Những tay cờ bạc bịp

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 63 - 67)

b. Cô đầu, gái nhảy, gái nhà săm

2.1.2.4. Những tay cờ bạc bịp

Xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX là một xã hội mà quan lại thì tham nhũng, đàn bà thì hư hỏng, đàn ông thì dâm bôn, một tụi văn sỹ thì đầu cơ, xảo quyệt…. Góp phần để làm nên cái bộ mặt xã hội “khốn nạn”, “chó

đểu” ấy là những tay cờ gian bạc lận, họp thành một “đảng bịp”. Mấy tháng lăn lộn trong làng bịp, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã được nghe, được tận mắt chứng kiến những ngón nghề cao siêu của dân bịp, những câu chuyện về cuộc đời, số phận của những kẻ cờ gian bạc lận, thu về kho tài liệu vô giá về một nghề trong xã hội Việt Nam bấy giờ: nghề bạc bịp.

Theo sự phản ánh của Vũ Trọng Phụng trong thiên Cạm bẫy người, trong xã hội Việt Nam đương thời, cờ bạc đã không còn là một thú vui tiêu khiển lúc nhàn rỗi của một bộ phận người nữa mà đã trở thành một nghề có tổ chức, có ông trùm với rất nhiều tầng lớp đệ tử. Đứng đầu là ông trùm Ấm B…- quân sự của bạc bịp. Cùng với ông có Cả Ủn – người giữ cái két lớn nhất của làng bịp. Đây cũng là hai người “cầm cân nảy mực” cho đảng bạc bịp ở Hà Thành. Sau những ông trùm này là những đệ tử kề cận như Tham Ngọc, Kỹ Vũ, Ba Mỹ Ký, bồi An, Vân… Sau họ còn rất nhiều tạ là những tay chân được bố trí vào sòng bạc để cản trở hoặc là những tay đi săn mòng cho ông trùm.

Cờ bạc bịp là một nghề, nên những thay thợ lành nghề đã hình thành cho mình“kỹ nghệ bạc bịp”là những ngón đòn, thủ đoạn hiểm độc để lừa lọc trên chiếu bạc. Theo khảo sát của chúng tôi, có đến 29 thủ đoạn đánh bạc được Vũ Trọng Phụng đưa vào phóng sự Cạm bẫy người. Có những thủ đoạn hạ gục

mòng trên chiếu bạc như giác mùi, giác bóng, đòn ve, đòn Vân Nam, trạc xếch…Có những mồi họ đem ra để đe nẹt nhau như mồi quân tử, mồi chí hiếu… Có cả xưởng chế tạo khí giới để chiến binh bắt mòng khi ra trận… Với sự nhạy bén, Vũ Trọng Phụng đã nhanh chóng nắm bắt các thủ đoạn lừa bịp và miêu tả một cách rất có nghề, rất sống động. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi không nhằm mục đích dựng lại bức tranh về các thủ đoạn lừa lọc trong làng bịp mà tập trung hướng đến tìm hiểu cuộc đời, số phận, sự tha hóa của những con người được phản ánh trong phóng sự này của Vũ Trọng Phụng, bao gồm cả những tay thuộc “làng bịp” và những nạn nhân của Thần Đổ Bác.

Khi cờ bạc đã trở thành một nghề thì tiền chính là mục đích hướng đến cuối cùng của những canh bạc. Đồng tiền thể hiện sức mạnh vạn năng của nó trong việc làm cho phẩm chất con người bị tha hóa. Ông trùm Ấm B… có cả một đội ngũ tay chân săn mòng, bắt mòng cho mình. Còn những kẻ dưới quyền ông thì cũng không từ một thủ đoạn nào để đưa con bạc vào tròng, bất kể con bạc có quan hệ thế nào với mình, là người dưng hay người thân cũng vậy. Anh Vân đã biến chính ông thân sinh của mình thành mòng và mời tay bạc anh chị về săn. Thái độ vui mừng của anh Vân lúc chia tiền với Tham Ngọc đã chứng tỏ, với tay cờ bạc, trên chiếu bạc sẽ không có tình nghĩa cha – con. Sức mạnh của đồng tiền đã thổi tình nghĩa dạt một bên. Anh Vân cũng không phải trường hợp hi hữu gì trong làng cờ bạc bịp khi mà “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” là bản chất của những người này. Bồi An là một tay chân của ông Ấm B…, đã biến chú họ thành mồi cho đảng bịp xơi. Vì căm tức ông chú họ mà mặc dù số tiền ba, bốn chục của ông chú là để mua sâm cho con giai ông ấy đang ốm thập tử nhất sinh thì bồi An cũng không tha. Bồi An cầu cứu đến ông Ấm B… cử người đến cản, giở đến ngón đòn cao siêu là đòn Vân Nam để thịt ông cụ - một tay bạc đã khá thạo, đã biết rõ cả lối đánh giác mùi lẫn giác bóng. Trước cái sự ốm thập tử nhất sinh, đang nằm chờ thuốc của cậu em họ ở quê, bồi An tổng kết bằng một câu lạnh lùng: ““Ốm no thì bò dậy” vậy… Thôi, chẳng qua là số nó chết, nó có vô phúc thì mới sinh vào làm con lão ta!...”[47; tr. 592]. Lại có những kẻ lợi dụng cả ái tình để săn mòng. Dung – một cô ả đào là người tình của Vân, là một mẻng mà Vân say mê nên anh này đã tin tưởng tuyệt đối mà không chút đề phòng cô ả. Chính Dung đã dẫn dắt Vân đến canh bạc để Sính đưa vào xiếc, đến nỗi thua ba chục bạc. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã tận mắt chứng kiến những canh bạc lọc lừa đó, “không khỏi thấy trong mình khó chịu, hình như bốc hỏa lên vậy” [47; tr. 593] trước sự tha hóa của con người. Vì tiền, người ta có thể giở đến bất cứ thủ đoạn gì, với bất cứ ai. Tình cha con, chú cháu, tình yêu – những thứ tình cảm thiêng liêng, những tưởng có

thể bền vững trước sóng gió thì lại không có nghĩa lí gì trước sự cám dỗ của đồng tiền.

Về nạn nhân của những canh bạc bịp, nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng đã không ngần ngại đưa lên trang giấy sự bi thảm của họ. Khi ham mê bài bạc đã ăn vào máu, người ta có thể quên đi tất cả. Chú của bồi An mang tiền đi cân sâm cho cậu con giai đang ốm nặng, mười phần chỉ còn mong có một, nhưng đã nướng tất cả số tiền ấy vào canh bạc. Trong lúc hăng máu với những ngón bài giác mùi, giác bóng, Vân Nam, ông bố vô lương tâm này đã quên hẳn đứa con giai đang ốm chờ thuốc của mình. Một con thiêu thân, “con bò vắt sữa” cho đảng bịp mà nhà văn họ Vũ am hiểu tường tận chính là ông chú họ của mình. Sự ham mê đỏ đen của ông chú họ ấy là “bút khôn tả xiết”. Thần Đổ Bác đã khiến ông ta, dù lương tháng hơn hai trăm đồng mà vẫn rơi vào cảnh túng thiếu, vợ con khốn khổ, Cảnh thiếu thốn của vợ con cũng như những lời nói như “sẻo từng miếng thịt” của vợ không khiến ông động lòng hay mất bình tĩnh. Hễ có bạc là ông phải đánh cho thua nhẵn, thậm chí “lột áo người sống, bán áo người chết”[47; tr. 605] để nướng cho Quỉ Đỏ Đen. Ông đã không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, một người cha, nhưng cũng không thực hiện được cái đạo nghĩa làm người.

Cả những tay thuộc đảng bịp hay những nạn nhân đều đã bán cả linh hồn cho Thần Đổ Bác, đều đã bị thói mê cờ bạc, sức mạnh của đồng tiền làm cho tha hóa nhân phẩm. Cạm bẫy người viết về nạn cờ bạc bịp như một quốc nạn, nhưng không chỉ mang giá trị phê phán hiện thực xã hội mà còn thể hiện nỗi trăn trở của nhà văn về sự tha hóa, biến chất của con người trong nạn đó.

Những tay cờ bạc bịp dùng mọi thủ đoạn để lừa lọc, kiếm chác rồi cuộc đời họ sẽ đi về đâu? Cuộc đời của một tay thợ nghề trong làng bịp là Ba Mỹ Ký khiến nhà văn phải trăn trở. Cũng thạo đủ các ngón nghề và ra trận nhiều lần, nhưng một lần lộ tẩy đã bị một trận “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” đến nỗi mắc chứng ho kinh niên. Tiền kiếm được từ xưởng chế tạo khí giới, tiền đi

đánh chác cũng chẳng đủ để chữa bệnh. Cho nên, Ba Mỹ Ký mới chỉ trong vòng 30 tuổi nhưng “thân thể rạc như xác ve, hai vai so lên gần đến mang tai”

[47; tr. 614] và cứ “ho sù sụ như một lão tám mươi sặc thuốc lào vậy” [47; tr. 615]. Cái chết của Ba Mỹ Ký cũng không gây chút lòng thương xót nào ở những người “cùng hội cùng thuyền” với hắn. Khi người ta làm huynh đệ với nhau chỉ là kết bè kết đảng để săn mòng, thịt mòng, kiếm tiền thì đâu còn tình nghĩa mà thương với xót? Chỉ có ông Ấm B…, người đã vô ý phái Ba Mỹ Ký đi trong một lần ra trận, để đến nỗi Ba Mỹ Ký bị trận đòn, mắc ho lao, cảm thấy áy náy và nghĩ đến chữ “nghĩa tử, nghĩa tận” mà tụ họp các anh em đến đưa tang “cho phải đạo và cho…thiên hạ trông vào” [47; tr. 665]. Đám tang Ba Mỹ Ký rất sơ sài, chỉ có “sáu người vận tang phục, mười hai người áo quần cũng khá sang trọng”. Trong lúc đưa tang, họ cũng chỉ nói chuyện với nhau về con bạc các lối đánh đặc biệt, về bài văn tế khôi hài của Ký Vũ mà thôi. Họ đến và tham dự đám tang là vì nể ông Ấm B…, cũng vì thế, khi ông có việc phải đi gấp thì mọi người đều tìm đường chuồn cả. Suy nghĩ của ông Mỹ Bối đáng để cho người đọc phải suy ngẫm về cuộc đời, phận những con người kiếm sống bằng nghề lừa lọc người khác trên chiếu bạc: “Đám ma anh Ba Mỹ Ký đã khiến tôi có những cảm tưởng lạ lùng và lấy làm chán chường về cuộc “đời theo bịp” của tôi”. [47; tr. 672]

Chuyện lừa lọc trên chiếu bạc không phải chuyện mới lạ, nhưng ở những năm 30 của thế kỉ XX, nó trở thành một vấn đề nhức nhối, một vấn nạn xã hội. Khi người ta coi chuyện lừa lọc người khác là một nghề để kiếm sống thì cũng là lúc bản chất người đã bị tha hóa. Cho nên, Cạm bẫy ngườikhông chỉ có giá trị phản ánh hiện thực mà còn là hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w