Hoàng đế là người đứng đầu trăm họ nên ―ông ta‖ có những quyền lực siêu việt, vạn năng. Và để bảo vệ cho quyền lực ấy thì Hoàng đế cũng như triều đình mà ông ta lập nên luôn tìm ra những con đường để bảo vệ đế quyền. Có thể bảo vệ bằng quân sự, chính trị, văn hóa, thậm chí là văn hóa tâm linh...Ngoài những con đường bảo vệ đế quyền ấy các Hoàng đế ở thời quân chủ phong kiến Việt Nam còn có một phương thức khẳng định đế quyền nữa là bằng văn học. Với các ông vua, thơ văn trước hết là công cụ thống trị, là phương tiện để chuyển tải đạo trị nước an dân. Điều này không có gì lạ và rất thống nhất với quan niệm sáng tác của các tác giả trung đại: ―văn dĩ tải đạo‖, ―thi dĩ ngôn chí‖. Hơn nữa, người xưa quan niệm văn chương chính là hình thức, là cái bộc lộ ra bên ngoài của thiên tài. Thiên tài tất phải thể hiện ra bên ngoài bằng văn chương giống như con báo thì phải có vằn, con phượng phải có lông sặc sỡ. Giỏi văn chương tức là có thiên tài, có thể đảm đương được bất cứ công việc nào của người lãnh đạo, dù việc đó là kinh tế, chính trị, hay quân sự, văn hoá. Khổng Tử- ông tổ của Nho gia đã từng nêu lên quan niệm văn chương tuyên truyền và bảo vệ đạo đức, lễ giáo phong kiến: ―Thơ có thể làm phấn khởi ý chí, có thể giúp quan sát phong tục, hòa hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sấu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được tên chim muông, cây cỏ‖ (Luận ngữ-
Dương hóa); ―Kẻ có đức ắt có lời‖ (Hữu đức giả, tất hữu ngôn- Luận ngữ. Hiến vấn). Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp cũng đã quán triệt tư tưởng của Khổng Tử: ―Đạo nhờ thánh nhân mà thành văn chương, nhưng thánh nhân cũng nhờ văn chương mà làm sáng tỏ đạo” (Nguyên đạo). Hàn Dũ thì lại nêu lên tương đối nhất quán, cô đúc chức năng của ―văn‖ đối với ―đạo‖: ―văn dĩ minh đạo‖ (văn làm sáng tỏ đạo)…Đó là lí do khiến cho các đế vương, lãnh tụ Phương Đông thường sáng tác thơ văn như là một cách để khẳng định tài đức của mình, cũng là để khẳng định sức mạnh của triều đại. Nhìn vào thực tế lịch sử ta thấy đây là hiện tượng phổ biến, trước và sau Lê Thánh Tông các nhân vật chính trị đều làm thơ, từ vua Lí-Trần, chúa Trịnh, vua Nguyễn, kể cả Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông sau này cũng đều làm thơ.Chúng ta nhớ đến bài thơ Lí Nhân Tông làm khen tặng thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền-hai người đã trổ tài thần thông biến hoá trong cung điện trước sự chứng kiến của nhà vua- sự kiện này đã cho thấy một điều: ý thức dùng văn học để khẳng định quyền uy tối thượng của một ông vua, ít nhất cũng
chứng tỏ tài năng mẫn tiệp trước quần thần, kể cả đó là hai vị thiền sư và đạo sĩ. Chúng ta cũng khó quên được những vần thơ lướt trên sóng nước từ Nội Bàng về Vạn Kiếp ngùn ngụt khí thế chiến đấu và niềm tin bất diệt vào sức mạnh của dân tộc mà hoàng đế Trần Nhân Tông đã viết vào tháng Chạp năm Giáp Thân (1285) để khích lệ tướng sĩ Đại Việt giúp họ hăng hái vượt qua khó khăn, gắng sức chiến đấu giành thắng lợi: ―Cối Kê cựu sự quân tu kí/Hoan Diễn do tồn thập vạn binh‖ (Việc cũ Cối Kê ngươi nên nhớ/Hoan Diễn đang còn chục vạn quân). Hay những vần thơ ứng tác ―mừng thắng trận‖ của Người cũng ngầm ẩn sự khẳng định sức mạnh, sự trường tồn của triều đại nhà Trần cũng là của non sông đất nước Đại Việt: ―Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu‖ (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Những gì vua tôi Lê Thánh Tông xướng hoạ trong Quỳnh uyển cửu ca cũng mang tính mục đích rõ nét: ca công tụng đức. Về sau, các chúa Trịnh cũng mô phỏng kinh nghiệm của Lê Thánh Tông không những trực tiếp ra đề thi tiến sĩ mà còn đích thân làm thơ ban tặng các quan, thơ xướng hoạ. Theo Lịch triều tạp kỉ của Ngô Cao Lãng, trong thế kỉ XVIII, các chúa Trịnh nhiều lần xướng hoạ với quần thần. Tháng 5 năm 1717, chúa Trịnh sai các triều sĩ soạn bài châm Biết người để xem tài học súc tích của từng người. Bấy giờ, Đặng Đình Tướng và Nguyễn Quý Đức cùng soạn bài châm Biết người bằng chữ Hán để dâng chúa. Đây là cách khẳng định quyền lực rất riêng trước hết của các bậc quân chủ trị vì ở thời trung đại vì thời trung đại Phương Đông, phổ biến quan niệm thiên tài phải được thể hiện bằng tài năng văn chương. Nhà vua không chỉ là thiên tử mà còn là thiên tài thì việc làm thơ, xướng hoạ với quần thần là cách thể hiện thiên tài. Tất nhiên về phía các quần thần khi làm thơ theo yêu cầu của bậc quân vương thì nội dung tôn vinh tài năng, công nghiệp của đấng anh minh là không thể thiếu. Việc vua tôi xướng hoạ vì thế đem lại nhiều lợi ích cho công cuộc trị vì. Nhiều vị vua triều Nguyễn cũng mô phỏng mô hình hoạt động sáng tác, xướng hoạ của Lê Thánh Tông để phục vụ cho công cuộc cai trị, khẳng định tài năng, đức độc của họ, ca ngợi chế độ, tập hợp quần thần. Trường hợp Minh Mệnh hâm mộ Lê Thánh Tông và yêu cầu triều thần so sánh thơ văn của mình với Lê Thánh Tông có thể xem là một trường hợp tiêu biểu…Như vậy, các triều đại phong kiến từ rất sớm đã nhận thức rõ sức mạnh của thơ văn và biết tận dụng sức mạnh ấy phục vụ cho chính trị. Thơ văn trong nhận thức của họ là một lợi khí xây dựng chế độ, một phương tiện thống trị. Để giúp hình dung sự nghiệp văn học cũng như mục đích sáng tác
thơ ca của các Đế Vương Việt Nam giai đoạn phong kiến chính thống chúng tôi đi vào tìm hiểu trường hợp tiêu biểu nhất là hoàng đế-nhà nho-thi sĩ Lê Thánh Tông- người cũng đã có quan điểm rất rõ ràng về mục đích sáng tác thơ ca. Trong bài Tựa sách Quỳnh uyển cửu ca, Lê Thánh Tông đã phát biểu về quan niệm văn chương của mình: ―Ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích lục nghệ, mọi sự huyên náo lắng xuống, một ngọn đèn sáng thơm tho, thị dục ít, tinh thần trong sạch, ở yên, hứng cao mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép của thánh đế minh vương, lòng cẩn thận của trung thần lương bật. Gọi chàng giấy, họ bút, thượng khách mực, trọng thần nghiên đá, bảo đi bảo lại rằng: chân tình ta phát ra, có ánh sáng dào dạt, thành cách ngôn hay. Các ngươi có thể ghi chép giúp ta được không?‖. Rõ ràng đây là quan niệm ―văn dĩ tải đạo‖ theo cách nhìn của người đứng đầu nhà nước phong kiến. ―Đạo‖ ở đây là đạo thánh đế minh vương tức đạo trị nước. ―Đạo‖ ở đây còn là đạo trung thần lương bật, tức là đạo thờ vua. Lê Thánh Tông có ý thức rất cao trong việc dùng văn học phục vụ nhà nước phong kiến. Thực chất đây là quan niệm ―văn‖ trong hệ thống đạo-thánh-văn mà Nguyễn Trãi đã từng đúc kết trong bài thơ Bảo kính cảnh giới, số 5:
Văn chương chép lấy đòi câu thánh, Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung, Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng.
Và mối quan hệ máu thịt giữa văn học và chế độ phong kiến đã được Lê Thánh Tông cụ thể hóa trong những sáng tác của mình. Sáng tác thi ca theo quan niệm ―thi dĩ ngôn chí‖ của văn chương trung đại, hoàng đế Lê Thánh Tông luôn gửi gắm ý chí, phẩm chất, hoài bão của mình trong từng thi phẩm. Nhưng rõ nhất cho việc tỏ chí ở ông phải kể đến bộ phận những bài thơ Nôm vịnh vật, vịnh cảnh trong tập Hồng Đức quốc âm thi tập. Qua những vật dụng hết sức đời thường như cái rế, cái cái bếp, cái nón… hay những sự vật như cây sen, cây trúc, cây mai, cây hoa cúc, cây chuối, cây khoai… rồi đến cả vầng trăng đều được nhà thơ xem như những đối tượng để ―tỏ chí‖, ―tỏ lòng‖. Ngay cả khi làm câu đối tặng cho những người dân nghèo trong những chuyến vi hành, ông cũng thể hiện rõ điều này. Tương truyền cứ đến ngày Giáp tết, Lê Thánh Tông thường ăn mặc giả thường dân, vi hành xem dân chúng chuẩn bị đón năm mới ra sao. Gặp một căn nhà tồi tàn, không có câu đối dán ngoài cửa, hỏi vì sao? Gia chủ thưa: thân phận nghèo lại làm nghề hèn hạ nên không dám xin chữ ai cả. Lại hỏi: Làm nghề gì? Thưa: hót phân. Lê Thánh Tông bảo đem giấy ra ông cho chữ. Chủ nhà mừng cuống. Lê
Thánh Tông bảo người theo hầu lấy nghiên mài mực và viết ngay đôi câu đối nét chữ bay bướm rất đẹp nổi bật trên giấy hồng điều:
Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian sự Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm
Nghĩa là: Mình mặc chiếc áo võ (chiếc áo giáp nhiều mảnh kìm loại chồng lên nhau na ná như áo tơi của người hót phân) thường gánh vác sự khó khăn trong thế gian. Tay cầm thanh gươm dài ba thước (ám chỉ dụng cụ hành nghề của chủ nhà) thu hết lòng người trong thiên hạ (nhân tâm nghĩa đen là lòng người, nghĩa bóng là từ lòng người mà ra-tức phân). Câu đối tết về gia cảnh người hót phân đọc lên không thấy tầm thường mà mường tượng như ông quan võ, khẩu khí rất đế vương. Khi đến một ngôi nhà khác cũng không thấy câu đối tết, ông hỏi gia chủ làm nghề gì? Thưa: thợ nhuộm vải. Lại bảo người ta lấy giấy và viết giúp câu đối: ―Thiên hạ thanh hoàng, gian ngã thủ/Triều trung chu tử, tổng ngô môn‖. Nghĩa là: Các thứ xanh vàng trong thiên hạ đều do tay ta (theo quan niệm tín ngưỡng xưa trong dân gian: trời xanh là cảnh thái bình, trời vàng là cảnh loạn lạc- nên còn hiểu sự thái bình hay loạn lạc trong thiên hạ đều do tay ta làm ra cả). Các thứ đỏ, tía trong triều đình cũng đều từ cửa nhà ta mà ra… Có một lần khác, Lê Thánh Tông làm giúp câu đối tết cho một bà lão bán hàng trầu, nước nhưng ông làm thơ Nôm: ―Nếp giầu quen thói hình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm/Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng‖. Đôi câu đối nói lên được hiện vật của một hàng nước: giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước: bát, hàng (quán)… nhưng tâm thế lại là tâm thế của một người có chí khí đế vươngtrị quốc bình thiên hạ…Như vậy thơ khẩu khí của Lê Thánh Tông thông qua những cái bình thường để nói những cái lớn lao, cao quý. Điều này cho thấy dấu hiệu của sự gia tăng yếu tố dân dã, bình dị trong cảm hứng sáng tác văn học của thơ nhà nho. Thơ khẩu khí cao quý mà dân dã là thế.
Nhìn chung, chúng ta thấy rằng một cách tự nhiên các Hoàng đế đã gắn bó mật thiết với quan niệm văn học của Nho giáo. Với họ văn chương dĩ nhiên là công cụ chính trị, là phương tiện để thực thi giáo hoá. Và trong đó thơ là thể loại bộc lộ được nhiều nhất cái Tâm, Chí, Đạo mà họ muốn truyền đạt.
4.2.2… Đến thực tế sáng tác thơ ca của Hoàng đế Lê Thánh Tông
Lê Thánh Tông là vị Hoàng đế hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã để lại một sự nghiệp văn học tương đối phong phú, đa dạng, với mục đích sáng tác rõ ràng:
nhiều bậc nhất trong gia tài văn học Lê Thánh Tông để lại. Ông là tác giả, đồng tác giả 9 thi tập: Anh hoa hiếu trị (Sửa trị tinh hoa đạo hiếu - nhân về thăm quê cha đất tổ Lam Kinh), Xuân vân thi tập (Tập thơ về những áng mây mùa xuân nơi cửa bể, cuối nước đầu non), Cổ kim cung từ thi (Thơ và từ trong cung xưa nay), Châu cơ thắng thưởng (Thơ châu báu thưởng lãm danh thắng), Chinh Tây kỷ hành (Ghi chép trên đường hành quân chinh phục phía Tây - đánh Chiêm Thành quấy phá), Minh lương cẩm tú (Lời đẹp như gấm thêu của vua sáng tôi hiền - ca tụng 13 cửa biển và 1 cửa ải trên khắp mọi miền đất nước),
Văn minh cổ xúy (Cổ vũ về văn minh - khi cùng hoàng gia, quần thần bái yết sơn lăng),
Cổ tâm bách vịnh (Trăm bài thơ vịnh tấm lòng người xưa - cả khen lẫn chê theo tinh thần Nho giáo) và Quỳnh uyển cửu ca (Chín khúc ca nơi vườn quỳnh - viết nhân đất nước liên tục được mùa những năm 1493 - 1494)…với hơn 170 bài. Ngoài 9 thi tập với hơn 170 thi phẩm trên đây, thơ chữ Hán Lê Thánh Tông còn khoảng 150 bài nằm rải rác ở đủ loại văn bản đương thời cùng một Lam Sơn Lương thủy phú, một Thánh Tông di thảo.Bên cạnh đó, dù có phần ―khiêm tốn‖ hơn thì di sản văn học chữ Nôm của Lê Thánh Tông cũng không đi ra ngoài quỹ đạo đã vạch sẵn này. Tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm Lê Thánh Tông để lại, hiện có chừng vài chục bài thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập
và áng Thập giới cô hồn quốc ngữ văn.
Sự nghiệp văn học của hoàng đế Lê Thánh Tông khá phong phú, đồ sộ tuy nhiên trong khuôn khổ của Luận án, chúng tôi chủ yếu chỉ tiến hành khảo sát con người tác giả thể hiện qua thơ ôngchứ không đi vào toàn bộ sáng tác của ông. Bởi lẽ chúng ta biết rằng văn học của Nho giáo chính thống là thứ văn học chí thiện, phải hoàn toàn phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức, được đo bằng thước đo của đạo đức. Vì thế để bộc lộ tâm, chí, thơ trở thành bộ phận lớn nhất, trữ tình là nét chủ đạo trong văn học. Đối tượng nghiên cứu của Luận án là nhân vật Lê Thánh Tôngthể hiện qua250 bài thơ trong đó hơn 100 bài thơ chữ Nôm và khoảng 150 bài thơ chữ Hán được tuyển chọn trong các sách như: Thơ văn Lí-Trần, Hồng Đức Quốc âm thi tập (NXBVH, Viện Văn học, H-1962), Lê Thánh Tông- Thơ văn và cuộc đời (Mai Xuân Hải. NXB Hội nhà văn, H-1998)…Riêng về phần Thơ Nôm của Lê Thánh Tông trong HĐQATT cũng vẫn còn nhiều vấn đề tồn nghi về sự chính xác của số lượng bài thơ. Gần đây nhất (năm 2013) luận án tiến sĩ Ngữ Văn của Trần Thị Giáng Hoa tại Học viện KHXH đã cung cấp cho chúng ta nhiều dữ liệu quan trọng liên quan tới những tác giả đích thực của những bài thơ trong HĐQATT [47]. Sau những phân
tích loại trừ từ lịch sử, văn bản, ngôn ngữ, xướng họa, tác giả, Trần Thị Giáng Hoa đã xác định được 107/328 bài trong HĐQATT là của Lê Thánh Tông. Tuy nhiên có một số bài thơ quen thuộc của Lê Thánh Tông như bài ―Lại bài viếng Vũ thị‖ thì Giáng Hoa lại khẳng định không phải của Lê Thánh Tông (xếp vào mục thơ của tác giả chưa xác định danh tính). Luận án của chúng tôi không có nhiệm vụ đi vào giám định văn bản tác phẩm mà chỉ thừa hưởng thành quả của những người đi trước. Do đó, văn bản trong sách Lê Thánh Tông – Thơ văn và cuộc đời
của Mai Xuân Hải được chúng tôi sử dụng là văn bản chính để phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Bởi thế, trong khi chờ đợi những sự minh xác thêm từ giới nghiên cứu chúng tôi vẫn mặc định Lại bài viếng Vũ thị là của Lê Thánh Tông. Cũng cần nói thêm: phần văn xuôi vì có những ý kiến khác nhau về tác giả của Thánh Tông di thảo nên chúng tôi không nghiên cứu ở đây.