Phóng sự thể loại giao thoa giữa báo chí và văn học

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 30 - 35)

Lí luận báo chí và lí luận văn học đã từng khẳng định: phóng sự là thể loại có tính chất “bắc cầu” giữa báo chí và văn học. Có phóng sự báo chí và phóng sự văn học. Đặc điểm chung nhất của hai loại phóng sự này là cùng lấy sự kiện người thật, việc thật, rất thời sự làm đối tượng phản ánh. Điểm khác biệt của hai kiểu phóng sự này là một bên thì phản ánh sự kiện một cách thời sự nhằm đạt được mục đích là thông tin bản chất vấn đề đến đối tượng tiếp nhận, còn bên kia ngoài mục đích thông tin ra còn muốn thông qua nhận thức lí tính đạt tới mục đích nhận thức cảm tính của đối tượng tiếp nhận. Người đọc không những hiểu rõ bản chất của sự việc mà còn có dịp thể hiện cảm xúc của mình trước sự dẫn dắt tài tình của nhân chứng – tác giả.

Cũng phản ánh người thực, việc thực ở thế trực tiếp nhưng phóng sự báo chí phải phản ánh người thực, việc thực một cách trực tiếp nhất. Tác giả là nhân chứng số một, dẫn dắt độc giả đến với hiện thực phải là người trực tiếp “tai nghe, mắt thấy” chứ không phải qua hiện thực đời sống hàng ngày mà tưởng tượng ra. Tác giả phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp cao nhất trước dư luận về những vấn đề đưa ra, đảm báo tính trung thực, khách quan, có nguồn gốc, thời điểm rõ ràng với những con người, sự kiện có địa chỉ cụ thể. Lối văn chương trong phóng sự báo chí phải đạt yêu cầu cao hơn lối viết khô khan, liệt kê nhàm chán sự kiện, nghĩa là phải linh hoạt trong kết cấu, sáng tạo

trong lựa chọn sự kiện với giọng điệu, ngôn ngữ phong phú nhưng thiên về phản ánh đúng thông tin, diễn tả chính xác cụ thể về người thực - việc thực, không dùng lời lẽ khoa trương, hư cấu, phóng đại.

Để tác dộng vào nhận thức lí tính của độc giả một cách nhanh chóng và hiệu quả, “cái Tôi” trần thuật hải sử dụng ngôn ngữ, lời lẽ mang ý nghĩa tường minh, đơn nghĩa, phản ánh đúng bản chất sự việc. Bên cạnh đó, phóng sự báo chí phải đảm bảo yêu cầu “tính thời sự” của sự việc, tìm ra được những mâu thuẫn gay gắt trong sự kiện, hoặc khám phá, lật tẩy những vấn đề còn chưa “lộ tẩy”.

Nếu phóng sự báo chí tường thuật sự kiện một cách trần trụi thì phóng sự văn học tuy phản ánh sự kiện có thật nhưng lại sử dụng một số biện pháp nghệ thuật của tiểu thuyết, truyện ngắn.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan cũng đã nhấn mạnh rằng: “Viết được một thiên phóng sự cho hay nhà báo không những cần phải có tài đặc biệt về nghề báo mà còn cần phải có nhiều “chất văn sỹ” [32; tr 560]. Lí luận văn học Việt Nam hiện đại cũng từng coi phóng sự là một trong những tiểu loại của thể ký văn học, nằm xếp hàng cùng với bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký, nhật ký, truyện kí… Tiêu biểu cho cách xếp này là Hà Minh Đức trong công trình Loại thể văn học (xuất bản năm 1962).

Thực tế cho thấy, ở những tác phẩm được coi là phóng sự văn học thì tuy vẫn đảm bảo tính xác thực và tính thời sự nhưng tính thời sự không còn là yêu cầu gay gắt và tính xác thực cũng không phải là yêu cầu tuyệt đối nữa. Trong phóng sự văn học, hiện thực được lấy sự kiện làm “tiêu điểm” khai thác, nhưng bên cạnh đó, cái quan trọng hơn và cao hơn là vấn đề mang tính chất rộng lớn toàn xã hội. Nét độc đáo của phóng sự văn học là cái tôi tác giả được tự do lựa chọn sự kiện, chọn tình huống tiêu biểu để thể hiện ý tưởng thẩm mỹ, tự do lựa chọn phương thức phản ánh sự kiện, tình huống, nhân vật. Bằng năng lực phán đoán, tưởng tượng của một nhà văn, nhà viết phóng sự có thể tô đắp, trang điểm một chút cho tình huống, cho nhân vật để tình huống và nhân vật mang

tính điển hình cho một lớp người trong xã hội. Hư cấu trong phóng sự văn học không phải là hư cấu theo lối tưởng tượng bay bổng, ngồi một chỗ mà nghĩ ra, mà là hư cấu mang mức độ tiểu xảo kĩ thuật, tô đậm hoặc làm mờ nhạt bớt đi sự kiện mà theo tác giả là cần thiết trong tác phẩm. Cũng có thể hư cấu phần người ta không thể nhìn và nghe thấy như nội tâm của nhân vật, nhân chứng. Nhân vật trong phóng sự văn học cần đạt đến độ điển hình hóa nhưng chỉ là sự bồi đắp thêm da thịt chứ không phải tưởng tượng để thay hình, đổi dạng nguyên mẫu.

Ở góc độ dẫn dắt tình tiết câu chuyện, với phóng sự báo chí, người viết có thể thể hiện thái độ khách quan, có gì phản ánh nấy. Nhưng ở phóng sự văn học, để đảm bảo giá trị nhận thức cũng như giá trị thẩm mỹ của độc giả sau khi đọc tác phẩm, thì tác giả có thể thể hiện cảm nhận chủ quan của mình trước hiện thực bằng những triết lý chân thành, bằng lời bình phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Không chỉ nhằm tới giá trị phản ánh – thông tin mà phóng sự văn học còn ước muốn đạt tới giá trị phản ánh – thông tin – thẩm mỹ. Điều này không những chi phối đến cách xây dựng hình tượng nhân vật mà còn chi phối ngôn ngữ trong tác phẩm. Ngôn từ trong phóng sự báo chí đòi hỏi cô đọng, súc tích, gọi đúng tên sự vật, hiện tượng, chuẩn về mặt ngữ nghĩa mà chỉ có một lớp nghĩa – nghĩa tường minh. Kết cấu tác phẩm ngắn gọn, ý tưởng của tác giả nằm ngay trong văn bản, người đọc bình dân cũng có thể hiểu được. Ngôn ngữ trong phóng sự văn học là ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ mang tính khái quát cao; nó bao hàm hai lớp nghĩa: tường minh và hàm ẩn. Điều này lí giải được nguyên nhân ngoài mục đích phản ánh thông tin một cách thời sự, đề xuất với các nhà quản lý những biện pháp hữu hiệu, phóng sự văn học còn giúp người đọc có thái độ yêu ghét rõ ràng trước hiện thực. Kết cấu phóng sự văn học thường dài và kết thúc theo hướng mở. Từ giá trị đó, phóng sự văn học ở lại lâu hơn trong lòng người đọc.

Trong phóng sự văn học có phóng sự tiểu thuyết. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) cũng đã chia tiểu thuyết thành 10 loại, trong đó có phóng sự tiểu thuyết. Một số tác giả khi sáng tác cũng đề dưới tác phẩm của mình là phóng sự tiểu thuyết như Cạm bẫy người, Một huyện ăn Tết (Vũ Trọng Phụng),

Ngoại ô, Ngõ hẻm (Nguyễn Đình Lạp), Bút nghiên (Chu Thiên), Lều chõng

(Ngô Tất Tố).Với tư cách là chủ thể sáng tạo, họ đã dự báo và đưa đến cho công chúng một cái nhìn toàn diện, một vấn đề có tính chất xã hội, đầy triết lý sâu sắc về một kiếp người, một số phận con người. Chính tính chất tiểu thuyết yêu cầu các tác phẩm phóng sự không những năng động, công phu trong việc lấy sự kiện nóng bỏng mà còn phải chọn lọc sự kiện, tổng hợp tư liệu, có cái nhìn linh hoạt trước hiện thực dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Đồng thời cũng yêu cầu tác giả phải có khả năng phân tích, đánh giá xã hội.Tác giả phải xây dựng được những hình tượng nhân vật đại diện cho một lớp người có thực ở ngoài đời. Tác giả không những chỉ có dùng từ ngữ mà điểm nhìn, góc nhìn hiện thực của họ cũng chi phối nhiều đến giá trị của tác phẩm. Sự kiện, hiện thực ở đây không còn trần trụi, khô cứng, với những con số cụ thể, đơn lẻ mà trong phóng sự, hiện thực ấy đã được khái quát hóa. Có nhiều trường hợp, tác phẩm không chỉ dừng lại nói đến chính đối tượng phóng sự phản ánh mà còn nói về cái rộng lớn bao la, bao trùm hơn và có ý nghĩa xã hội. Chính việc sử dụng có chọn lọc những phương tiện của bút pháp tiểu thuyết khiến các phóng sự này có dung lượng tương đối lớn, kết cấu chặt chẽ, nhân chứng – nhân vật sống động, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn.

Tiểu kết

Lịch sử, xã hội, văn hóa Việt Nam đầu thế kỉ XX đã có những thay đổi, chuyển biến sâu sắc so với thời kì trung đại. Đáng chú ý nhất là chính sách cai trị, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp dẫn đến đời sống lầm than của nhân dân lao động Việt Nam. Cuộc sống vật chất thiếu thốn và sự suy

nhược về tinh thần của những con người dưới đáy là một vấn đề nhức nhối, lay động tư tưởng, tình cảm của những nhà văn – nhà nhân đạo chủ nghĩa.

Bước sang thời kì hiện đại, quan niệm về con người trong văn học có sự thay đổi, góp phần tạo nên một diện mạo văn học mới mẻ. Nếu như con người được thể hiện trong văn học dân gian là con người tự nhiên với cả phần bản năng và ý thức, con người trong văn học trung đại chủ yếu là con người vũ trụ, con người đạo đức, con người đấng bậc thì con người trong văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 chủ yếu là con người cá nhân, con người là sản phẩm của hoàn cảnh. Phóng sự là thể loại giao thoa giữa văn học và báo chí, có phóng sự báo chí và phóng sự văn học. Đối tượng chúng tôi tìm hiểu trong luận văn này là những tác phẩm thuộc phóng sự văn học. Trong phóng sự Việt Nam giai đoạn 1932 – 1945, con người được nhìn nhận không chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh, chịu ảnh hướng, tác động từ hoàn cảnh mà chính con người cũng tạo nên sự thay đổi của chính mình. Với quan niệm này, các nhà phóng sự đã chỉ ra những đặc điểm về đời sống vật chất, đời sống tinh thần của con người, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến bi kịch và sự tha hóa của họ. Điều này được chúng tôi trình bày cụ thể ở chương II của luận văn.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI TRONG PHÓNG sự VIỆT NAM GIAI đoạn 1932 1945 (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w