Bút pháp tả chân khi miêu tả con người.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 89 - 94)

b. Cô đầu, gái nhảy, gái nhà săm

3.2.1. Bút pháp tả chân khi miêu tả con người.

Ở bất cứ thể loại văn học nào, con người luôn là “tâm điểm”. Với phóng sự, con người là “hạt nhân phản ánh” và với đặc trưng không chấp nhận hư cấu của phóng sự thì con người ở đủ mọi giai cấp, tầng lớp khác nhau được miêu tả một cách chân thực nhất, từ ngoại hình đến hành động, suy nghĩ và xúc cảm.

Ngoại hình là vẻ bên ngoài của con người, là yếu tố đầu tiên tác động đến giác quan của người quan sát. Với chức năng phản ánh hiện thực, để thể hiện một cách “thật” nhất đời sống của các giai cấp, tầng lớp con người trong

xã hội, ống kính phóng sự của các nhà báo đã lia nhanh và ghi lại những đặc điểm ngoại hình của từng lớp người, từng con người cụ thể. Những kiếp người lầm than, cơ cực là một “nỗi đau” của xã hội, khiến các nhà văn, nhà nhân đạo hết mực quan tâm. Họ thảm hại, khổ sở ngay từ ngoại hình và mỗi người một cách. Khi miêu tả ngoại hình của những con người nghèo khổ, các nhà phóng sự không chỉ ghi lại chân thực sự thảm hại, tàn tạ của họ mà còn giáp tiếp thể hiện thái độ xót thương cho những kiếp bần hàn dưới đáy xã hội. Phu kéo xe – một bộ phận dân nghèo thành thị mà điển hình là anh Tư S được nhà văn miêu tả có ngoại hình tiêu biểu cho vóc dáng của những kiếp cu-li kéo xe nhọc nhằn và nghiện ngập: “Anh ta chừng 40 tuổi, xanh và gầy. Hai mắt chũng sâu, hai cánh tay như ống sậy. Mảnh quần nâu vén lên quá gối, để phô ra hai cẳng chân cũng chẳng béo gì hơn hai cánh tay” [45; tr. 32]. Còn những con sen, thằng quýt thì “người ngợm và quần áo đã đủ tiêu biểu cho bao nhiêu nỗi thống khổ của loài người, từ khi cuộc đời là cuộc đời” [47; tr. 753]. Hình ảnh những người dân nghèo ngoại ô được nhà văn Nguyễn Đình Lạp miêu tả thảm hại một cách chân thực. Bác Vuông là “một người đàn ông chạc băm nhăm, băm sáu tuổi…bận cái áo cánh nâu và cái quần cùng một thứ vải nhưng mầu bạc hơn một chút” [45; tr. 347]. Sau những sóng gió dập vùi cứ ào ạt kéo đến với gia đình, bác Vuông “ngày càng xanh và gầy” [45; tr. 476], suy nhược cả về xác thịt lẫn tinh thần.

Vũ Trọng Phụng dường như có “duyên” phản ánh những hiện tượng “bất thường” trong xã hội loài người, bởi ông vua phóng sự này ưa sục sạo vào mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống để khám phá, điều tra những điều người ta không phơi bày ra. Gái mãi dâm dưới ngòi bút tả chân của Vũ Trọng Phụng có ngoại hình đáng để người ta phải ngán ngẩm: “Có những cô ả mặt mũi khô héo với những quần áo tươi tốt…Lại có thị vận cả măng-tô rất hợp thời trang. Những cái môi tô son hình quả tim, những cái mi mắt quầng đen…trên những cái mặt hoặc béo hoặc gầy” [47; tr. 811]. Thị Lành, một gái mãi dâm được tả không chỉ vừa già vừa xấu mà “còn đáng ghê tởm đến buồn nôn lên nữa”với

“hai cái má bánh đúc…cặp môi giầy…hai mắt nhỏ tí…có một cái bụng và hai bắp đùi có thể đựng lọt một người đàn ông…” [47; tr. 849]. Còn những me Tây thì “xấu như bà Ách kể cũng đã là xấu” [47; tr. 698]. Các “cô thợ trẻ” mới vào nghề thì không chỉ xấu mà còn vụng về. Duyên vốn là cô gái quê “một tháng chưa tắm, rận chấy lúc nào cũng như sung” [47; tr. 693], sau khi được bà cô dạy

“đánh phấn, bôi môi, kẻ lông mày” [47; tr. 695] thì cái mặt cũng không có nổi vài nét…me, cũng “quần trắng…áo len xanh, đôi bít tất hoa đào…răng trắng cẩn thận” nhưng nhìn vẫn “quê kệch” [47; tr. 692]. Trong Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng đã làm sống dậy hình ảnh một tên trùm bạc bịp với những nét “không bịp” chút nào để chứng tỏ cho cái tài biến hóa khôn lường của hắn:

“ông ta người trông đẫy đà, bệ vệ như một ông hậu hoặc một viên tri châu nào”

[47; tr. 580]. Ông Ấm B – vị quân sư của làng bịp ấy có cái tài hễ giao thiệp với hạng nào thì sẽ có lối ăn mặc và nói chuyện của hạng ấy, để không bị “lộ tẩy”, nên ông cứ “ngã vào đâu cũng có thể “rựt” nổi trăm bạc”. Ngòi bút tả chân khi miêu tả ngoại hình nhân vât của nhà văn họ Vũ thực vô cùng sắc sảo và chân thực, bởi ông muốn tác phẩm của mình phải là “sự thực ở đời”.

Với những tầng lớp trên của xã hội, nhất là những quan lại, ông chủ, bà chủ thì bút pháp tả chân được vận dụng kết hợp với lối nói mỉa mai, châm biếm. Tác giả không chỉ phác họa bức chân dung những con người lắm tiền nhiều của mà còn ngòi bút miêu tả chân thực vẫn thấp thoáng thái độ đả kích, phán, thể hiện rõ quan điểm hiện thực khi nhìn nhận các vấn đề xã hội. Cho nên, ngôn ngữ tả chân khi miêu tả tầng lớp thượng lưu của các nhà phóng sự ít nhiều có lối nói quá, cường điệu: Quan Hàn đã có đủ sâm nhung mà tẩm bổ

“cho người thêm phì nộn”, có “bộ râu “ghi đông” uốn theo kiểu Hoa Kỳ, chiếc áo gấm lam thất thể, đôi giày ban bóng loáng” [45; tr. 192] tăng thêm cái vẻ bệ vệ; ông Hường Lồ dù đã gần 60 nhưng vẫn còn “thắm thịt đỏ da”, cái đầu huê râm đã húi trọc và nhất là bộ mặt “vuông chữ “điền” còn bụ bẫm như mặt một đứa trẻ thơ” [45; tr. 190]. Các cô chủ, bà chủ, phụ nữ tân thời thì dù ăn mặc sang trọng, hiện đại nhưng vẫn còn những nét “quê kệch”, vụng về chưa dứt bỏ

được. Ngoại hình đôi khi còn thể hiện rõ sự độc ác, tàn nhẫn của họ. Mụ chủ cho thuê xe trong Tôi kéo xe được miêu tả là một “người to lớn”, lại đang “cởi trần”, “dưới mảnh yếm rộng không hơn chiếc mù soa, thỗn thện cặp vú sọ dừa to như hai chiếc ấm giỏ” [45; tr. 28]. Còn tên cai xe thì “soạc rộng cái mồm đầy hai hàm răng cáu bựa như những múi na” [45; tr. 18]. Lối tả thực này hàm ẩn cả thái độ châm biếm, đả kích sâu cay những tên chủ tham lam, độc ác, những tên cai tàn nhẫn, vô lương tâm trước nỗi thống khổ của người dân lao động nghèo.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã đạt đến trình độ cao trong việc miêu tả hành động, suy nghĩ và nhất là tâm trạng của con người. Phóng sự chủ yếu hướng tới phản ánh nhân vật gắn liền với những sự kiện nhưng bên cạnh các chi tiết về hành động thì các đặc điểm về suy nghĩ, tâm trạng con người cũng được thể hiện một cách chân thực. Cử chỉ, suy nghĩ, cảm xúc của những người lao động nghèo được các nhà văn tái hiện có gì đó khổ sở, đáng thương, tội nghiệp nhưng không phải lúc nào nhà văn cũng tỏ sự đồng tình. Trong một căn nhà thấp, tối, anh Tư S “ngồi lên, đưa hai đầu gối lên khỏi mang tai, tháo cái lọ ở chiếc xe ra, phanh ngực, vén tay áo lên đến vai, nạo sái” [45; tr. 33]. Anh đã từng xấu hổ, nhục nhã khi “sa cơ lỡ vận” nhưng sự đời bất công đã khiến anh trước mắt chỉ có một vật là …tiền. “Ngoài đồng tiền, không còn có cái gì hơn. Nhân, đức, lễ, nghĩa…vứt đi, vứt đi hết” [45; tr. 57]. Hạng cơm thầy cơm cô thì có những cử chỉ “rất quê” của những con người “không sinh ra ở chốn đế đô”: “anh chàng đầu trọc…thì ngửa cổ hề hề cười như một chú Khách lòi rốn... Thằng bé con ho lao hết ho sù sụ như ông cụ. Bà lão già cũng ngây người ra như một pho tượng sống… Đứa đã dậy rồi lấy chân đạp vào mạng mỡ để đánh thức đứa khác còn ngủ say…hai con sen kia cùng đứng phắt lên” [47; tr. 757]. Họ chỉ mong muốn được vào làm cho một gia đình tử tế nhưng họ cũng sẽ nói xấu chủ nhà như điên khi bị chủ bóc lột, đối xử thậm tệ. Thậm chí, họ sẽ nghĩ cách báo thù. Con sen Đũi từng đau khổ và sợ sệt khi bị mụ chủ giữ chân tay, nhét giẻ vào mồm cho một thằng oẳn ra

sức mà “hiếp”. Nó cũng từng nhục nhã khi bị mụ chủ thứ hai đánh đập và chửi rủa. Cho nên, cái Đũi có suy nghĩ sẽ “báo thù” cho hả dạ và muốn được làm cô đầu để có cơ hội lên làm bà Phán, bà Ký, để “chúng nó phải mê tôi, yêu tôi, bắt nhân tình với tôi, chiều chuộng tôi kia” [47; tr. 751]. Trong khi những dân nghèo ngoại ô khổ sở, điêu đứng trước sự ngăn cấm, bắt bớ của quan trên, bác Vuông chỉ còn biết nằm trong cái chiếu “mà nuốt những nỗi hậm hực, những tiếng thở dài, tha hồ mà uống những giọt lệ âm thầm ứa ra hai khóe mắt sâu hoắm, quầng đen” [45; tr. 472] thì những thanh niên trụy lạc chỉ nghĩ sao để tổ chức một cuộc vui cho hoành tráng, không cần biết đến ngày mai, chỉ có vui, say, hoan lạc là đáng để ngợi ca, tung hô, ái tình, tình nghĩa trở nên xa xỉ và dường như không tồn tại. Những me Tây thì chỉ biết có tiền“Chứ không ư? Việc gì mà lại chẳng vì tiền?” [47; tr. 705] , mọi suy nghĩ của họ cũng chỉ là làm sao để nhanh kiếm xu, ái tình mùi mẫn chỉ là một cách để những ông chồng Tây phải xì tiền ra mà thôi. Họ cũng tự thấy “hạng đàn bà chúng tôi là hạng bỏ đi, xã hội không cần kể đến nữa”. Những gái mãi dâm thì hiếm thấy ai biết đau khổ khi phải bán thân xác hàng đêm. Đã đăng thân làm nghề này thì với họ cầm giấy hay không cũng chẳng can hệ gì, dẫu chưa cầm giấy thì họ“cũng đã sẵn có cái linh hồn của gái thanh lâu rồi”. Cũng như thế, những tay cờ bạc bịp có khi nào viết thương kẻ nạn nhân? Vì tiền, họ sẵn sàng lừa lọc, sát phạt nhau, đến người thân cũng không tha, bởi lẽ “mình không xơi thì cũng đến lượt chán vạn thằng khác chúng nó xơi” [47; tr. 590]. Một xã hội mà quan lại, lính lệ chỉ nghĩ cách để tham nhũng, bóc lột kẻ dưới quyền và người dân lao động (Một huyện ăn Tết), những tay cờ bạc thì dàn trận để săn mòng, thanh niên thì ăn chơi trụy lạc, phụ nữ thì làm đĩ để kiếm tiền, người lao động nghèo thì cơ cực quá mà tha hóa, biến chất… Đó thực là một xã hội “khốn nạn” và “chó đểu”. Ngoại hình, suy nghĩ, hành động của họ làm nên một bức tranh chân thực, đầy xót thương, trăn trở mà cũng đầy uất ức về hiện thực xã hội Việt Nam đương thời. Các biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ được sử dụng để miêu tả ngoại hình, suy nghĩ, hành động của nhân vật không chỉ nhằm mục đích phản

ánh hiện thực, phản ánh – thông tin cụ thể, chính xác mà còn nhằm mục đích tác động đến thái độ, cảm xúc của người đọc, xây dựng nhân vật có tính chất điển hình tiêu biểu cho một lớp người trong xã hội. Đây chính là yếu tố tiểu thuyết trong mỗi tác phẩm phóng sự văn học giai đoạn 1932 – 1945.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 89 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w