Thanh niên trụy lạc

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 67 - 72)

b. Cô đầu, gái nhảy, gái nhà săm

2.1.2.5. Thanh niên trụy lạc

Công cuộc khai hóa, những chính sách cai trị của Pháp đã mang theo luồng tư tưởng văn hóa Tây phương, giữa lúc văn hóa Hán học với những luật

lệ, phép tắc trói buộc con người đã mất dần vị trí. Tư tưởng giải phóng con người cá nhân, đề cao lối sống tự do, phóng túng đã tác động mạnh mẽ đến lối sống của con người Việt Nam đương thời, đặc biệt là các thanh niên đô thị, bởi đó là bộ phận cấp tiến nhất, dễ tiếp thu và thay đổi theo cái mới nhất.

Phóng sự Thanh niên trụy lạc của Nguyễn Đình Lạp đã điều tra, phản ánh tư tưởng, lối sống của thanh niên Hà Thành những năm 30 của thế kỉ XX. Đặt trong bối cảnh, phía trước là là luồng gió Âu Tây đang ào ạt thổi với đầy sức mê hoặc, quyến rũ bởi sự mới lạ, hấp dẫn, phía sau lại không có sợi dây nào trói buộc, bởi hàng rào lễ giáo phong kiến hà khắc đã lung lay, phía trên lại không có ai cầm cương dẫn lối chỉ đường, thành ra, thanh niên Hà Thành lúc bấy giờ như con ngựa bất kham, hăng máu một cách vô phương hướng. Họ sa vào ăn chơi trụy lạc, đàng điếm, hút sách, cờ bạc… trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội.

Họ là những ai? Trong thiên phóng sự Thanh niên trụy lạc, nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã liệt kê và phân nhóm đủ mặt các bộ phận thanh niên Hà Thành. Theo đó, thanh niên Hà Nội chia ra thành 4 phái rõ rệt: viên chức nhà nước, buôn bán, học sinh và bọn vô nghề nghiệp chỉ ăn bám vào gia đình và những cặn bã bị xa thải ở 3 phái trên. Trong đó, phái thứ tư là bọn ăn chơi bạt mạng nhất, vì không phải chịu bất cứ một sự kiềm tỏa nào, cũng không có gì phải lo lắng về chiếc ghế ngồi sẽ bị mất hay miếng cơm manh áo cho gia đình. Phái thứ tư “là những con ngựa lỏng cương phi nước đại, họ chỉ biết vung tay mua tìm khoái lạc mà không cần nghĩ tới ngày mai” [45; tr. 211].

Thanh niên Hà Nội nướng ngày tháng, tìm thú vui trong các nhà cô đầu, nhà săm, tiệm hút, tiệm nhảy, sòng bạc. Với họ, đó mới là thiên đường. Mỗi khi Hà Nội lên đèn là họ lại từ các nhà hoặc chật hẹp hoặc lộng lẫy bước ra, với bộ quần áo bóng mượt, gọn gàng nhưng “một ý nghĩ bẩn thỉu trong óc”

“một cảm giác sôi nổi trong da thịt” [45; tr. 208]. Họ có thể đã hẹn hò từ trước hoặc chẳng cần hẹn hò gì thì cũng vẫn có thể gặp nhau ở một trong các địa

điểm mà họ lui tới. Họ đến hoặc nhà cô đầu, hoặc tiệm nhảy, tiệm hút, sòng bạc, hoặc cũng có thể là tất cả những loại nhà đó trong một đêm, vì cuộc chơi của họ không bao giờ dừng ở “tăng 1” mà có thể là “tăng 2”, “tăng 3”. Họ ăn chơi, đập phá suốt đêm mà không biết chán, không biết mệt. Trong tiệm nhảy, họ sẽ quấn rít lấy các cô gái nhảy mà say sưa theo điệu nhạc, mặc cho vũ nữ ốm yếu có thể phải khạc ra máu. Họ trao hết cả linh hồn và trí não vào những “giọt” âm nhạc thánh thót. Trong cơn say sưa, họ quên hết tất cả, chỉ nghĩ làm thế nào mua cho đời mình thật nhiều phút vui. Trên chiếu rượu, họ và các cô đầu say sưa chúc rượu rồi phạt rượu nhau. Chỉ với họ thì mới có những khái niệm như “rượu quay thìa”, “rượu thuận”, “rượu nghịch”, “rượu Ngũ Phúc”, “rượu riêm”. Họ tìm mọi dạng thức khác nhau để cuộc rượu được vui, được kéo dài để say sưa và thỏa mãn. Trong những cuộc vui, họ khoe với nhau thành quả của mình trong việc “thó” tiền cuả bà mẫu được hơn “tam bách”. Họ cho đó là ăn cắp cừ khôi, ăn cắp một lối lịch sự, rồi cả bọn lại tung hô: “Ăn cắp vạn tuế”. Trong suốt mấy tiếng đồng hồ, “họ ăn rất ít. Họ uống nhiều. Họ cười ròn rã. Họ kêu hò inh ỏi. Họ bấu, véo nhau. Họ hôn nhau chùn chụt. Họ bắt bẻ nhau. Và sỏ siên nhau. Và văng tục. Và chửi rủa luôn mồm” [45; tr. 221]. Họ tạo nên một cảnh tượng hỗn độn, ồn ào như cướp chợ. Những cảnh tượng thác loạn, hoan lạc một cách đồi bại của thanh niên khiến tác giả phải ghê người.

Nếu nhóm này đang tìm say sưa trong hát, nhạc hay rượu chè, hoan lạc thì sẽ có nhóm khác đang thiêu mình trên sòng bạc. Trên chiếu bạc, họ hăng máu “sấp”, “ngửa”, “rút”, “bất”, thiêu đốt đến đồng xu cuối cùng, càng muốn gỡ lại càng thua nặng, có kẻ đi đến chỗ cay cú mà cướp sòng bạc. Trước khi đến với cái cướp này thị họ đều đã ăn cướp một cách ngang nhiên và trắng trợn ở nhà mình. Câu chuyện của một thanh niên tên Thanh mà tác giả ghi lại được đáng để người đọc suy ngẫm. Ham mê cờ bạc, hát xướng đã khiến Thanh tiêu hết tiền, vay nợ tứ tung, khiến chủ nợ cứ về đòi mẹ của Thanh là một bà cụ già. Cụ phải cắn răng bán mẫu ruộng của nhà đi để trả nợ, nhưng chưa kịp cầm

trên tay thì Thanh đã vội mang đi “gỡ” bạc nhưng chỉ ngay tối hôm ấy thì Thanh đã không có lấy một xu để ăn cơm. Lại có kẻ tên Trọng đam mê cờ bạc đến mức mẹ đẻ đang cơn hấp hối cũng bỏ mặc. Khi ván bài của hắn kết thúc thì cũng là lúc mẹ hắn đã qua đời. Minh – một thanh niên ăn chơi ở đất Hà Thành, bỏ mặc vợ con để lăn vào các cuộc vui. “Có đồng nào là nghĩ ngay đến “tổ chức” rồi. Chưa đủ thì cố xoay xở thằng này thằng nọ, vá chằng vá đụp cho thành một đêm oanh liệt mới nghe, mặc dầu thằng bé khóc, chớ, sài, đẹn”

[45; tr. 285]. Với họ, ăn chơi là lẽ sống ở đời, ngoài chuyện ăn chơi, không có gì đáng quan tâm hết.

Lối sống sa đọa, trụy lạc tất yếu dẫn đến hậu quả. Minh là một trong những nhân chứng cho cái hậu quả ấy. Ăn chơi, đàng điếm, hút sách khiến Minh rước bệnh vào người. Bệnh rề rề liền sáu tháng mà không có tiền chữa, đến mức đái ra máu, “chân hắn run run và ngã vật ra thềm. Hắn ngất đi” [45; tr. 286]. Khi tỉnh dậy thì hắn lại “ôm bụng kêu đau, vật vã chân tay, lăn lộn trên giường. Rồi kêu. Rồi rên. Rồi thở. Rồi khóc” [45; tr. 286]. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã cố sức vận dụng tối đa sức biểu đạt của ngôn ngữ để tả cho được cái sự đau khổ của một nạn nhân của Dâm Thần, rồi chẳng bao lâu sẽ là nạn nhân của Tử thần. Tuy nhiên, theo lời của Kính và “giáo sư nhảy đầm”

thì còn nhiều đứa nặng hơn thế, “giặn hàng giờ mới bật ra được vài cái “bong bóng cá” hoặc một cục kén to bằng hạt ngô” [45; tr. 286]. Điều khến nhà văn trăn trở nữa là chứng kiến sự đau khổ của Minh, hai người bạn của hắn vẫn thản nhiên. “Yêu? Thương? Ghét? Không ráo” [45; tr. 286]. Tại sao vậy? Vì bầu tình cảm của họ đã nguội lạnh thì còn rung động làm sao được? Như con thiêu thân lao mình vào lửa, đám thanh niên trụy lạc đã thiêu rụi cả thân xác lẫn linh hồn trong những cuộc vui hoan lạc, bên bàn đèn thuốc phiện, trên chiếu rượu hay sòng bạc.

Với thanh niên trụy lạc tìm vui say trong những cuộc hoan lạc thì hai chữ “ái tình” là xa xỉ. Tình yêu với họ thực tế không tồn tại, chỉ là để thỏa mãn

dục vọng tầm thường. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã điều tra để rồi tổng kết về cái quan niệm của thanh niên Hà Nội về tình yêu một cách đầy chua chát. Theo đó, quan niệm của thanh niên về ái tình có thể chia thành 4 phái khác nhau: “Không có ái tình, hoàn toàn chỉ là để thỏa mãn dục vọng đê hèn, chơi xong thì đạp đổ… Tình yêu gây ra bởi tính tự phụ;… Tình yêu gây ra bởi tình thương;…Hoàn toàn ái tình” [45; tr. 275, 276]. Nhà văn ước lượng một vài con số cụ thể để người đọc dễ hình dung. Trong 100 người thì có một người biết yêu, còn 99 người thuộc về ba hạng còn lại, trong đó, “90 người mê vì vật dục, 6 người yêu vì tính tự phụ, 3 người yêu vì tình thương” [45; tr. 277]. Đó không chỉ là một vấn đề nhức nhối của xã hội, đó còn là một “vết thương sâu” đau đớn của loài người, khi con người đối với nhau không hề có tình yêu, tình thương, chỉ là hoan lạc, thỏa mãn nhục dục tầm thường.

Lối sống của thanh niên Hà Thành những năm 30 của thế kỉ XX được phản ánh trong phóng sự Thanh niên trụy lạc của Nguyễn Đình Lạp có thể ví như một “cái nhọt đầy máu mủ” mà bên trong là máu “óc cá” đầy ghê tởm. Nó cũng rất dễ lây lan, như giọt phẩm tím trong cốc nước, có thể nhanh chóng biến một cậu học trò ngây thơ thành một tay chơi biết tham gia “tổ chức”, biết nói tiếng lóng, văng lời nói tục tằn, biết “bộp mụ chủ nhà xăm, đánh đập gái giang hồ, chửi rủa thằng bồi. Mà lường gạt, mà ức hiếp, mà tai ác một cách tàn nhẫn, thiểm độc vô cùng” [45; tr. 252]. Cuộc đời người thanh niên như một chai rượu mạnh, “chỉ đánh đốp một cái là nút bật lên, rượu tóe ra ngoài. Cái vỏ chai dù đẹp đẽ đến đâu nếu không bị vứt ở xó đường thì cũng dùng để đựng mắm, đựng muối” [45; tr. 214]. Đó là những cuộc đời vị vứt bỏ.

Mỗi trang trong phóng sự Thanh niên trụy lạc của nhà văn Nguyễn Đình Lạp là một thực tế đầy nhức nhối về sự tha hóa của thanh niên Hà Thành bấy giờ, rung lên hồi chuông cảnh báo đối với xã hội về sự bệ rạc cả về thể chất lẫn tinh thần, sự tàn tạ cả về thể xác lẫn linh hồn của một bộ phận người trong xã hội, tiếc thay khi đó lại là bộ phận người cấp tiến nhất mà xã hội đã trông mong .

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w