Trên tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ IX là “Đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch hoá, nâng cao tính định hướng và dự báo, nâng cao chất lượng của các quy hoạch và kế hoạch, gắn quy hoạch, kế hoạch với thị trường” [18, tr.325], chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng đã xem kế hoạch là một trong những công cụ cơ bản để quản lý và điều tiết nền kinh tế của tỉnh. Để thực hiện nhiệm vụ này, chính quyền tỉnh phải đưa ra được những kế hoạch, những dự báo trong việc thiết lập trạng thái cân bằng giữa cung - cầu, công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ… định hướng theo sự vận động của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Trong tình hình hiện nay, việc lập và thực hiện kế hoạch là thiết yếu nhằm giúp nền kinh tế đi đúng hướng, tránh khuynh hướng mơ hồ, “nói một đường, làm một nẻo”; lập và thực hiện kế hoach còn giúp huy động tối đa nội lực, khai thác tiềm năng của từng ngành, từng địa phương trong toàn tỉnh.
Chính quyền tỉnh cũng cần phải có một chính sách đầu tư hợp lý. Trước hết là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, bởi vấn đề nguồn lực con người đã được Đảng ta hết sức coi trọng; phát triển nguồn lực con người là tư tưởng cơ bản mà Đảng ta đã quán xuyến suốt tiến trình đổi mới. “Nguồn lực con người là tổng thể những yếu tố về thể chất, tinh thần, đạo đức, phẩm chất, trình độ
tri thức, vị thế xã hội”, và do vậy, “để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta phải nhận thức một cách đúng đắn rằng, phát triển nguồn nhân lực là việc làm có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ có thể hoàn thành thắng lợi khi nguồn nhân lực bao gồm đội ngũ công chức, cán bộ Khoa học kỹ thuật, đội ngũ trí thức nhất là đội ngũ cán bộ lao động, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ và có năng lực tổ chức thực hiện, hết lòng vì sự nghiệp của nhân dân, của Đảng, là lực lượng lao động xã hội được phổ cập kiến thức khoa học - kỹ thuật và thực tiễn nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh, có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, cho quê hương, đất nước: “Phát triển nguồn nhân lực phải được coi là nhiệm vụ chiến lược, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của thời kỳ mới” [13, tr.60]. Tiếp đến là đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành cơ cấu lao động, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nhà nước. Phải làm sao để trong thời gian tới phải khắc phục được những khuyết điểm yếu kém mà đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nêu lên bằng kinh tế của tỉnh nhà tăng trưởng khá, nhưng chưa toàn diện và thiếu vững chắc, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng và lẽ ra chúng phải đạt được cao hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, nhưng giá trị hiệu quả kinh tế của một số lĩnh vực quá thấp, chưa có những sản phẩm mang tính chủ lực đủ sức cạnh tranh chi phối thị trường, doanh nghiệp phát triển chậm, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đời sống của nhân dân ở nông thôn, miền núi, nhất là khi bị thiên tai, bảo lũ còn nhiều khó khăn thiếu thốn” [13, tr.150].
Tăng cường đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao hiệu lực của các cấp, các ngành. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng vùng
kinh tế động lực theo phương châm quy hoạch phải thực sự đi trước một bước, được hoạch định và quản lý một cách khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thực tế của địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng quy hoạch việc xây dựng các tuyến, vùng kinh tế động lực có hiệu quả định hướng đầu tư, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển cho các vùng kinh tế động lực của tỉnh. Trước hết, cần tập trung phát triển vùng kinh tế tổng hợp Đông Hà gắn với khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Tiếp tục xây dựng, bổ sung chính sách nhằm ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư bên ngoài; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế - xã hội. Thực hiện mục tiêu đưa Đông Hà lên đô thị loại III trước năm 2007. Nghiên cứu, quy hoạch xác định địa giới hành chính cho các đơn vị hành chính của tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển chung của từng vùng, từng địa phương.
Để phát triển nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế thị trường thì vấn đề huy động vốn là đặc biệt quan trọng, cần có sự tăng cường giám sát.
Lấy tuyến đường 9 làm lợi thế khai thác, phát triển kinh tế tổng hợp, gồm 3 vùng kinh tế động lực là khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, thị xã Đông Hà, khu kinh tế - du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ. Gắn kết chặt chẽ các vùng kinh tế động lực với sự phát triển chung của hành lang kinh tế Đông Tây để Quảng Trị phát huy hiệu quả của trọng điểm đầu hành lang kinh tế Đông Tây về phía Việt Nam và thực hiện các chính sách mở rộng các ngân hàng nhà nước cũng như quỹ tín dụng nhân dân. Việc huy động nguồn vốn phải thực thi trong khuôn khổ của hệ thống luật pháp và các chính sách kinh tế theo hướng vừa khuyến khích, vừa ràng buộc các thành phần kinh tế vào trong qũy đạo của mình. Đó chính là phương thức căn bản để thúc đẩy, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính sách huy động vốn cần gắn liền với việc xem xét và nghiên cứu tình hình cụ thể của tỉnh nhà. Phát huy lợi thế hành lang Đông - Tây, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách khuyến khích nhằm huy động tối đa các
nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư tập trung, dứt điểm từng công trình. Tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Phải quan tâm quản lý chặt chẽ vốn đầu tư, triệt để chống thất thoát. Phải nhận thức được rằng, tiền là do nhân dân đóng góp, việc giao cho chúng ta quản lý là để đầu tư phát triển sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ để khỏi lãng phí của dân, có như vậy dân mới tin, mới ủng hộ.
Hệ thống chính quyền tỉnh cũng cần phải sửa đổi, tạo dựng một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, có khả năng thu hút các chủ thể kinh tế yên tâm sản xuất, kinh doanh. Hệ thống pháp luật này phải phản ánh sự bình đẳng trong kinh tế, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của cả nước trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nưcớ ta hiện nay. Hoàn thiện hệ thống pháp luật không những có thể khai thác được tiềm năng kinh tế của tỉnh nhà mà, còn thu hút được các nguồn lực bên ngoài một cách triệt để, bởi đây chính là “sân chơi bình đẳng” cho các thành phần kinh tế và các chủ thể kinh tế.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải dần hoàn thiện các chính sách xã hội, như văn hoá, giáo dục,…
Tiếp tục cải cách thể chế hành chính, xoá bỏ những thủ tục hành chính rườm ra, nhiều cửa. Kịp thời giải quyết nhanh chóng mọi khiếu nại của công dân. Xây dựng quy chế, kiện toàn tổ chức. Tiếp tục chấn chỉnh thái độ, phong cách làm việc của đội ngũ viên chức nhà nước, thực hiện chế độ công vụ của công chức.