b. Cô đầu, gái nhảy, gái nhà săm
2.2. Một số tầng lớp trên trong xã hộ
Phóng sự giai đoạn 1932 – 1945 là một bức tranh hiện thực sống động về các tầng lớp con người trong xã hội Việt Nam lúc đương thời. Dẫu không có một tác phẩm nào chỉ viết riêng về những tầng lớp trên trong xã hội, nhưng bóng dáng của các tầng lớp này vẫn luôn xuất hiện trong từng trang phóng sự đầy chất liệu hiện thực của mỗi nhà văn. Đó là những ông quan lớn, những bà đầm, bà chủ thuộc lớp phụ nữ tân thời, những nhà văn, nhà báo thuộc tầng lớp trí thức. Những gương mặt của họ xuất hiện đã làm nổi rõ số phận của những người lao động nghèo và hoàn thiện bức tranh hiện thực xã hội đa dạng, phong phú của cái xã hội Tây – Tàu – Ta lẫn lộn ở Việt Nam những năm 30, 40 đầu thế kỉ XX.
2.4.1. Quan lại
Quan lại là tầng lớp trên trong xã hội, có trong tay đủ cả quyền lực và tiền bạc. Trong các phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp, tầng lớp quan lại được phản ánh chủ yếu là quan Ta, nhưng có lối sống Tây, giàu có nhưng hội tụ đủ những thói hư, tật xấu như Quan Phán Khâm, Quan huyện Gia Lộc, Quan phủ Lập Lễ trong phóng sự Lọng cụt cán, ông quan được giấu tên trong Đĩa mứt gừng, Quan Hàn, Cụ Thừa Hào trong phóng sự
Tập ảnh của nhà văn Nguyễn Đình Lạp. Chúng tôi gồm vào đây cả những ông chủ lắm tiền nhiều của, là những thành viên tích cực của phong trào Âu hóa, hội tụ những thói xấu của một ông chủ tân thời ở đô thị. Đó là, ông Morit…Vồ, ông chủ Mồ, ông Hường Lồ trong Tập ảnh. Những con người này được phản ánh trong các thiên phóng sự ở góc nhìn phê phán, có khi châm biếm, mỉa mai.
Những ông quan Ta dưới thời thuộc Pháp phần nhiều dùng tiền mua quan bán tước, như cụ Thừa Hào, Quan Hàn trong phóng sự Tập ảnh của nguyễn Đình Lạp. Cụ Thừa Hào, gọi là cụ nhưng thực chất mới chỉ hai mươi nhăm tuổi, đã bán đi thửa ruộng của bà mẫu để giật giải, tranh lèo trong cuộc thi thừa phái và cụ đã đỗ ở hạng cao. Quan Hàn thì không phải thuộc dòng dõi nhiều đời làm quan, hay “trâm anh thế phiệt” gì mà một “bố cu”, vẫn thường cùng với “mẹ
đĩ” làm cái công việc “thu thiên hạ chi nhân tâm”[45; tr. 192] mỗi sáng. Vậy mà, một lần gặp vận, “bố cu” ấy đã trở thành Quan Hàn. Rõ ràng, chức quan của các ngài không phải có được do học hành, thi cử mệt nhọc gì.
Có quyền lực trong tay, các quan tìm cách bóc lột, vơ vét tiền của từ nhân dân. Quan Hàn thì cho vay lãi một cách khôn khéo để cướp cả cơ nghiệp của thằng có nợ. Cụ Thừa Hào thì chỉ có một công việc chính là “phải khoét xu thiên hạ”, khoét từ một mụ đàn bà góa có con khai sinh quá hạn đến anh dân muốn xin phép “thịt” một con bò, từ vài ba hào đến dăm ba đồng bạc cụ cũng không từ chối bao giờ. Trong phóng sự Lọng cụt cán, nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã châm biếm mỉa mai Quan Phán Khâm – người giữ việc kiểm bạc tỉnh đã bí mật giở trò quỷ thuật “ăn bẩn” 15 đồng của thầy Lý Đạo Xá. Quan huyện Gia Lộc thì nọc chị Hiền ran sân mà đánh chỉ vì thị không bán thịt rẻ cho lính của quan. Những hành động “bòn rút, vơ vét” trắng trợn, bất công đó chính là cách để kiếm xu, để “túi tham được đầy mãi”, rồi quan lại đi lo lót quan trên để có được chút thế lực, uy quyền. Nhà Quan Hàn hầu như ngày nào cũng có cuộc tiếp tân, từ ông Phó Đoan về bắt rượu lậu ở làng đến ông Tây đi bắn qua làng. “Quan đã cướp từng đồng chinh của bọn áo ôm khố rách để tiệc tùng yến ẩm với những hạng người quan cho là sang”[45; tr. 193]. Những viên quan lại này thực sự là những kẻ “ăn cướp có giấy phép”, chuyên đục khoét và làm hại nhân dân.
Ngoài tầng lớp quan lại, những ông chủ giàu có cũng là đối tượng được phản ánh trong các phóng sự của Nguyễn Đình Lạp, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, đặc biệt là ba tác phẩm Đĩa mứt gừng, Lọng cụt cán, Tập ảnh của Tam Lang. Những ông chủ này giàu có phần nhiều là do bóc lột sức lao động của công nhân, người làm thuê. Ông chủ Mồ, khi còn là một tay cai mộ phu (ông chủ Mộ) đã từng “ăn lần từng hào chỉ về mỗi đầu phu mộ đi Tân thế giới” [45; tr. 188]. Ông Hường Lồ thì bòn rút đến sức lao động cuối cùng của dân cày, nên ông lo lắng, bức xúc khi có nghị định áp dụng tuần lễ làm việc 40 giờ đối với mọi người lao động.
Không chỉ là hành động bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn, các nhà văn với góc nhìn chân thực, sâu sắc đã phản ánh tất thảy những thói hư tật xấu của những ông chủ lắm tiền nhiều của này. Họ là những kẻ háo danh. Ông chủ Mồ khi đã có nhiều tiền, ông tích cực làm từ thiện nhưng không phải vì ông đã “bỏ tà theo chính” mà chỉ vì ông ta muốn tên tuổi của mình thêm danh giá mà thôi. Không chỉ háo danh mà các ông chủ giàu có này còn háo sắc. Ông Hường Lồ đã gần 60 tuổi nhưng còn thắm thịt đỏ da nên đã mua một cô vợ trẻ chỉ đáng tuổi cháu ông để “thỏa lòng dục” và để báo thù những ngày quá khứ ông còn trẻ mà phải nhắm mắt lấy một “bà cụ già”. Những ông chủ đó, từ khi nhiều tiền của thì cũng trở thành thành viên tích cực của phong trào Âu hóa, nhưng là Âu hóa rởm hợm, lố bịch, đánh mất cái “gốc An Nam” của mình. Họ chê bai những gì của An Nam và ngợi ca những gì thuộc về đất Pháp. Ông Morit…Vồ vốn tên là Võ Văn Ba nhưng đổi tên thành Maurice Vo, chỉ quen nói tiếng Tây, uốn tóc quăn, ăn bữa sáng với bánh mì, hộp bơ và tách cà phê. Ông than thở sao mũi mình không được “lõ”, chê người An Nam là “giống ngu dốt” và “khen lấy khen để những thuần phong mỹ tục của dân quê Pháp” [45; tr. 181] – nơi ông chưa từng bước chân đến bao giờ. Có tiền của mà lại có thời gian rảnh, các ông ham mê bài bạc (ông Phán – ông thân sinh ra anh Vân trong Cạm bẫy người) và đua đòi lối trưởng giả học làm sang. Trong phóng sự Cơm thầy cơm cô, qua lời kể của những kẻ đi ở, ta biết đến những ông chủ thuê một thằng nhỏ chỉ để “dắt cho đi dong chơi ngoài đường”, cho chó ăn toàn những “thịt bò với súp”, bắt đầy tớ tắm rửa cho chó hàng ngày và “lấy giấy bản chùi đít cho chó” [47; tr. 765].
Khi xã hội tồn tại những ông “quan mua” và những ông chủ bòn rút của dân đen để nịnh nọt quan trên, để cờ bạc, để thỏa thú dâm dật thì sẽ còn nhiều người lao động nghèo phải vắt kiệt sức lực mà không đủ miếng cơm manh áo như phu xe, người đi ở, người bán hàng rong hay kẻ bán trôn nuôi miệng. Các thiên phóng sự giai đoạn 1932 – 1945 đã cho người đọc thấy rõ bộ mặt của những quan trên và những ông chủ trong giới thượng lưu của xã hội Việt Nam đương thời với thái độ phê phán, mỉa mai châm biếm.