Câu chuyện nhân vật Mỵ Ê nhìn từ góc nhìn lý luận nghiên cứu giới

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV (Trang 99 - 102)

Để nghiên cứu nhân vật liệt nữ Mỵ Ê với tư cách là ―người nữ‖ trong bối cảnh ―văn hoá giới‖ thời trung đại chúng tôi triển khai một số vấn đề lý luận về giới làm cơ sở nền tảng cơ bản để nghiên cứu vấn đề.

Giới (Gender) là một thuật ngữ khoa học được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Những hướng tiếp cận không giống nhau với vấn đề giới đã cho ra đời số lượng định nghĩa khá phong phú về thuật ngữ này. Tuy nhiên, chúng tôi không đi sâu phân tích từng định nghĩa mà chỉ hướng tới đưa ra một quan niệm đáng tin cậy nhằm làm chỗ dựa trong tiến trình nghiên cứu.

Trong cuốn sách nổi tiếng Giới tính thứ hai (Le Deuxième) bà Simone de Beauvoir đã có một câu nói khẳng định bất hủ: ―Người ta sinh ra không phải là phụ nữ mà là trở thành phụ nữ‖. Luận điểm này của bà Beauvoir nhằm đạp đổ bản chất luận cho rằng phụ nữ sinh ra đã là ―phụ nữ‖. Ý của bà nghĩa là: khi sinh ra, người ta chỉ là nam, nữ theo nghĩa giới tính bản năng, còn người phụ nữ không có bẩm sinh, không có một nữ tính muôn thuở mà là sản phẩm của văn hóa xã hội, của giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội. Sống trong xã hội Việt Nam theo Nho giáo, nam quyền, người phụ nữ Việt Nam chung thủy, chính chuyên, nhưng khi đi sang phương Tây, sống trong môi trường văn hóa nữ quyền, họ có thể có những ứng xử vượt ra ngoài những qui phạm ấy. Áp lực của môi trường văn hóa rất mạnh, tạo nên cách hành xử suy nghĩ của con người. Vì thế để phân tích người phụ nữ trong văn học cần lý giải hoàn cảnh xã hội, truyền thống văn hóa ảnh hưởng-đó là lý do người ta nghiên cứu hình tượng phụ nữ ởxã hội nam quyền, nơi nam giới thống trị, các chuẩn mực đạo đức, sắc đẹp, hành vi của phụ nữ phục vụ cho nam giới…Qua quan điểm của Simone de Beauvoir chúng ta thấy rằng: người ta trở thành phụ nữ/đàn ông là do quá trình giáo dục của một nền văn hoá-xã hội nhất định. Chẳng hạn, mô hình không gian Nội- Ngoại, Âm- Dương ở Trung Quốc cổ trung đại cho thấy sự hình thành, phân công nam nữ về phương diện văn hoá-xã hội: mọi chuẩn mực ở người phụ nữ đều do nam giới qui định và áp đặt nhằm bảo vệ cho lợi ích của đàn ông.

Chúng ta biết rằng Simone de Beauvoir đưa ra luận điểm bất hủ trong cuốn sách được xem là ―Thánh Kinh của chủ nghĩa nữ quyền‖ trên vào năm 1949 khi con người đã bước sang thời kì hiện đại, thể chế xã hội mới đã thay thế thể chế xã hội cũ vốn tàn bạo khắc nghiệt. Hơn thế đến năm 1949, lịch sử đấu tranh của giới nữ đã trải qua một hành trình dài kể từ năm 1857 khi các công nhân ngành dệt tại thành phố New York đấu tranh đòi một số quyền lợi về lao động, đặc biệt sự kiện Hội phụ nữ do Quốc Tế thứ II (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8/3/1910 quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ Nữ. Điều đó cho thấy sự bất công đối

với nữ giới vẫn còn đeo đẳng và phổ biến trong xã hội kể cả đến ngày hôm nay. Nguyên nhân của tình trạng này thiết nghĩ là vì trật tự nam quyền vốn có một lịch sử được bảo trợ bởi kiến trúc thượng tầng, đã ăn sâu vào đời sống văn hoá, hằn sâu trong tiềm thức trí não khiến mỗi người hành xử theo đó như một lẽ đương nhiên. Xét ở khía cạnh nào đó nó như một vô thức tập thế. Chẳng thế mà nhà văn nổi tiếng trong văn học đương đại Việt Nam Nguyễn Huy Thiệp trong tác phẩm Con gái thần đã mượn lời nhân vật nam nói lên phần nào nỗi bất công này: ―Tôi thấy tính gia trưởng huỷ hoại bao nhiêu số phận con người. Tôi cũng thấy những ngộ nhận giới tính và đạo đức giết chết vẻ diễm lệ trên khuôn mặt thiếu nữ‖. Như vậy tiếng nói của Beauvoir là tiếng nói khẳng định tinh thần nữ quyền nhằm xác lập các giá trị nữ giới trong đời sống xã hội.

Phát biểu về giới của bà Beauvoir cho phép ta hình dung cách tiếp cận về thuật ngữ này. Đó là người phụ nữ trong mối quan hệ với đàn ông. Thế giới không thể không có đàn ông và càng không thể không có đàn bà. Chúng tôi cũng nhất trí với quan điểm cho rằng: ―Khái niệm giới không chỉ đề cập đến nam và nữ mà cả mối quan hệ giữa nam và nữ. Trong mối quan hệ ấy có sự phân biệt về vai trò, trách nhiệm, hành vi hoặc sự mong đợi mà xã hội đã quy định cho mỗi giới. Những quy định/mong đợi xã hội này phù hợp với các đặc điểm văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo; vì thế nó luôn biến đổi theo các giai đoạn lịch sử và có khác biệt giữa các cộng đồng, xã hội‖ [158; tr.42].

Giới do vậy là một thuật ngữ để chỉ vai trò xã hội, hành vi ứng xử xã hội và những đòi hỏi, yêu cầu đối với nam và nữ. Nó là sản phẩm của xã hội - văn hóa.

Trong đời sống hằng ngày, thuật ngữ giới (gender) thường bị dùng lẫn lộn với giới tính (sex). Thực chất đây là hai phạm trù tương hỗ nhưng không đồng nhất. Nếu giới tính chỉ nhấn mạnh đến tính nam/nữ (Trung văn dịch là tính biệt) thì giới nhấn mạnh đến sự phân biệt nam/nữ trên cả phương diện xã hội (dịch sang Trung văn có nghĩa là xã hội tính biệt - giới tính nam/nữ xét trên phương diện xã hội).

Như vậy, khái niệm giới mà chúng tôi sử dụng không những chỉphương diện giới tính và giải thích người đàn ông và phụ nữ ở khía cạnh sinh lý mà còn quan tâm đến cả phương diện văn hóa - xã hội của họ như trong mối quan hệ gia đình, quan hệ nam nữ.

Nghiên cứu về giới không phải xu hướng mới trong lịch sử nhân loại học. Nó có thể đã được nói đến từ thời cổ đại cả ở phương Đông lẫn phương Tây. Các học giả Trung Hoa cổ đại đã bàn luận tới giới tính công khai và nghiêm túc như một trong những đề tài quan trọng nhất của sự nghiên cứu con người. Quả thực, cho đến nay, khoa học về giới đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: Người ta nghiên cứu giới theo quan điểm sinh lý, chỉ ra sự khác biệt về

cấu tạo cơ thể, về sức khoẻ, về tính dục giữa nam và nữ để ứng dụng vào y học, sinh học… Người ta cũng có thể nghiên cứu giới theo quan điểm xã hội để ứng dụng trong phân công lao động xã hội giữa nam và nữ, giải quyết vấn đề ngành nghề cho nam và nữ, so sánh và cân đối thu nhập giữa nam và nữ, đo lường độ tuổi nghỉ hưu phù hợp cho nam và nữ… Giới cũng có thể được nghiên cứu trong tâm lý học để chỉ ra được đặc trưng dị biệt trong tâm lý giữa phái nam và phái nữ….Giới cũng có thể được nghiên cứu theo quan điểm văn hoá để chỉ ra cái nhìn về giới của nam và nữ đối với nhau, chỉ ra địa vị gia đình và xã hội của nam giới và nữ giới v.v…

Trong nghiên cứu văn học, người ta có thể vận dụng phương pháp nghiên cứu giới của nhân vật văn học để tìm hiểu các kiểu hình tượng nam/nữ. Chẳng hạn, nhân vật người anh hùng Võ Tòng trong bộ tiểu thuyết chương hồi Thủy hử nổi tiếng khi được quan sát từ góc nhìn giới sẽ bộc lộ đặc điểm và cũng là hạn chế của quan niệm anh hùng cổ trung đại: người anh hùng nghĩa hiệp, tài năng nhưng lại thiếu tình yêu người đẹp, thậm chí lạnh lùng đến tàn bạo đối với người phụ nữ có tình yêu phóng túng. Hay nghiên cứu nhân vật phụ nữ như nàng Kiều trong Truyện Kiều từ quan điểm giới, người ta có thể thấy quan niệm trinh tiết nghiệt ngã của Nho giáo đã trói buộc nàng Kiều, khiến nàng mang mặc cảm tội lỗi vì mình không còn trong trắng, và từ chối sống tình vợ chồng với Kim Trọng sau mười lăm năm ly biệt, chờ đợi. Qua đó, hiểu được một cách toàn diện những nguyên nhân dẫn đến bất hạnh của Kiều, từ nguyên nhân xã hội đến nguyên nhân thuộc về quan niệm giới. Nói khác đi, vấn đề giới giúp cho việc nhận thức nhân vật toàn diện hơn. Trước đây, nhân vật nam/nữ thường chỉ được nhìn theo quan điểm giai cấp, áp bức hay bị áp bức, theo quan điểm đạo đức, đáng khen hay đáng chê thì với điểm nhìn giới, chúng ta thấy thêm những phương diện khác của nhân vật.

Trên đây là mấy vấn đề lý thuyết lý luận về giới. Dựa trên nền tảng của cách tiếp cận của lí thuyết phê bình nữ quyền này, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu mẫu hình liệt nữ-Mỵ Ê trong Việt điện u linh (VĐUL): Câu chuyện về Mỵ Ê cho thấy quá trình hình thành những chuẩn mực đạo đức cho phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến (thực chất là vấn đề trinh tiết chung thủy với một người đàn ông trong khi đàn ông năm thê bảy thiếp) đã bắt đầu với nhân vật Mỵ Ê do nhà nho hư cấu, tạo dựng. Đây là quan niệm đạo đức Nho giáo.Sự tinh vi của hình thức giáo dục đạo đức phụ nữ này: kể chuyện hành xử của phụ nữ ngoại tộc để cho thấy trinh tiết là phẩm giá phổ biến cho mọi nền văn hóa; nhân câu chuyện lập đền thờ, phong thần cho Mỵ Ê: nhà nho làm thơ, viết văn, lập đền thờ là các mô hình tuyên truyền tinh vi mà sau này, các đời khác nhà nước phong kiến đều mô phỏng - ví dụ, lập đền thờ Vũ Thị Thiết, làm thơ khen ngợi nhiều phụ nữ tuẫn tiết theo chồng…

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV (Trang 99 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)