CHƯƠNG 2: CÁC TẦNG LỚP CON NGƯỜI TRONG PHÓNG SỰ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1932 –

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 35 - 36)

VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1932 – 1945

Sự thay đổi về điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX đã dẫn đến sự xuất hiện những tầng lớp xã hội mới, ngoài nông dân và địa chủ còn có công nhân, tư sản, tiểu tư sản. Ở đô thị, bộ phận dân nghèo thành thị xuất hiện như phu kéo xe, người đi ở, người buôn bán nhỏ ở ngoại ô; những con người bán thân nuôi miệng như gái mãi dâm, gái nhảy, gái nhà săm, nhà thổ, cô đầu… Họ là nạn nhân của hoàn cảnh, chịu kiếp sống bị đày ải, khổ cực nhưng chính họ cũng tha hóa theo hoàn cảnh. Công cuộc kết hợp giữa Tây và Ta còn dẫn đến sự xuất hiện của lớp người me Tây. Họ xem việc lấy chồng Tây là một nghề để kiếm sống và có đủ những ngón nghề chuyên nghiệp. Sự khủng hoảng kinh tế xã hội dẫn đến sự xuất hiện và gia tăng những tệ nạn xã hội như nạn cờ bạc, nghiện hút, mãi dâm, trộm cắp… Kéo theo đó là sự xuất hiện những lớp người sống bằng nghề lừa lọc để kiếm tiền như những tay cờ bạc bịp, dân làng chạy (kẻ trộm cắp), ma cô dắt gái, bồi săm….và những lớp người sa ngã vào tệ nạn đó như học sinh, viên chức, người buôn bán…mà nhà văn Nguyễn Đình Lạp gọi chung bằng cái tên “Thanh niên trụy lạc”. Đó là những con người đã bị tha hóa trước sức mạnh của đồng tiền, bởi sự cám dỗ của những tệ nạn xã hội. Ở tầng lớp trên của xã hội, ngoài quan lại còn xuất hiện tầng lớp ông chủ, phụ nữ tân thời (vợ, con của những ông chủ, ông quan). Sự thừa thãi về vật chất, gặp luồng gió văn hóa mới đã khiến những con người này trở thành những thành viên tích cực của phong trào Âu hóa. Tuy nhiên, sự Âu hóa rởm hợm, lai căng cùng với thói trưởng giả học làm sang đã khiến họ trở thành đối tượng châm biếm của các nhà phóng sự.

Ở nông thôn, đời sống của người nông dân vô cùng cực khổ, nghèo đói. Sự hống hách của cường hào, lí dịch cùng những hủ tục lạc hậu, nặng nề ở làng xã đã khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, làm lụng vất vả cả đời mà không khá lên được. Dù hàng rào Nho giáo còn khá kiên cố ở nông thôn nhưng những luồng tư tưởng,

văn hóa phương Tây cũng đã dần xâm nhập, làm đảo lộn, thay đổi lối sống của những con người sau lũy tre làng.

Sự đa dạng các tầng lớp con người mới – cũ trong một bối cảnh xã hội Tây – Ta lẫn lộn, mưa Âu gió Mỹ xâm nhập mà nền tảng cương thường của Nho giáo đã lung lay tạo nên một bức tranh đa diện, phức tạp, nhiều vấn đề nhức nhối về con người nảy sinh. Đời sống vật chất, tinh thần của mỗi tầng lớp, giai cấp đều được thể hiện đậm nét trong các thiên phóng sự giai đoạn này. Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi hướng đến các giai cấp, tầng lớp ở đô thị, được phản ánh trong các phóng sự của nhà văn Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Đình Lạp.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 35 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(113 trang)
w