b. Cô đầu, gái nhảy, gái nhà săm
3.1.2. Phương thức tiếp cận và khai thác thông tin ở những con người cụ thể
Giá trị của một thiên phóng sự phụ thuộc nhiều vào việc khám phá, khai thác thông tin của đối tượng qua các thao tác nghề nghiệp như điều tra, phỏng vấn, trực tiếp trải nghiệm, thu thập tài liệu từ nhiều nguồn… Ở phóng sự 1932 – 1945, khả năng khám phá, tiếp cận, khai thác thông tin đối tượng của các tác giả đã đạt đến trình độ cao. Các tác giả đã tiếp cận con người từ nhiều góc độ, khoảng cách khác nhau để phát hiện ra bản chất của từng lớp người cũng như sự đa dạng, phong phú của các giai cấp, tầng lớptrong xã hội Việt Nam đương thời. Tùy thuộc vào cái “tạng” của từng nhà văn cũng như vấn đề được phản
ánh mà ở mỗi tác phẩm, tác giả lại lựa chọn những cách tiếp cận sáng tạo khác nhau.Khi thì nhìn hiện thực một cách cận cảnh, chi tiết, cụ thể; khi thì tiếp cận bằng bức tranh toàn cảnh, bao quát; có tác giả đã dấn thân vào hiện thực, đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc để thấu hiểu đời sống của lớp người mình đang điều tra như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng. Rất nhiều khi, những cách tiếp cận trên được kết hợp với nhau trong một tác phẩm, nhìn đối tượng từ nhiều góc nhìn khác nhau để có những phát hiện đầy đủ nhất. Những chính sách tiếp cận năng động này khiến phóng sự 1932 – 1945 thâu tóm hiện thực một cách sâu sắc, toàn diện hơn.
Là người tiên phong của thể loại phóng sự ở Việt Nam, nhà báo Tam Lang cũng là người mở đường cho lối dấn thân trải nghiệm để tìm hiểu hiện thực trong giới văn sỹ nước ta lúc bấy giờ. Vì bản chất của phóng sự là điều tra, khám phá sự thực, không hư cấu, nên để tìm hiểu về hạng người phu kéo xe trong xã hội thành thị Việt Nam đương thời, Tam Lang đã chọn cách “đội lên đầu chiếc nón phu xe kéo”, nhập vào đội quân quần nẹp trắng để trải nghiệm mọi nỗi khổ cực của họ, để làm quen và lắng nghe mọi “tâm sự nghề nghiệp” của họ. Đây là cách mà Tam Lang đã học tập ở nhà văn Marise Choisy– người đã đổi lấy bộ áo con đòi vào ở thổ để viết lên thiên phóng sự
“Carnet d’une femme de chambre 1933”. Tam Lang cũng đã theo chân một anh cu-li xe mới quen tìm đến “cái ổ” của phu xe là bãi Cơ Xá Nam. Ở đây, nhà văn gặp được anh Tư S. – một phu xe lành nghề và sẵn sàng mở lòng tâm sự về mọi nẻo của cái nghề mạt hạng này. Với sự “nhà nghề” của một cây bút điều tra, nhà văn đã tiếp cận, làm thân và biến mình thành một học trò bên hến thuốc phiện của anh Tư để được nghe giảng dạy về các ngón nghề, kĩ thuật kéo xe cũng như những thủ đoạn ma cô, dắt gái của một phu xe tha hóa như anh. Lần đầu tiếp xúc, anh Tư có khi tỏ ra nghi ngờ về thân phận của tác giả nhưng sự khôn khéo rất chuyên nghiệp của một người đi điều tra đã giúp ông lấy được lòng tin ở anh Tư, được nghe những điều chân thực nhất.
Trong các thiên phóng sự Đĩa mứt gừng, Lọng cụt cán, Tập ảnh, Tam Lang đã kết hợp giữa góc nhìn bao quát toàn cảnh và chi tiết, cận cảnh để dựng lên bức tranh nhiều màu về giới quan lại, ông chủ, bà chủ, phụ nữ tân thời trong xã hội Ta trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của luồng gió văn hóa Tây. Mỗi tác phẩm là tập hợp những mẩu chuyện về những con người cụ thể. Dẫu mỗi chuyện chỉ là một lát cắt đời sống nhưng chân dung nhân vật được dựng lên một cách chân thực, sống động dưới góc nhìn châm biếm mỉa mai của tác giả.
Viết phóng sự sau Tam Lang nhưng Vũ Trọng Phụng là người đã đưa thể loại này đạt đến đỉnh cao của nó. Một trong những lí do khiến nhà văn họ Vũ được phong ngôi “vua phóng sự đất Bắc” là bởi ông đã có cách tiếp cận đối tượng và khai thác thông tin hiệu quả, rất “nhà nghề”. Nếu viết Tôi kéo xe, Tam Lang “mượn bộ quần áo nâu của một bạn áo ngắn, khoác lên mình rồi mạnh dạn đi làm xe” [45; tr. 18] thì Vũ Trọng Phụng cũng “nuôi tóc cho rõ dài” [47; tr. 731], khoác chiếc áo mưa hào rưỡi và đeo kính đen để trở thành một tay anh chị trong giới cơm thầy cơm cô để tìm hiểu về hạng người này. Có khác là, nếu Tam Lang hóa thân thành một phu xe mới vào nghề để được nghe giảng giải về những “bài học vỡ lòng” từ một phu xe lành nghề thì Vũ Trọng Phụng nhập vai là một tay anh chị đáng nể trong giới đi ở để nghe những câu chuyện của những kiếp con sen, thằng nhỏ, vú em… khác nhau. Với sự xông xáo của một cây bút điều tra, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã vận dụng mọi cách thức, “bờm xơm với ba bốn con nhãi…bắt nhân tình với một vú em…kết bạn thân với mấy bác quýt, gọi cái mụ già bây giờ làm nghề đưa người là mẹ nuôi” [47; tr. 731] để khai thác được nhiều thông tin xác thực, để nhìn nhận về giới đi ở từ nhiều phương diện, góc cạnh khác nhau. Kết thân, bắt nhân tình với con sen Đũi, nhà văn đã được nghe kể về cuốn tiểu thuyết cuộc đời của nó, qua đêm tại những hàng cơm tồi tàn – nơi trú tạm của những kẻ đi ở chưa có việc làm, nhà văn được nghe kể một cách chân thực về nỗi khổ và cả những tâm sự của họ.
Là một nhà phóng sự xông xáo nhưng không thể viết về hạng người nào là nhà văn có thể nhập vai là một thành viên của giới đó. Vũ Trọng Phụng luôn sáng tạo những cách tiếp cận và khai thác thông tin khác nhau tùy thuộc vào đối tượng. Viết Kỹ nghệ lấy Tây và Cạm bẫy người, nhà văn họ Vũ đã tiếp cận, làm quen với những me Tây cự phách hay ông trùm bạc bịp, tỏ ra đứng về phía họ, đồng cảm với họ để được lắng nghe những tâm sự chân thật nhất. Trong Kỹ nghệ lấy Tây, khi tiếp xúc với những con người tiêu biểu của làng me, Vũ Trọng Phụng với sự thạo nghề của mình đã luôn biết cách “lựa lời” để khai thác thông tin. Có lúc, ông phải thể hiện sự đồng tình, thậm chí đề cao họ, để họ không bất bình hay tự ái: “Ấy chết! Nếu vậy thì trong những cuộc Đông Tây hợp tác “Âu Á đề huề”…các me là những kẻ hi sinh đầu tiên để tìm sự từng trải chẳng lẽ lại không đáng kỷ công, gọi có chút đền bù [47; tr. 705, 706]. Thậm chí, để lắng nghe tâm sự của SuZanne – một cô đầm lai, tác giả còn làm thân, còn tỏ ra như đang tán tỉnh. Hoặc, tác giả còn kết bạn với Hiếc – Tôn – một anh lính trẻ đẹp trai, người sẽ làm chồng của một số me. Những cách tiếp cận và gợi chuyện khôn khéo đó đã khiến các me “cởi lòng cởi dạ” nói những điều rất thật về nghề lấy Tây và cũng không e ngại gì khi thể hiện đời sống thực của mình. Trong
Cạm bẫy người, tác giả lại là một bạn thân đáng tin tưởng của anh Vân – người có bố là “mòng”, để từ đó theo chân anh Vân đến mọi “hang hốc” của làng bịp, làm quen được với ông trùm Ấm B, nghe ông này dẫn dắt, kể lệ mọi sự về nghề cờ bạc bịp. Tác giả phải tỏ ra là người “chung một chiến hào” với họ để hiểu hết các thủ đoạn lừa bịp của họ. Có lúc, tác giả phải giúp ông trùm Ấm B. đi cản để một người tay chân của ông đánh đòn Vân Nam, qua đó được ông này dạy cho “mấy bài” để lừa con bạc. Sự thân thiết này đã giúp tác giả điều tra được chân tướng nghề cờ bạc bịp, thấy rõ cuộc đời, số phận những con bạc, gồm cả kẻ đi lừa và nạn nhân. Viết Một huyện ăn Tết, tác giả đã có dịp năng nằm bên bàn đèn thuốc phiện với một vị lục sự già, được chứng kiến những người ra vào nơi đây với những món quà và những lí lẽ. Từ chỗ ngạc nhiên không hiểu đến chỗ khéo
gợi, tác giả đã được nghe lục sự giảng giải cắt nghĩa về cái cách “kiếm tiền tiêu Tết” của quan lại và lính cơ trong tháng củ mật cuối năm.
Điều tra, thu thập thông tin đã khôn khéo, nhà văn Vũ Trọng Phụng lại có góc nhìn mới lạ nên phát hiện được những vấn đề mới trong những hiện tượng đã quen trong xã hội. Viết Cạm bẫy người, Một huyện ăn Tết và Kỹ nghệ lấy Tây, tác giả đã nhìn những vấn đề từ góc độ cơ cấu tổ chức bên trong chứ không chỉ là những biểu hiện bên ngoài. Với góc nhìn này, tác giả phát hiện ra rằng: làng bịp có hai cánh: cánh ông Ấm B và cánh của Thượng Ký. Chúng là “đồng nghiệp” nhưng cũng là kẻ thù của nhau, thanh toán nhau theo luật giang hồ. Dưới trướng của mỗi ông trùm là một “bộ tham mưu” gồm những kẻ “chuyên gia bạc bịp” như Tham Ngọc, Kỹ Vũ, Ba Mỹ Ký…và hàng trăm tên “tạ” đầu trâu mặt ngựa đóng vai trò chân rết, đi săn mòng ở khắp nơi. Làng bịp lại có cả “nơi giữ cái két lớn nhất” và “xưởng chế tạo khí giới” để làm ra những công cụ hành nghề. Sự tổ chức của làng bịp thực là rất chặt chẽ và hoạt động của nó cũng rất chuyên nghiệp. Cứ đến “mùa săn” (kỳ lĩnh lương của công chức) thì cả làng bịp lại ráo riết ra quân dưới sự điều hành của những ông trùm ở “sở chỉ huy”. Đối với tệ nhũng lạm trong Một huyện ăn Tết, tác giả vẫn dùng lối khám phá cơ cấu tổ chức bên trong, nhưng không phải là “tổ chức ngầm” như làng bịp mà là cả một bộ máy chính quyền hợp pháp trong xã hội thuốc địa. Quy trình tham nhũng ở đây là: Quan huyện kí công lệnh cho lính đi tuần tra, viên lục sự già chuyển mệnh lệnh này cho thầy cai, thầy đội, lính cơ, lính lệ. Các đội quân thừa hành công vụ đó sẽ chia thành nhiều đợt khác nhau. Họ hàng ngũ chỉnh tề, trống rong cờ mở rất “oai hùng” tiến về các làng xã mà “tuần tra” nhưng thực chất là sục sạo buộc đám chức sắc địa phương phải hối lộ cho chúng thì mới được yên. Số tiền có được từ những cuộc “tuần tra” ấy sẽ được ăn chia theo tỷ lệ đã định: một nửa nộp lên ông quản cơ, ông này dùng tiền kia để biếu quan trên, cụ bố, cụ Thượng, số còn lại trích biếu ông lục sự rồi mới chia nhau bỏ túi. Cách tiếp cận này cũng cho thấy một sự thực chua chát: tham nhũng không phải diễn ra ở một ông quan hay một ông lục sự mà là cả bộ
máy chính quyền từ trên xuống dưới. Cả một bộ máy hành chính “ăn cướp có giấy phép” cho thấy cái xã hội đã đến độ thối nát, băng hoại. Trong Kỹ nghệ lấy Tây, nhà văn lại phát hiện ra cái cơ cấu tổ chức của làng me, mới hay nghề lấy Tây đã có cả một lịch sử phát triển của nó, có tổ sư nghề, có những “thợ già” như bà Ách Nhoáng, Kiểm Lâm, Đội Tứ…, những “cô thợ trẻ” mới bước chân vào nghề như Duyên, Ái, Tích…và cả những người “sắp vào nghề” như SuZanne.
Trong một tác phẩm, nhà văn Vũ Trọng Phụng có thể sử dụng nhiều góc nhìn khác nhau để tiếp cận và tìm hiểu đối tượng. Trong Cạm bẫy người và Kỹ nghệ lấy Tây, ngoài việc nhìn vấn đề từ góc độ cơ cấu tổ chức, ông còn sử dụng ống kính “kỹ nghệ” để soi chiếu. Vì thế, nhà văn đã phát hiện ra rằng, trong xã hội đương thời, cờ bạc không còn là một thú vui tiêu khiển mà là một nghề để kiếm sống, nên những tay cờ bạc bịp sử dụng mọi thủ đoạn, ngón nghề để săn mòng, bắt mồi. Xã hội Âu hóa nên cũng xuất hiện một nghề “rất mới” là nghề lấy Tây. Những con người hành nghề này có những “kỹ nghệ” rất thành thạo để kiếm tiền nhưng cũng khó tránh khỏi những “tai nạn nghề nghiệp”, gặp phải những hậu quả bi kịch.
Tiếp cận đối tượng từ góc nhìn bao quát, toàn cảnh là phương thức mà nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã sử dụngtrong phóng sự Thanh niên trụy lạc để tìm hiểu lối sống sa đọa của thanh niên Hà Thành. Tác giả đã rọi ánh mắt nhìn khắp lượt Hà Thành ở các nhà chứa, nhà cô đầu, tiệm hút, sòng bạc để tận mắt chứng kiến cảnh ăn chơi thác loạn của thanh niên sau mỗi lúc thành phố lên đèn. Theo chân Minh và Kính, nhà văn tiếp cận nhiều đối tượng sành sỏi khác trong làng ăn chơi như Thanh, Trọng, giáo sư nhảy đầm, cũng không ít lần mất tiền với họ, để được nghe họ kể, để nhìn thấy sự hăng máu lúc tham gia và sự rệu rã, thảm hại lúc tiệc tàn, thua bạc của họ. Viết Ngoại ô, Ngõ hẻm, nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã kết hợp cả lối tiếp cận bao quát toàn cảnh và cụ thể, chi tiết. Ông không chỉ nhìn thấy bức tranh chung về dân nghèo ngoại ô mà còn
nhìn thấy nỗi bi kịch của từng số phận cụ thể, mà gia đình bác Vuông và gia đình anh Nhớn là những tiêu biểu.
Phương pháp tiếp cận và khai thác thông tin từ đối tượng một cách đa dạng, phong phú đã giúp các nhà văn có được những tư liệu quý báu, nhìn con người từ nhiều phương diện, góc độ khác nhau để sự phản ánh được chân xác nhất. Phương pháp tiếp cận và khai thác thông tin về con người chính là một yếu tố “nhà nghề” của các cây bút phóng sự Việt Nam giai đoạn 1932 – 1945.