổ cực, nhục nhã của những người đi ở. Câu chuyện về con sen Đũi đã khiến nhà văn phải xúc động, bàng hoàng. Vì bố làm Lý trưởng mà của cải trong nhà cứ “đội nón ra đi” nên cái Đũi phải ra Hà Thành làm con sen. Nó mới 13 tuổi nhưng đã bị mụ chủ thông đồng với một chú oẳn, mụ nhét giẻ vào mồm rồi giữ chân cái Đũi rồi để cho tên này “hiếp lấy hiếp để”, đến nỗi nó nằm liệt như sắp chết mất nửa ngày. Nghe cái Đũi kể một câu chuyện bất bình đã xa lắc xa lơ mà tác giả vẫn thấy nóng cả mặt cả mày như nó đang diễn ra trước mắt vậy. Số phận đi ở của cái Đũi để lại trong lòng tác giả nỗi trăn trở về bi kịch của những kiếp
“con sâu cái kiến” trong xã hội đương thời. Thật bất bình thay khi cái Đũi là nạn nhân mà đi kêu oan lại bị người có chức có quyền (ông đội xếp) mắng là vu oan giá họa. Thì ra, trong xã hội “khốn nạn”, “chó đểu” đó, những người có quyền như ông đội lại chỉ hiểu cho cái lẽ của giới thượng lưu mà không thấu nỗi khổ của những kẻ nghèo hèn.
Bi kịch của kẻ đi ở thật muôn vạn nẻo. Có con sen vốn là một cô gái thôn quê, ra tỉnh làm thuê hầu hạ cho nhà người, phơi quần áo trên bao lan bị điện giật, trở thành động kinh, rồi nó bị chủ thải ra như người ta vứt một cái vỏ chuối ra đường. Đi làm cho nhà khác, vì động kinh mà nó làm vỡ một cái lọ quý trị giá cả trăm bạc. Nó sợ hãi bỏ trốn nhưng bị chủ nhà vu oan là ăn cắp. Có những thằng bé nghèo khổ phải đi ở kiếm sống. Nó bị chủ nhà lừa, bạc đãi. Chủ bắt nó phải
“gánh đầy ba bể nước, bổ hết hai mươi tạ củi” [47; tr. 764 ] nhưng đến khi mọi việc đã xong xuôi thì mụ chủ thượng lưu tìm cách kiếm chuyện để chửi mắng suốt ngày, khiến thằng bé không chịu nổi nữa mà phải bỏ. Có những đứa đày tớ bị chủ nhà đánh chết; có những con sen bị ông Tham hiếp dâm; có đứa ở bị chủ bắt làm quá sức, người này sai chưa làm xong việc này thì người khác đã lại ới; có thằng nhỏ đi ở lương tháng chỉ bốn hào mà không bữa nào được ăn no…
Tình cảnh của những thân phận đi ở thật trớ trêu, bi đát. Rời chốn đồng khô cỏ héo, đi theo sự vẫy gọi của ánh sáng hào quang chốn nghìn năm văn vật, có lẽ những người dân quê cũng không ngờ ra đến kinh thành, mình bị biến thành một thứ hàng hóa giữa chốn chợ người để người ta cân lên đặt xuống, mặc cả từng xu lẻ, nếu có việc thì làm nhiều ăn ít, bị lừa hãm hiếp, bị vu oan, bị chửi mắng, nếu không có việc thì một ngày kia “sẽ được nằm trong một xó sân ngửi mùi nước cống, mùi cứt gà và cứt người, nhịn đói nằm co mà nhìn trời” [47; tr. 755].
• Sự tha hóa của những người đi ở
Có một thực tế là “Con giun xéo lắm cũng quằn”, con người bị đàn áp, đày ải đến cùng cực sẽ phản ứng lại. Những con sen, thằng nhỏ trong xã hội Việt Nam những năm 30, 40 đầu thế kỉ XX chẳng có đủ sức mạnh, dũng khí, vũ khí để làm một cuộc cách mạng, nhưng họ có những cách tự vệ của riêng mình. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi bàn đến ở đây là: Sự độc ác, keo bẩn của chủ khiến những người đi ở cũng mất dần sự hiền lành, chất phác của người nhà quê. Có kẻ trở thành tay anh chị trong giới cơm thầy cơm cô, lừa dối chủ nhà thiện nghệ, nói xấu chủ nhà như điên bởi chúng thường xuyên bị lăng nhục, bị đối xử tàn bạo. Hành động tự vệ, báo thù đã khiến họ hoặc trở nên lưu manh, côn đồ, hoặc trở thành đĩ điếm. Con sen Đũi là một nhân vật điển hình.
Trong vai một tay đàn anh đàn chị trong giới những người đi ở, nhà văn họ Vũ đã bắt nhân ngãi với con sen Đũi để lắng nghe nó kể về cuốn tiểu thuyết cuộc đời mình. Vũ Trọng Phụng không chỉ bất bình thay khi nghe cái Đũi kể về những khổ cực của nó khi mang thân đi ở, mà còn trăn trở về nhân cách của một con người vốn là một cô gái quê hiền lành trở thành “một ả thiện nghệ trong việc khiêu dâm và mãi dâm”[47; tr. 745]. Bằng một cái nhìn thực tế đầy chua chát, nhà văn phải thốt lên rằng: “Than ôi! ta đi hiếp dâm người ta là một tội ác đấy ư? Thưa không ạ! Ta hiếp dâm người… Ấy thế mà có khi đã dậy cho người một bài học về “thực nghiệp” rất hữu ích và rất chóng có kết quả nữa”
[47; tr. 745]. Cái Đũi đi ở cho nhà chủ thứ hai, một nhà giầu mà vô cùng keo bẩn, chó đểu, đã bị nhà chủ mắng chửi, bạc đãi thậm tệ. Những hãm hại, những đau khổ, tủi nhục mà con sen Đũi buộc phải trải qua đã khiến nó có ý muốn báo thù mới hả dạ và nó đã tìm được một cách báo thù độc ác, đáng khinh: đưa con trai và con gái của chủ còn đang ở tuổi đi học vào con đường dâm bôn. Cô con gái 13 tuổi và cậu con trai 12 tuổi của chủ lần lượt bị cái Đũi dựng trò để khơi dậy lửa tình, mắc vào dâm bôn mà sa đà học hành. Có lẽ tiền chưa phải là mục tiêu của cái Đũi trong những vụ báo thù trên mà nó muốn cho con gái của chủ trở thành đĩ rạc, con trai của chủ thành dâm ô, làm bại hoại gia phong, để trả thù ông bà chủ - kẻ đã chửi mắng vô lí, đã bạc đãi một con sen là nó. Không dừng lại ở đó, cái Đũi còn muốn “vươn lên” làm một cô đầu chứ không thể suốt đời là một con sen, để có cơ hội lên làm bà Phán, bà Ký, để trả thù đời:
“Rồi anh xem, con này mà lên làm nhà tơ thì rồi nhiều thằng khổ”[47; tr. 751]. Vậy là, cái sức ám thị của một cuộc hiếp dâm thật ghê gớm. Nó làm một cô gái quê “nhị rữa hoa tàn” nhưng ghê gớm hơn, nó khiến cô gái quê muốn trèo cao từ cái thang tanh hôi đó, để rồi, còn đâu dấu vết cũ của một cô thôn nữ “ngoan ngoãn, hay làm, có những cái mơ màng bình dị nhưng mà trong sạch” [47; tr. 751]. Cái Đũi từ một cô gái quê sa cơ bị hãm hiếp đến tội nghiệp đã trở thành
“một đứa hư hỏng, giả dối, rất nguy hiểm cho đời”[47; tr. 752]. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã rất đồng cảm, thương xót cho cảnh ngộ éo le, cơ cực của cái Đũi, đã rất bất bình khi nghe câu chuyện bất công mà nó là nạn nhân nhưng cũng không vì thế mà bênh vực cái Đũi khi nó đã bắt đầu tha hóa. Nhà văn nhìn thấy rõ sự biến chất đang diễn ra trong một con người lao động nghèo khổ, đi từ hiền lành, chất phác đến tinh ranh, quỷ quái, từ ngây thơ trong sáng đến dâm bôn và đầy nguy hiểm. Nhà văn cũng thẳng thẳn chỉ ra căn cớ tại đâu dẫn đến sự tha hóa biến chất ấy ở con sen Đũi. Chính sự độc ác, ghê gớm của những ông chủ, bà chủ đã để lại nỗi căm hận trong những con người mang thân phận con sâu cái kiến. Sự uất ức, tủi nhục và căm phẫn khi lên đến tột cùng quả thực rất nguy hiểm, nó có thể đốt cháy kẻ khác nhưng cũng có thể thiêu rụi lương tri,
nhân phẩm của chính người hành động, mặc dù ban đầu họ là nạn nhân, là người hiền lành, lương thiện.
Đâu chỉ cái Đũi, những ai đã dấn thân làm kiếp cơm thầy cơm cô thì đều đã từng bị đánh đập hoặc chửi rủa, hoặc lao dịch nặng nhọc mà ăn không đủ no hoặc là tất cả những cái đó. Nên cũng dễ hiểu tại sao khi những kiếp tôi đòi này ngồi cạnh nhau, trong một dịp nào đó, họ “nói xấu chủ nhà như điên”. Tất cả những thói hư tật xấu, những thói tham lam hay dâm uế của chủ nhà như: trưởng giả học làm sang, con khinh bố, vợ chửi chồng, ăn nói độc địa…đều được phanh phui bằng lời lẽ uất ức mà khinh bỉ của những con sen, thằng quýt. Giới cơm thầy cơm cô tưởng chừng đơn giản bởi họ đều là những con người thật thà chất phác từ nhà quê ra. Nhưng kì thực, những éo le, những góc khuất thì có vạn nẻo. Thiên phóng sự điều tra của Vũ Trọng Phụng đã mang đến cho người đọc những sự thật ít được biết rõ về một tầng lớp con người trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, cũng qua đó, đưa đến những sự thật về loài người – có những điều ta tưởng là chuyện bịa và thấy vô cùng kinh ngạc.