Sau thời gian nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về mối quan hệ giữa độ giãn đàn hồi của vải dệt kim đàn tính cao và áp lực của chúng lên cơ thể người mặc cho phép ta rút ra một số kết luận như sau:
Về lý thuyết:
Vải dệt kim đàn tính cao làm từ polyamid pha spandex cũng như các sản phẩm từ vải dệt kim đàn tính cao đóng góp một phần không nhỏ trong lĩnh vực may mặc. Ở Việt Nam, nhu cầu của thị trường cũng như phạm vi sử dụng của các sản phẩm từ vải dệt kim đàn tính cao có xu hướng ngày càng tăng.
Một số tính chất của vải dệt kim đàn tính cao cần được đảm bảo: - Khả năng giãn đàn hồi cao phù hợp với mục đích sử dụng.
- Giữ được khả năng giãn đàn hồi, ổn định kích thước theo thời gian sử dụng. Các yếu tố ảnh hưởng đến đặc trưng giãn đàn hồi của vải dệt kim đàn tính cao: - Hệ số chứa đầy d/l (d: đường kính sợi, l: chiều dài vòng sợi của vải).
- Nguyên liệu dệt. - Cấu trúc dệt.
- Số chu kỳ, tần số và điều kiện chịu tải trọng.
Trang phục chỉnh hình thẩm mỹ là loại trang phục ứng dụng khả năng giãn đàn hồi của vải dệt kim đàn tính cao, tạo lực ép lên các vùng của cơ thể, giúp cơ thể người mặc gọn gàng hơn. Vì thế áp lực của trang phục lên cơ thể người mặc là một yếu tố rất quan trọng quyết định sự tiện nghi và cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm. Mặt khác, chúng được mặc bó sát cơ thể nên cũng cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh, sinh thái, cũng như sự tiện nghi cử động. Hiện nay, trang phục chỉnh hình thẩm mỹ có thể được sản xuất theo công nghệ cắt may, bán định hình hoặc định hình.
Về thực nghiệm:
Nghiên cứu sử dụng vải có hệ số đàn hồi E theo hướng ngang bằng 92.50% khi bị kéo giãn 80%. Để đánh giá khả năng sử dụng vải làm trang phục chỉnh hình, nghiên cứu đã sử dụng các kết quả sau:
- Mối quan hệ giữa lực kéo giãn lớn nhất của vải và độ giãn của chúng theo hướng ngang được thể hiện theo phương trình hồi quy dạng tuyến tính y = 11.337x + 0.572 với hệ số tương quan R2
= 0,9386.
- Mối quan hệ giữa độ giãn của vải theo hướng ngang và lực ép mà chúng tạo ra trên bề mặt khi độ giãn dọc bằng 0% cũng là hàm hồi quy tuyến tính y = 14.262x + 0.8019 với hệ số tương quan R2 = 0.9994.
- Để đánh giá khả năng chỉnh hình của vải theo độ giãn, nghiên cứu đã sử dụng mô hình trụ có bề mặt phủ lớp mút dày 20 mm mô phỏng lớp mỡ bụng. Mối quan hệ giữa áp lực lên lớp mút và biến dạng nén của chúng được thể hiện bằng phương trình hồi quy tuyến tính y = 9.3839x + 14.225 với hệ số tương quan R2
= 0,9903. Với mô hình này, nghiên cứu đã xác định được mối quan hệ giữa khả năng chỉnh hình Mi và độ giãn cho trước của vải theo phương trình hồi quy tuyến tính y = 1.4046x - 7.883 với hệ số tương quan R2
= 0,9327.
Như vậy đối với loại vải sử dụng trong nghiên cứu do có tính đàn hồi cao nên khi bị kéo giãn vải luôn có xu hướng co về trạng thái ban đầu cần có lực để kéo chúng đạt tới độ giãn cần thiết và giữ chúng ở trạng thái bị kéo căng như mong muốn. Lực kéo giãn lớn nhất để giữ vải ở trạng thái kéo giãn có quan hệ tuyến tính với độ giãn cần tạo ra. Do vải luôn muốn co về trạng thái ban đầu nên khi bị kéo căng, vải tạo ra lực ép lên trên bề mặt, tùy vào modul đàn hồi của bề mặt mà lực ép này có thể tạo ra biến dạng nén của bề mặt nhiều hay ít. Đây chính là cơ chế nén ép chỉnh hình vòng bụng, đùi của quần giảm béo. Trong trường hợp thực nghiệm mút được sử dụng trong nghiên cứu, mối quan hệ giữa lực ép tạo ra và mức độ giảm chu vi của mô hình cũng là mối quan hệ tuyến tính. Như vậy độ giãn của vải càng cao thì ta cần một lực kéo
giãn càng lớn để tạo ra chúng và tương ứng chúng cũng tạo ra được một lực ép càng lớn lên bề mặt cơ thể. Lực ép này càng lớn, càng có khả năng nén ép bề mặt cơ thể nhiều dẫn tới khả năng chỉnh hình cơ thể nhờ quần áo. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chỉ chịu được một lực ép giới hạn cho nên để có được trạng thái tiện nghi cần căn cứ theo lực ép tối đa cơ thể có thể chịu đựng được. Và người thiết kế cần phải lựa chọn sao cho khi sử dụng quần áo, người mặc vừa có tác dụng chỉnh hình cơ thể mà người mặc vừa có cảm giác tiện nghi dễ chịu.
Hướng phát triển của đề tài:
Trong khuôn khổ luận văn thạc sỹ kỹ thuật, đề tài chỉ dừng lại ở mức độ dự báo khả năng chỉnh hình của vải dưới các độ giãn khác nhau. Để có thể làm rõ khả năng chỉnh hình của vải, trong trường hợp được nghiên cứu tiếp, tác giả đề xuất tiếp tục nghiên cứu các mức áp lực có thể chịu đựng tại các vùng khác nhau của cơ thể, từ đó đưa ra được thiết kế tối ưu làm trang phục chỉnh hình thẩm mỹ đối với loại vải đã lựa chọn.