Nét đặc thù về kinh tế, xã hội và chính trị ở Quảng Trị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu dịch vụ chăm sóc khách hàng đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình phát triển kinh tế ở quảngtrị hiện nay (Trang 34 - 40)

Quảng Trị là tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, nằm ở nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc Nam của Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía

Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Đông giáp biển Đông, có chiều dài bờ biển là 75km, có đảo Cồn Cỏ rộng 4km2, cách bờ biển Mũi Lay khoảng 30km án ngữ ngoài khơi. Phía Tây Quảng Trị giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào (có chung 240km đường biên giới) và được thông thương thuận lợi qua đèo Lao Bảo. Quảng Trị có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hoá, Triệu Phong và Hải Lăng) và hai đơn vị hành chính cấp thị (thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị); với 116 xã, 11 phường và 9 thị trấn. Trong 7 huyện của Quảng Trị có 2 huyện miền núi (Đakrông và Hướng Hoá), các huyện còn lại huyện nào cũng có xã miền núi.

Về tên gọi và địa giới của tỉnh, có những thay đổi qua các giai đoạn lịch sử. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hoà bình lập lại (1954) về cơ bản tên gọi và địa giới của Quảng Trị không có gì thay đổi. Nhưng sang năm 1954, theo Hiệp định Geneve. nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền, vĩ tuyến 17 (Sông Bến Hải) được lấy làm giới tuyến tạm thời. Do vậy, tỉnh Quảng Trị bị chia đôi: Huyện Vĩnh Linh (phía Bắc sông Bến Hải) được thành lập một đặc khu của miền Bắc, tương đương với một đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương; phần lớn diện tích và dân cư Quảng Trị còn lại ở phía Nam sông Bến Hải chịu sự kiểm soát của chính quyền Nguỵ Sài Gòn. Đến năm 1973, Quảng Trị mới chỉ được giải phóng hơn 85% diện tích và đến tận tháng 3 năm 1975 Quảng Trị mới được hoàn toàn giải phóng. Từ tháng 7 năm 1976, Quảng Trị được sát nhập với Quảng Bình, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh để thành lập tỉnh Bình Trị Thiên. Nhưng do địa bàn quá rộng dẫn đến khó khăn trong quản lý và chỉ đạo phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ... nên quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII (kỳ họp thứ 5) quyết định chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh như trước kia và từ tháng 7 năm 1989 đến nay Quảng Trị tồn tại với tư cách một tỉnh độc lập.

Nằm ở vị trí chiến lược: Bảo vệ và khai thác biển Đông, nơi giao lưu giữa hai miền Nam - Bắc của đất nước, với hành lang quốc lộ xuyên dọc tỉnh

qua đèo Lao Bảo và nối cảng Cửa Việt với nước bạn Lào, với miền Đông Bắc Thái Lan và tới Myanma, mở ra mối quan hệ rộng lớn với đại lục Tây á nhiều tiềm năng. Quốc lộ 9 là con đường xuyện Á ngắn và thuận lợi nhất của vùng biển liên Á thông ra biển đông trên đất nước Việt Nam tại Quảng Trị. Đây là một lợi thế lớn cho tỉnh Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Về mặt địa hình, Quảng Trị có địa hình nghiêng từ Tây sang Đông, gồm đồi núi chiếm 80%, đồng bằng chiếm 11,5%, bãi cát và cồn cát trắng ven biển dài chiếm 7,5%. Địa hình Quảng Trị bị chia cắt mạnh bởi có nhiều đồi núi, sông, suối, đầm, phá dày đặc, đồng bằng nhỏ hẹp. Các nhà địa chất đã phân chia địa hình Quảng Trị thành 5 vùng đặc thù sau: Vùng địa hình núi, địa hình đồi, địa hình đồng bằng, địa hình cồn cát và đụn cát, địa hình thung lũng. Đặc biệt, ở Quảng Trị có những cồn cát, đụn cát cao từ 5 đến 30m. Do có cát rất nhiều và cồn cao, nên nạn cát bay, cát lấp đã có ảnh hưởng đến trồng trọt, các cồn cát di động ảnh hưởng lớn cho sản xuất và sinh sống.

Mặt khác, khí hậu Quảng Trị rất khắc nghiệt. Quảng Trị nằm trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và vùng chuyển tiếp giữa hai vùng Bắc Nam. Quảng Trị còn chịu ảnh hưởng lớn của miền khí hậu Đông Trường Sơn, do đó phân thành hai mùa, mùa gió Tây Nam thì nóng bức, ít mưa, hạn hán kéo dài; mùa mưa lại ngắn và đến chậm, từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm lại có nhiều cơn mưa bão. Đây là những yếu tố bất lợi cho sản xuất và đời sống của dân cư. Tuy nhiên, Quảng Trị với hai tiểu vùng khí hậu trái ngược nhau về mùa (tiểu vùng trung du miền núi và tiểu vùng đồng bằng ven biển) tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng cây trồng và vật nuôi mang tính hàng hoá.

Tỉnh Quảng Trị có mật độ sông ngòi trung bình từ 0,8 đến 1km/km2

. Diện tích lưu vực tổng cộng là 4369km2, có lượng mặt nước hàng năm khoảng 9 tỷ m3

và sẽ cung cấp nguồn năng lượng lớn khoảng 3 tỷ kw/h, phục vụ cho việc phát triển kinh tế.

Quảng Trị có dân số 604,931 người, với 3 dân tộc chính: Người Kinh chiếm 91,93% dân số, sống hầu hết khắp địa bàn tỉnh nhưng tập trung nhất ở đồng bằng và thị trấn, thị xã; người Bru - Vân Kiều chiếm 6,4% dân số tỉnh, cư trú dọc vùng núi Trường Sơn; người PaKôk - Taôih chiếm 1,52% dân số tỉnh, cư trú ở vùng núi cao. Sinh sống trong một địa bàn, lại cùng chung một vận mệnh lịch sử, nên từ lâu cộng đồng người ở Quảng Trị đã có quan hệ với nhau khá gần gũi, đặc biệt từ khi có Đảng lãnh đạo. Ngoài quan hệ trao đổi về kinh tế, văn hoá, các dân tộc ở Quảng Trị còn có quan hệ cộng cư, đoàn kết với nhau trong phòng chống thiên tai, giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bà con các dân tộc đã đùm bọc cưu mang giúp đỡ cách mạng rất nhiều.

Nhìn chung, để phát triển kinh tế Quảng Trị, theo chúng tôi có thể và cần phải tập trung khai thác những tài nguyên nội tại như:

+ Tài nguyên đất: Do địa hình và thuỷ văn của Quảng Trị đa dạng như đã phân tích ở trên nên đất đai ở Quảng Trị cũng đa dạng. Quảng Trị có diện tích đất tự nhiên 474,6 nghìn ha; trong đó đất nông nghiệp 68,9 nghìn ha; đất lâm nghiệp 149,8 nghìn ha; đất chuyên dùng 18,3 nghìn ha và đất ở 3,6 nghìn ha. Riêng đất chưa sử dụng chiếm 49,3% tổng diện tích đất tự nhiên, cho nên trong giai đoạn tới, Quảng Trị có thể khai thác, mở rộng sản xuất và kinh doanh. Quảng Trị có thổ nhưỡng đa dạng với 11 nhóm và 32 loại đất chính, đáng chú ý là đất đỏ ba zan với trên 20 nghìn ha nằm ở phía Bắc tỉnh và ven Đường 9 có điều kiện để phát triển cây nông nghiệp.

+ Tài nguyên biển: Quảng Trị đang là mũi nhọn để phát triển kinh tế trong thời kỳ mới của thế kỷ XXI. Những bãi tắm đẹp và hai cửa biển chính là Cửa Tùng và Cửa Việt giúp cho Quảng Trị có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch, thương mại, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản. Đặc biệt phía Đông Bắc có đảo Cồn Cỏ có thể mở ra nhiều tiềm năng kinh tế biển. Vùng lãnh hải của tỉnh là 8.400km2

đánh giá của FAO thì trữ lượng vùng biển Quảng Trị có khoảng 60 nghìn tấn, trong đó các loại đặc sản chiếm tới 11%, loại cá nổi chiếm 57,3%, loại cá đáy 31,6%. Hàng năm, Quảng Trị có thể cho phép khai thác được 13.000-18.000 tấn cá. Quảng Trị có khả năng nuôi trồng hải sản xuất khẩu ven bờ khá lớn tạo thế mạnh để phát triển.

+ Tài nguyên khoáng sản: Quảng Trị đã thăm dò, tìm kiếm, thống kê có 48 điểm quặng trong đó có 17 điểm quặng thuộc nhóm kim loại sắt, đồng, vàng, titan..., có 22 nhóm khoảng sản vật liệu xây dựng (đá vôi, đất sét, đá bazan, đá hoa cương, trang trí...), hai điểm than bùn, 6 điểm nước khoáng, 2 điểm cát thuỷ tinh. Đây là thế mạnh của tỉnh Quảng Trị cần khai thác.

+ Về nguồn nhân lực: Quảng Trị có nguồn lao động cao, với cơ cấu dân số trẻ. Theo điều tra dân số và nhà ở tỉnh Quảng Trị thì: Nhóm từ 0-59 tuổi chiếm 90,92% dân số cả tỉnh, nhóm từ 5-59 tuổi chiếm 53,05%. Như vậy, cần có chiến lược phù hợp để đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ của thế kỷ mới.

Qua sự phân tích ở trên, có thể nói, bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, thời kỳ mở đầu thế kỷ và thiên niên kỷ, Quảng Trị có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng khó khăn và thách thức cũng không ít.

Thuận lợi cơ bản là: Quảng Trị có nhiều tiềm năng về đất đai, với hơn

2 vạn ha đất đỏ bazan có khả năng phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp rộng lớn và có giá trị kinh tế cao. Hơn 70% bờ biển có nguồn lợi hải sản phong phú. Khoáng sản tuy không lớn nhưng đa dạng và phân bố khá đều trên lãnh thổ. Vị trí địa lý thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế quốc tế. Tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng gắn với nhiều di tích lịch sử, chiến tranh cách mạng. Nguồn lao động dồi dào với đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý bước đầu đã tiếp cận với cơ chế thị trường. Nhân dân có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo; cùng với những tiền đề về cơ sở vật

chất, kỹ thuật sẽ là điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tuy nhiên, Quảng Trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách.Trước hết, Quảng Trị là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng cho đến nay, nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác có hiệu quả. Cơ cấu kinh tế Quảng Trị chưa phù hợp, chuyển dịch còn chậm và hợp tác trong sản xuất chưa cao. Sản xuất nông nghiệp ở đây còn tập trung phần lớn vào trồng trọt và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, với công cụ lao động thủ công cho nên năng suất lao động thấp, tích luỹ ít và tái sản xuất giản đơn là chính. Nền kinh tế mang tính thuần nông. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh cây công nghiệp còn chậm chạp. Sản xuất công nghiệp ở Quảng Trị còn manh mún, thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh để mở rộng thị trường, trong khi thị trường trong tỉnh lại quá nhỏ hẹp. Công nghiệp ở Quảng Trị mới chỉ ở bước đầu tập trung phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thuỷ sản và sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Kinh tế lâm nghiệp ở đây chưa được phát huy so với tiềm năng, rừng bị chặt phá do làm nương rẫy của đồng bào với lối sống du canh du cư là tình trạng phổ biến. Kinh tế gò đồi và kinh tế mới làm chưa thật sự tốt. Việc khai thác tiềm năng thuỷ sản còn yếu chưa tương xứng với lợi thế của Quảng Trị, năng lực đánh bắt còn hạn chế, thiếu nhiều đội tàu có khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày. Kỹ thuật khai thác, chế biến thuỷ sản ở đây còn lạc hậu.

Nhìn chung, kinh tế ở Quảng Trị còn lạc hậu. Trước hết, Kinh tế hàng hoá kém phát triển, chưa tạo ra được mũi nhọn kinh tế. Thứ hai, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Trị đã cung cấp nhiều sức người, sức của và cho đến nay, tuy chiến tranh đã lùi xa 30 năm, song hậu quả của nó vẫn còn nặng nề. Ruộng đất bị ô nhiễm bởi chất độc hoá học, rừng bị thiêu trụi, con em Quảng Trị hy sinh cho chiến tranh cách mạng

với số lượng lớn... Kết cấu hạ tầng đang càng ngày càng xuống cấp... Thứ ba, bệnh gia trưởng, bảo thủ, hẹp hòi, cục bộ địa phương, thiếu dân chủ, mất đoàn kết đang là vật cản trong phát triển kinh tế của Quảng Trị. Con người Quảng Trị thường bằng lòng với cái hiện có, ít dám mạnh dạn, mạo hiểm trong làm ăn kinh tế. Người dân ở đây có tâm lý thoả mãn, thích nghi nhiều hơn cải tạo điều kiện, hoàn cảnh sống. Sự hỗ trợ, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, khả năng tiếp thụ, khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế. Tính tiểu nông vẫn còn là căn tính cơ bản, chi phối nhiều đặc điểm của cộng đồng và con người Quảng Trị. Đây là một gánh nặng trên đôi vai của người dân Quảng Trị. Quảng Trị chưa thoát khỏi một địa phương nông nghiệp truyền thống. Một xã hội hiện đại (xét cả về cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội) đã xuất hiện, nhưng vẫn chưa “đủ lông đủ cánh” để có thể thay thế xã hội truyền thống ấy.

Có thể nói rằng, để phấn đấu trở thành một tỉnh có nền kinh tế giàu mạnh và phát triển bền vững thì Quảng Trị vẫn phải nỗ lực hết mình và do vậy, vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị tỉnh là vô cùng to lớn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu dịch vụ chăm sóc khách hàng đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị trong quá trình phát triển kinh tế ở quảngtrị hiện nay (Trang 34 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)