Văn học trung đại chủ yếu là chỉ ra hành vi, hành động của nhân vật vì thế người ta còn gọi nhân vật trong các tác phẩm tự sự là ―vai hành động‖ (G.N.Pospelov). Và nhiệm vụ của người trần thuật là ―thuyết minh hành động‖ cho các nhân vật trong tác phẩm.
Nhân vật Mỵ Ê để lại ấn tượng trong lòng độc giả không phải qua thế giới nội tâm phong phú hay ngôn ngữ táo bạo hoặc sắc đẹp tuyệt thế mà chủ yếu qua cách ứng xử và hành động phi thường. Nàng được ngợi ca là ―nghĩa phụ‖, ―trinh liệt‖, ―liệt nữ‖ là bởi vì có những hành động, những cách ứng xử mà Nho gia và những người theo quan điểm nam quyền khuyến khích, ngưỡng mộ. Những hành động, cách ứng xử thiên về thực hiện lý tưởng đạo đức này đương nhiên khác với cách ứng xử và hành động thiên về đời sống thân xác, thiên về thỏa mãn khao khát cá nhân của người phụ nữ bị xem là phản diện (như trường hợp quận chúa A Kim trong Lĩnh Nam chích quái hay những nhân vật nữ có tình yêu phóng túng sau này trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ).
Cách xử sự của Mỵ Ê được tác giả kể lại (ngày nay ta rất khó biết nàng nói gì, vì sao mà chết mà chỉ biết được cái chết qua tự sự của một nhà nho thế kỷ XIV). Việc hiển hiện báo ứng âm phù được kể lại là nhằm chứng minh cho thấy những người phụ nữ chết oanh liệt như vậy (nên được nho gia gọi là liệt nữ) bao giờ cũng linh ứng, thành thần thiêng (cầu đảo linh ứng) và việc sắc phong thần ở đời Trần vào hai năm 1285-1288 (triều này không liên quan gì đến đời Lí) cho thấy triều đại chọn Nho giáo đã tìm thấy từ những con người và câu chuyện ấy một cơ hội quan trọng để tuyên truyền giáo dục cho phụ nữ về lòng trung trinh, cũng như nam giới về trung nghĩa. Chúng ta biết rằng Nho giáo nói chung, đặc biệt là Tống Nho rất nghiệt ngã với vấn đề trinh tiết của người phụ
nữ (chết đói là sự nhỏ, thất tiết là chuyện lớn). Điểm này được nhiều nhà nghiên cứu từ lâu nhắc đến. Phan Khôi từ năm 1929 trên báo Phụ nữ tân văn đã lên án quan niệm trinh tiết đầy màu sắc nam quyền của Tống Nho. Trong bài Chữ trinh: cái tiết với cái nết, ông đã lên án luật đề cao trinh tiết của phụ nữ như là bảo vệ quyền lợi đàn ông (nam quyền): ―Trinh là một cái nết. Nhưng về sau người ta uốn nắn nó ra thành một cái tiết. Cho nên khen người đàn bà chánh chuyên là trinh tiết, là tiết phụ. Tiết khác với nết. Tiết là một cái dấu tỏ ra mình đã làm hết bổn phận của mình đối với người mà mình thuộc về. Một người đàn bà chết chồng, không lấy chồng khác, mà gọi là tiết phụ cũng chẳng khác nào một người bầy tôi chết vì vua gội là tử tiết hay tận thần tiết. Tiết phụ là một người vợ đã hết bổn phận với chồng cũng như “tử tiết chi thần” là một bầy tôi đã làm hết bổn phận với vua(…).Trinh mà chuộng về nết thì một người đàn bà chết chồng có thể lấy chồng khác, không gọi là thất trinh được, miễn là trong khi có chồng khác đó vẫn đoan chánh và chánh chuyên. Nhưng chuộng về tiết thì chết chồng mà lấy chồng khác là thất tiết. Cái luật nghiêm khắc ấy do lòng tham và thói ích kỉ của bọn đàn ông bày ra, rất là không công bình‖[66; tr.213-218]. Theo cách hiểu này, nếu ―trinh‖ được đánh giá là cái nết thì việc một người phụ nữ có quyền đi lấy chồng khác vẫn không bị gọi là ―thất trinh‖, miễn là chị ta vẫn giữ được đoan chính còn nếu ―trinh‖ được hiểu là ―cái tiết‖ thì người phụ nữ lấy chồng khác bị coi là ―thất tiết‖, là xấu xa. Trong xã hội nam quyền, ―trinh‖ không được đánh giá như ―cái nết‖ mà lại bị xem xét nghiêm ngặt như ―cái tiết‖ nên đã gây ra nhiều sức ép cho người phụ nữ, tước đi của họ những quyền lợi chân chính. Trình Hy - một học giả Tống Nho đã tuyên bố và lí giải quan điểm ấy trong câu chuyện sau: ―Có kẻ hỏi: Theo lẽ, hình như không nên lấy đàn bà góa, thế nào?
Y Xuyên tiên sinh (tức Trình Hy) đáp rằng: Phải! Phàm lấy vợ, để sánh với mình; nếu lấy người đàn bà thất tiết để sánh với mình, thì mình cũng là thất tiết.
Lại hỏi: Người đàn bà ở góa mà bần cùng không cậy nhờ ai được thì có nên tái giá không? Đáp rằng: Chỉ có người đời sau sợ chết đói mới có cái thuyết ấy. Song le, chết đói là sự rất nhỏ, còn thất tiết là sự rất lớn!‖ [67; tr.141]
Theo lời Trình Hy mà suy thì đàn bà góa dầu đói đến nỗi chết đi nữa cũng ở vậy mà chịu chết chứ không được lấy chồng khác, nếu lấy chồng khác thì thất tiết, mà thất tiết là sự ―cực đại‖, là việc hệ trọng hơn cả sinh mệnh. Câu chuyện này là minh chứng điển hình cho quan niệm khắt khe của Nho gia về trinh tiết, thể hiện cái nhìn ―điển chế hóa‖ với người đàn bà quả phụ của các học giả Tống Nho.
Dưới sức ép của quan điểm văn hóa này, người phụ nữ góa bụa đi lấy chồng khác sẽ bị đánh giá về mặt đạo đức, bị xã hội, đặc biệt là nhà Nho xem thường. Ngược lại, những người phụ nữ cố gắng tuẫn tiết, thủ tiết sẽ được ngợi ca, nêu gương.
Để chứng minh thêm tính chất hà khắc của Nho giáo đối với người phụ nữ, ông Phan Khôi còn kể một số câu chuyện điển hình cho hiện tượng mà ngày nay ta có thể gọi là cách nhà nho xưa vận dụng ―chuẩn mực kép‖: một mặt coi thường phụ nữ; mặt khác lại đòi hỏi ở phụ nữ hành vi đạo đức cao hơn đàn ông. Chẳng hạn, ông kể cuối đời Nguyên, ―Phan Nguyên Thiệu sắp đem binh ra đánh với Minh Thành Tổ, kêu bảy nàng hầu của mình ra nói rằng: ―Ta nếu có điều chi chúng bay phải liệu mà xử lấy mình, đừng để người ta cười cho‖. Một nàng quỳ xuống thưa rằng: ―Thiếp xin chết trước mặt phu quân, kẻo còn nghi ngại!‖- rồi vào buồng tự ải. Sáu nàng kia cũng chết nốt. Thế rồi Nguyên Thiệu ra sao? Và chẳng những không tử tiết mà lại về đầu nhà Minh!‖. Như vậy, có thể thấy: Nho giáo chuộng trinh chuộng về tiết thì chẳng những giam đàn bà con gái vào vào cảnh ―điêu đứng, đắng cay, thấp hèn‖ mà còn ―sinh ra cái tệ khinh rẻ mạng người‖. Trong xã hội nam quyền người đàn bà cải giá bị hạ thấp, bị tước hết quyền lợi vật chất và tinh thần, trong khi đó triều đình áp dụng hàng loạt biện pháp nâng giá của người đàn bà thủ tiết như ban chiếu sắc, cấp biển vàng, sinh biểu cho những người ở góa trọn đời hay là tự chết theo chồng. Song thực chất của những ―ân điển‖ ấy nghĩ kĩ ra lại không phải ―vinh hạnh‖ cho người đàn bà mà ―chẳng qua là cái biểu hiện tham lam ích kỉ của đàn ông và cũng là cái xiềng để trói đàn bà lại‖. Sự bất bình đẳng mà Phan Khôi nói ở đây chính là sự bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong xã hội nam quyền phong kiến - cái xã hội ―nhị trùng đạo đức‖, ―cùng là người ở trong một xã hội, dưới quyền thống trị một luân lý, mà có hai thứ luật buộc cho hai bên (nam giới và nữ giới) khoan nghiêm khác nhau‖ [66; tr.143]. Quan niệm về trinh tiết người phụ nữ là một quan niệm khắt khe và bất công như thế. Có thể thấy, việc coi trọng trinh tiết người phụ nữ không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà thực chất có nguồn gốc từ trung Hoa, mở rộng ra tất cả các quốc gia thuộc vùng văn hóa phương Đông và âm ỉ tồn tại trong trường kỳ lịch sử ở vùng văn hóa này. Tân Đường thư - Cuốn sách được viết vào khoảng thế kỷ XI ở Trung Quốc có kể lại một câu chuyện chỉ gồm năm mươi tư ký tự Trung Hoa nhưng tiêu biểu cho tinh thần đề cao trinh tiết người phụ nữ một cách thái quá như sau: ―Lư thị - vợ của Phòng Huyền Linh, là con cái của một dòng họ không nổi tiếng. Huyền Linh cũng chỉ là một người đàn ông vô danh khi ông ta lâm bệnh và hấp hối. Để miễn cho người vợ bổn phận tòng phu, Huyền Linh nói với Lỗ thị rằng: ―Bệnh tình của ta
đã trở nên rất xấu, nhưng nàng còn trẻ, nàng không nên ở vậy; tốt hơn là hãy đi lấy một người khác‖. Nghe chồng nói, Lư thị khóc lóc, sau đó vào phòng và móc ra một con mắt trên mặt mình để chứng minh với Huyền Linh rằng tại căn phòng của nàng sẽ không bao giờ có một người đàn ông thứ hai. Về sau, Huyền Linh bình phục và đối xử với Lư thị bằng sự ái mộ‖[176; tr.206]. Trong câu chuyện này, Lư Thị đã vì mục đích chứng minh lòng tiết liệt mà tự phá hoại thân thể của mình. Hành động của nàng thể hiện tinh thần trọng danh dự hơn thân xác, thể hiện cái nhìn khắt khe về trinh tiết người phụ nữ.
Ở Trung Quốc, Lâm Ngữ Đường- một học giả Tây học, đã viết một bài công phu khảo về tư tưởng nữ quyền trong lịch sử Trung Quốc thời cổ. Ông cũng có những điểm giống như Phan Khôi: lên án chủ nghĩa nam quyền của Tống Nho vì bên cạnh đạo đức giả, đã áp dụng chuẩn mực kép đối với phụ nữ, một mặt coi thường người phụ nữ, mặt khác lại đòi hỏi hành vi đạo đức cao hơn chính người đàn ông.…Nhìn chung, qua ý kiến của Phan Khôi, Lâm Ngữ Đường ta hiểu khá rõ mặt trái của cái nhìn nam quyền mà nhà nho chủ trương đối với người phụ nữ. Với cái nhìn thiên kiến ấy, nhà nho ở thế kỉ XVIII- XIX như Nguyễn Công Trứ (1778-1858), một người được nhiều học giả hiện đại coi là ―nhà nho tài tử‖ với phẩm chất ―thị tài, đa tình‖ (thậm chí trong đời sống ông còn có tới 13 vợ!) lại phê phán gay gắt nàng Kiều. Vấn đề là ở chỗ, sau khi Kiều đâm dao vào cổ tự tử nhưng không chết, nàng đã không quyết tâm chết. Thuý Kiều đã sống trong chốn nhà chứa hàng chục năm trời, nghĩa là không giữ được phẩm tiết theo quan điểm Nho giáo. Nguyễn Công Trứ đã phê phán Kiều cho rằng vì tà dâm, vì ―bướm chán ong chường‖ nên đã phải sống kiếp đoạn trường. Nguyễn Công Trứ đòi hỏi người phụ nữ Thuý Kiều phải tự tử để bảo toàn phẩm tiết. Quan điểm khắc nghiệt có tính chất Tống Nho đối với trinh tiết người phụ nữ còn tồn tại dai dẳng ngay trong cách nghĩ của Tản Đà (1889-1939), một nhà nho có nhiều nét cách tân, từng được các nhà thơ lãng mạn Âu hoá thuộc phong trào Thơ Mới nửa đầu thế kỉ XX tôn vinh, ông được xem là người dạo những bản nhạc đầu tiên báo hiệu cho trào lưu thi ca hiện đại. Vậy mà Tản Đà vẫn còn có thể phê phán Thúy Kiều là không trinh tiết, thậm chí là dâm, là đĩ!: ―Đôi làn nước mắt đôi làn sóng/Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan/Tổng đốc có thương người bạc mệnh/Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan‖. Ngay đến cái chết oan ức của người liệt nữ Nam Xương, Nguyễn Công Trứ cũng không thông cảm vì ông cho rằng muốn gì thì người phụ nữ vẫn sai, người đàn ông là vô can bất luận trong trường hợp nào: ―Đọc đến truyện Nam Xương liệt nữ/Dẫu tình ngay song lí cũng là gian/Thực cùng chồng chi nỡ dối cùng con/Gương nữ tắc trông vào chưa phải lẽ/Đã có ngọn đèn chơi với
trẻ/Thời chiếc bóng gọi là chồng/Tiếng phũ phàng chi nỡ trách đàn ông‖... Đây là những dẫn chứng tiêu biểu cho quan điểm nam quyền. Những nét bảo thủ cố hữu của các nhà nho thực ra xuất phát từ quan niệm khắc nghiệt: chết đói là sự nhỏ, thất tiết là chuyện lớn.
Trở lại trường hợp Mỵ Ê ta thấy rằng: để bảo toàn trinh tiết theo quan niệm Nho giáo nàng không còn cách nào khác là tự vẫn, chết theo chồng. Việc quấn chăn nhảy xuống sông của Mỵ Ê-một hành động dường như là máy móc, không có phân vân, băn khoăn gì hết, tựa như được chương trình hóa. Nghĩa là ―buộc‖ phải duy nhất lựa chọn như thế.Điều này lại thêm một lần khẳng định sự thiệt thòi của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cái nhìn nam quyền độc đoán, hà khắc mà nhà nho chủ trương đối với người phụ nữ chỉ chứng tỏ sự ―tham lam ích kỉ‖ của người đàn ông và những ràng buộc vô lí đối với người phụ nữ. Và đây cũng là sự khắc nghiệt của quan điểm ―tòng phu‖. Lợi dụng thuyết ―Tòng phu‖, giai cấp phong kiến thống trị ở một số triều đại cũng đề ra luật lệ bức người phụ nữ chết theo chồng để thỏa mãn lòng ích kỷ nam giới. Đại Việt sử kí toàn thư có một số đoạn ghi chép lại hiện tượng này. Ở triều Lý Nhân Tông có hiện tượng Hoàng thái hậu họ Dương và bảy mươi sáu người thị nữ bị bức tử chết theo vua Lí Thánh Tông: ―Hoàng thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua... Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông‖ [75; tr.199]. Hiện tượng tương tự là việc các cung nữ buộc phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo vua Lê Nhân Tông: ―Ngày Ất Dậu (tháng 12 năm 1127), vua bắt đầu ngự điện Thiên An coi chầu, xuống chiếu cho các quan bỏ áo trở. Ngày hôm ấy vua ngự giá đi Na Ngạn xem các cung nữ lên dàn thiêu để chết theo Đại Hành Hoàng Đế‖ [75; tr.218]. Và một trường hợp khác là việc các phi tần bị bắt tự tử theo Thành Vương: ―Đinh Sửu [1457]... Tháng 2, ngày mồng 1, nhà Minh phế vua Cảnh Thái là Thành Vương như cũ, cho về ở Tây cung. Tháng ấy, ngày 19, Thành Vương mất. Ban lụa hồng cho các phi tần, bắt phải tự tử để chôn theo Thành Vương‖ [75; tr.606]… Một số sự việc trên đây chính là minh chứng tiêu biểu cho sự bất công, vô nhân đạo của luật ―Tòng phu‖ nếu nó bị lợi dụng đến mức cực đoan.
Nhìn chung, miêu tả nhân vật Mỵ Ê, nhà văn không nhấn mạnh ngoại hình, ngôn ngữ, không quan tâm đến những nét tâm lí có chứa đựng cảm xúc riêng tư và yếu tố bản năng của họ mà chú trọng ca ngợi ngôn hành, phẩm hạnh đáp ứng tiêu chí về người phụ nữ lí tưởng của Nho gia. Từ điểm nhìn nam quyền, nhà văn đã đạo đức hoá, thần thánh hoá nhân vật làm mờ yếu tố giới ở Mỵ Ê.