Người lao động bị tha hóa bởi hoàn cảnh 1 Phu kéo xe

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 41 - 46)

2.1.2.1. Phu kéo xe

Xe kéo là một phương tiện giao thông “hiện đại” đã theo chân thực dân Pháp vào Việt Nam, đầu tiên ở Hà Nội vào cuối thế kỉ XIX. Từ chiếc xe tay đầu tiên do công sứ Bonnal đem về từ Nhật Bản, số lượng xe tay ngày càng tăng lên, đến năm 1901, Hà Nội có tới 728 chiếc và như thế cũng có từng ấy người phu xe. Khái niệm “anh xe” đã xuất hiện cùng với những chiếc xe kéo như vậy. Vấn đề đời sống của tầng lớp phu xe kéo cũng từ đó trở thành đối tượng quan tâm của văn học. Truyện ngắn Người ngựa, ngựa người (1931) của nhà văn Nguyễn Công Hoan khi ra đời đã gây xúc động mạnh ở độc giả về một bộ phận dân nghèo thành thị mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam đương thời. Đến năm 1932, khi phóng sự Tôi kéo xe của nhà báo Tam Lang được trình làng thì vấn đề đời sống tầng lớp phu kéo xe đã được đặt ra, tác động đến không chỉ người đọc mà còn là nhà quản lý, nhà xã hội học.

Nỗi cơ cực của phu kéo xe

Trong vai một người phu kéo xe mới vào nghề, Tam Lang trải nghiệm những nỗi cơ cực của phu xe. Đồng thời, ông đã lân la bắt chuyện, làm quen với một phu xe lành nghề là anh Tư S, chứng kiến nơi ăn chốn ở và lắng nghe câu chuyện của cuộc đời làm cu-li xe của anh. Mới hay, phu xe kéo là kiếp “người ngựa” khổ nhục, cái ăn - ở - mặc đã thiếu thốn mà việc làm thì cực nhọc, lại thường xuyên bị đánh đập thậm tệ nếu không đủ tiền nộp thuế.

Theo chân một phu xe, tác giả biết được rằng nơi ở qua đêm của họ là bãi Cơ – Xá – Nam – cái tổ của một bọn người nghèo khổ, “cái sọt rách chứa đầy rác rưởi dưới chân những dinh thự nguy nga” [45; tr. 32], trong những

“gian nhà lá vách xiêu cột vẹo”[45; tr. 32]. Thức ăn của họ là những món “lợm lòng” như món “sáo bò”, “cá rán”, “đậu phụ rán”, “giả cầy” của một hàng cơm

“tối mà thấp như cái hang chuột” [45; tr. 30]. Bát canh sáo bò ngùn ngụt khói, nóng sốt kì thực chỉ là một bát canh đục ngầu như nước cống với “mấy khoanh

lòng bò lều bều nổi như xác chết đuối dưới mấy đám hành răm”[45; tr. 30], chỉ mới và vào miệng mà “dạ dầy…nó đi một mạch từ bụng lên cổ”[45; tr. 30]. Quần áo họ mặc là loại quần áo cũ kĩ, đặc mùi chuồng ngựa – mùi mồ hôi sà vằn. Đó là mùi mồ hôi của hàng trăm người nó đã ăn chết vào những sợi vải kinh niên thỉnh thoảng mới được rũ giặt một lần, mà có giặt, chắc cũng chỉ ngã qua vào chậu nước [45; tr. 20]. Trời nắng hay mưa thì phu kéo xe cũng chỉ có độc một chiếc nón lá ba đồng xu trên đầu, lúc nào cũng dùng đến. Ngôn ngữ tả thực có chút cường điệu của Tam Lang đã cho thấy đời sống vật chất của những cu-li kéo xe đều ở mức dưới đáy, không đáng là của một con người.

Vật chất thiếu thốn nhưng họ phải làm việc cật lực, vất vả, kiếm được bát cơm mà như chan cả mồ hôi, nước mắt. Chỉ một cuốc xe mà Tam Lang đã thấy “như mất hết thịt ở hai gót chân, chỉ còn trơ cái xương nhói buốt”,

“miệng thở, mũi thở rồi đến cả tai cũng thở”, “mồ hôi thì toát ra như mồ hôi trõ” [45; tr. 23]. Vậy mà phu kéo xe phải kéo bao nhiêu cuốc một ngày? Bao nhiêu ngày một tháng? Bao nhiêu tháng một năm? Đấy là còn chưa kể những cuốc kéo xe mà cảnh tượng nhìn thấy là một nghịch lí: một phu kéo xe gầy ốm kéo trên xe là một anh chàng béo như con trâu trương và bốn đứa con, hay một cu-li hai chân như hai ống sậy kéo một ông vai so, đầu mượt, to lớn như Hộ pháp, nằm sõng sượt trên chiếc xe đi giờ….với cái giá 15 xu một giờ. Khi đích thân cầm hai chiếc càng xe mà kéo, nhà báo Tam Lang mới hiểu rõ sự mệt nhọc của kiếp phu xe, để rồi rút ra một nhận định: Nếu “Quả ở xứ nóng, quả chín sớm” thì “Người làm cu-li xe kéo, người chết non!” [45; tr. 27].

Vì xe bánh sắt nên trọng lượng của xe rất nặng, nhất là với phu trung tuổi. Sau này, có loại xe bánh cao su, nhẹ hơn chút nhưng phu xe vẫn phải dùng đến sái thuốc phiện mới đủ sức kéo. Trong thiên phóng sự Tôi kéo xe, Tam Lang cũng đã ghi lại lời kể của anh Tư S về món canh đen của mụ Cai- Đen – một món canh được nấu từ trăm thứ bà dằn và một thứ gia vị “đặc biệt” là sài sảm – sái thuốc phiện đen như than. Món canh đen 5 xu một bát này vì

thế là cứu cánh của những cu-li mắc nghiện mà chưa có tiền hút, đồng thời giúp phu xe dai sức mà kéo. Tuy nhiên, nghiện canh đen thì không chết về chứng nọ cũng chết về bệnh kia, “nước da đen đi, hai mắt chũng vào, cổ thì ngẳng ra, ăn không được, ngủ không được, đến lúc đi ra máu loãng như nước vỏ nâu là… về, về với ông bà ông vải”[45; tr. 64]. Phu xe dùng sái thuốc phiện để có sức kéo, kéo xe để có tiền dùng sái thuốc phiện… Giữa cái vòng luẩn quẩn ấy, người phu xe chỉ còn nước…chết non.

Nếu chỉ cực nhọc mà kiếm được tiền, dù là vài ba hào ít ỏi thì cũng đã là may đối với những phu xe. Kiếp cu-li còn gặp nhiều tình huống éo le ứa nước mắt hơn nữa. Đó là những cuốc “xe xoay” (xe chạy xoay quanh để xoay tiền), “xe măng-ca” (xe kéo những thằng chết đường). Anh mang thân “người ngựa” lại kéo phải chị mang kiếp “ngựa người”, đang tìm cách “bắt khách” mà không được thì chỉ còn nước ứa nước mắt mà khóc.

Nỗi cơ cực của những kiếp cu-li xe không chỉ có mồ hôi và nước mắt mà

bát mồ hôi còn pha máu của người. Thời điểm đó, vì cho thuê xe tay mang lại nhiều lợi nhuận nên thuế xe tay cũng tăng cao, gấp 2,5 lần thuế đánh vào lò mổ và chỉ kém tí chút thuế chợ. Cho nên, phu xe thuê xe để kéo sẽ phải chịu khoản thuế nộp rất cao cho nhà xe, có khi số tiền kéo không đủ nộp thuế. Phu xe thiếu thuế sẽ phải nhận một trận đòn “thừa sống thiếu chết” từ những tên cai xe thiếu tình người. Có anh phu xe thiếu thuế 2 hào mà bị đánh đập đến nỗi phải gục xuống, “máu ở lỗ mũi ồng ộc đổ ra như hai vòi nước, đọng thành vũng trên sàn gạch”[45; tr. 29]. Còn Tư S vì thiếu thuế, phản kháng lại cai xe mà bị một trận đòn hội chợ ở nhà cai Đ.“Giam tôi vào một gian buồng hẹp, trói ghì cánh khuỷu tôi lại, bốn thằng nó chuyền tay nhau đấm đá. Đá chán, chúng nó thay lượt nhau túm tóc lật ngửa mặt tôi lên mà vả, rồi lại buộc thừng vào chỗ trói cánh khuỷu, mà giật tôi lên xà nhà” [45; tr. 55] đến nỗi khi được thả ra chỉ còn là “một bộ xương rũ với một đống rẻ rách”, ốm mất 12 ngày và gia đình khánh kiệt vì thuốc thang.

Văn học Việt Nam mấy chục năm đầu thế kỉ XX có nhiều tác phẩm viết về đời sống của những người dân nghèo – những con người ở đáy cùng xã hội như các tác phẩm của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… Họ đa phần là nông dân bị dồn vào con đường cùng không lối thoát. Từ góc độ lịch sử, xã hội, ta biết rằng, chính một bộ phận những con người bần cùng ở nông thôn này đã tìm ra đô thị, đi theo sự vẫy gọi của ánh sáng kinh thành những mong gặp vận may để thay đổi cuộc đời. Nhưng họ biết đâu lại phải“chết đói một lần thứ hai” khi hoặc là thất nghiệp, hoặc phải làm phu kéo xe, người đi ở…với những cơ cực trăm bề, vật chất thiếu thốn mà thân xác bị hành hạ.

Những ngón nghề và sự tha hóa của phu kéo xe

Khi Tam Lang khoác lên mình bộ quần áo xanh cũ để làm phu xe, để điều tra về cuộc sống của một hạng người thấp bé trong xã hội đô thị thì việc được gặp gỡ, làm thân với anh Tư S là một điều may mắn đối với tác giả. Vì Tư S là một phu xe lành nghề, là một kho tư liệu sống về không chỉ những vất vả, khổ cực của nghề làm cu-li xe kéo mà còn đầy ắp những “ngón nghề” – những kinh nghiệm mà anh đã tự đúc rút ra sau 12 năm lăn lộn để kiếm sống. Bên hến thuốc phiện, anh Tư S không giấu giếm mà truyền lại một cách chân thành những “kĩ thuật hành nghề” phu xe như bài thuốc giảm đau nhức cơ bắp, cách kéo xe sao cho đỡ mệt và đặc biệt là bí kíp“kéo xe cũng phải biết đến cả bụng của người ngồi xe”, chân chạy nhưng cái đầu phải nghĩ, phải biết bụng của khách, biết ý của khách thì xin thêm một đồng hào không lấy gì làm khó. Hãy nghe kinh nghiệm của anh Tư S: “Kéo ông già thì phải ếp cho nhiều, chạy cho chậm; kéo ông Tây, phải chạy cho khỏe, tối, có chậm thắp đèn cũng đừng sợ; kéo tiểu thư công tử thì phải chạy cho ngênh ngang… Nghĩa là cứ tùy mặt khách mà làm…”[45; tr. 44, 45]

Mỗi nghề đều có những “bí kíp” riêng và nghề làm phu kéo xe cũng vậy. Những ngón nghề ấy là một thứ phương thức hữu hiệu giúp họ có thể tồn tại với cái nghề cực nhọc này. Tuy nhiên, không phải phu xe nào cũng được sống

yên thân với cái nghề dưới đáy ấy. Phóng sự Tôi kéo xe của nhà văn Tam Lang còn phản ánh một thực trạng nữa, đó là: sự bất công của xã hội cùng sự bóc lột giữa người với người đã khiến con người bị tha hóa; là đạo đức bị đồng tiền đạp đổ. Tư S là một minh chứng điển hình. Từ con trai của một thầy đồ, Tư S bị người khác hãm hại mà nhà cửa tan nát, chịu cảnh tù tội, ra tù phải làm phu xe kiếm sống. Tuy làm việc cực khổ, anh vẫn sống trong sạch, đàng hoàng, nhưng chỉ vì dám kháng cự lại bọn cai xe tàn nhẫn mà anh bị chúng đánh đập, hành hạ dã man đến nỗi suýt bỏ mạng. Sau trận đó, anh biến thành một người khác: vừa làm phu xe, vừa làm ma cô chăn dắt gái, ăn chơi, nghiện ngập, lừa đảo… Xót xa thay khi nghe lời tâm sự của Tư S: “Thế là những việc trước kia tôi cho là khốn nạn, tôi đã dúng tay làm cả. Làm mà không hối hận. Mà hối hận cũng không có nghĩa gì”. [45; tr. 57] Anh Tư S trở thành một “con cáo áo xanh”, trước mắt chỉ trông thấy một vật, là tiền, “ngoài đồng tiền, không còn có cái gì hơn. Nhân, đức, lễ nghĩa… vứt đi, vứt đi hết”[45; tr. 57]. Anh thông thạo đủ các mánh khóe của một ma cô nhà nghề, không chỉ “láu” mà còn

“bịp”, đứa thì lừa giắt dụ dỗ, đứa thì dọa nạt, đứa lại “khấu bộp”, đứa phải

“thuốc”… Những “thuật ngữ nhà nghề” của một tay ma cô già đời được nói ra từ miệng anh Tư S một cách thông thạo, trôi chảy và không chút ngượng miệng. Một con người từng đau khổ vì bị vu oan bắt bỏ tù, từng cảm thấy xấu hổ khi chỉ vì ba bát cơm hẩm với mấy ngọn rau muống không đáng năm xu mà người ta chửi bới đến tổ tiên nhà mình thì nay “nghiện thuốc phiện… ăn nói đểu cáng, vạch quần đứng đái vào chân ngay giữa phố không thẹn, vừa chạy xe ngoài đường vừa đánh trung tiện không ngượng…”[45; tr. 56]. Một con người từng được học chữ thánh hiền và đề cao nhân nghĩa thì nay quan niệm

“Đời bây giờ chỉ có tiền, trinh tiết mà làm gì, nhân nghĩa mà làm gì, tiền! Chỉ có tiền là hơn cả” [45; tr. 61]. Thế mới hay rằng, sự bóc lột tàn nhẫn giữa người với người không chỉ làm kiệt quệ sức khỏe của một con người, đẩy họ vào ngõ cụt mà còn làm xói mòn cả nhân cách của họ, đẩy họ thêm một bước, đến cái chỗ không còn được là con người theo đúng nghĩa.

Đề xuất của Tam Lang

Thấu hiểu nỗi khổ nhục của phu kéo xe cũng như sự tha hóa nhân cách của một bộ phận những con người làm cái nghề “người kéo người”, Tam Lang đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh xã hội và đưa ra lời đề xuất bỏ hẳn xe kéo, thay thế dần loại xe kéo người thành xe đạp người, bởi lẽ “người đạp xe cho người, coi nó lịch sự mà có vẻ nhân đạo hơn, vì người đạp cũng được ngồi, không phải co hai chân, cắm cổ cắm đầu mà chạy” [45; tr. 68]. Ông cho rằng, cái nghề người ngựa này “có nhục đến quốc thể” nên phải “giết chết nó đi mà phải giết ngay vì nó sống ngày nào còn để nhục cho mình ngày ấy” [45; tr. 69]. Loại xe đạp người mà Tam Lang đề xuất chính là chiếc xe xích lô như bây giờ và ước nguyện của ông đã thành hiện thực khi hơn 10 năm sau, ở Hà Nội đã không còn một chiếc xe kéo nào. Phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang đã góp phần làm thay đổi một phần xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Cuộc đời, số phận, phẩm chất của tầng lớp phu kéo xe đã được nhà báo Tam Lang điều tra và thể hiện chân thực, đậm nét trên trang giấy. Thiên phóng sự của ông vì thế không chỉ làm xúc động người đọc mà còn tác động đến cá nhà quản lí, nhà xã hội học đương thời.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w