Nghiên cứu về thi pháp tả nhân vật văn học trung đại

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV (Trang 28 - 33)

1.1.2.1. Về nhân vật thiền sư

Nghiên cứu thi pháp nhân vật thiền sƣ trong thơ thiền:

Việc nghiên cứu thi pháp nhân vật đã khiến cho thơ thiền được khai thác sâu hơn trên nhiều bình diện, trong đó nổi bật là sự biểu hiện con người thiền sư trong thơ. Nguyễn Phạm Hùng trong chuyên luận Thơ Thiền Việt Nam- những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật

(NXBĐHQG, H- 1998) đã cho rằng ―con người trong thơ là con người lưỡng thể, nó là sự hợp nhập của con người phật giáo và con người cá nhân. Mục đích chính của thơ thiền là sáng tạo nên hình tượng con người tôn giáo‖ [54; tr.65]. Và theo tác giả chuyên luận thì con người tôn giáo có những đặc tính như con người tự do, con người vô ngã, con người vũ trụ…Còn con người cá nhân thường được nói tới trong thơ thiền là ―con người có trí tuệ siêu việt, có bản

lĩnh, có nghị lực và sức mạnh, có thể tự mình giác ngộ chân lí một cách độc lập‖ [54; tr.70]. Như vậy, tác giả đã xác định kiểu nhân vật thiền sư trong thơ thiền với những đặc điểm riêng so với con người trong văn học thế tục. Đây là vấn đề có lẽ tâm đắc của tác giả khi từng viết

Con người trong thơ thiền đời Lí (1988) và Thơ thiền trong nhà trường nhìn từ quan điểm thể loại (1992). GS. Trần Đình Sử khi nghiên cứu về quan niệm con người trong thơ thiền trong sách Thi pháp Văn học trung Đại Việt Nam (NXB ĐHQGHN, H- 2005) cũng đã đưa ra những cảm nhận tinh tế về con người trong thơ thiền ―thơ thiền trước hết là thơ của con người siêu nghiệm, đứng ngoài sinh, diệt, đau khổ (…), là con người kiên nghị, đứng trên mọi biến ảo (…), hoàn toàn xa lạ với những vấn đề cơm áo hàng ngày‖ [118; tr.170-175]. Ngoài ra còn có thể đến những bài viết của các nhà nghiên cứu khác như Nguyễn Hữu Sơn, Quang Thảo, đặc biệt là Luận án của Đoàn Thị Thu Vân: Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ thiền Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV (Luận án, TPHCM- 1995), đã đi vào nghiên cứu ngôn ngữ và hình tượng con người trong thơ thiền.

Rõ ràng với cách tiếp cận từ thi pháp nhân vật, thơ thiền đã được khai thác ở một tầng sâu hơn.

Nghiên cứu thi pháp nhân vật trong văn xuôi:

Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về văn xuôi giai đoạn đầu ở phương diện thi pháp nhân vật song hầu hết chỉ là những kiến giải mang tính định hướng chung, khái quát chứ chưa đi sâu phân tích cụ thể về từng kiểu loại nhân vật nào hoặc thường đặt trong mối quan hệ với thi pháp thể loại…Các tác phẩm như Việt điện u linh, Tam Tổ thực lục, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh…là đối tượng thu hút những nhà nghiên cứu văn học tên tuổi như Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Nho Thìn, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Đổng Chi…

GS.Nguyễn Đổng Chi trong phần viết Văn học chữ Hán (sách Sơ thảo Lịch sử VHVN, quyển II. NXB V- S- Đ, H- 1958) đã xếp Thiền uyển tập anh, Tam Tổ thực lục vào thể tài ―loại sử và truyện‖. Ông xem đây là hai bộ sử về tôn giáo. Còn Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái được GS xếp vào thể tài ―truyện cổ‖. Trong khi giới thiệu hai tập truyện này nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến vấn đề nhân vật, ý nghĩa và cách thức biểu hiện. Với Việt điện u linh: ―Đáng chú ý nhất là hành động cũng như ngôn ngữ của những nhân vật trong các truyện phần nhiều tỏ ra chịu ảnh hưởng nặng của luân lí quan và nhân sinh quan Nho giáo (…). Hầu hết các thần đều là những nhân vật có bản chất trung tính, ngay thẳng, chung thủy (…), tác giả có ý muốn khôi phục lại lịch sử của một số nhân vật lịch sử hoặc truyền kì bị mai một trong thời Bắc thuộc (Bố Cái Đại Vương, Trưng Trắc

Trưng Nhị, Cao Lỗ, Lí Phục Man, Long Đỗ…) vì thế lối viết của Lí Tế Xuyên thiên về chép sử hơn kể truyện…‖ [10; tr.46]. Với Lĩnh Nam chích quái, GS khẳng định đây là ―tập truyện thần thoại và cổ tích Việt Nam‖. Tác phẩm có thể phân chia thành hai loại: một loại truyện có tính chất đấu tranh giữa người với thiên nhiên; một loại truyện có tính chất đấu tranh giữa người với người…

Nếu như GS. Nguyễn Đổng Chi đi vào phân loại và giới thiệu các tác phẩm văn xuôi và chỉ ra cách thức biểu hiện của nhân vật qua ngôn ngữ, hành động thì PGS. Nguyễn Đăng Na khi trình bầy Quan điểm và phương pháp biên soạn “Việt điện u linh” của Lí Tế Xuyên (TCVH, Số 1- 1986)đã chỉ ra yếu tố nội dung tác phẩm ẩn chứa trong hình thức thể loại, từ đó khái quát lên những đặc điểm cơ bản của các kiểu nhân vật trong mỗi thể loại. Ông cho rằng ―nếu trong VHTĐ hình thức thể loại là một phạm trù cơ bản chủ đạo thường xuyên được nêu lên ở ngay tên gọi tác phẩm, thì ngược lại hình thức thể loại- tên gọi tác phẩm cũng chứa đựng nội dung phản ánh của tác phẩm. Nhan đề Việt điện u linh cũng không nằm ngoài quy luật đó…‖ [85; tr.123-124]. Quan điểm này nhìn chung là đúng đối với nhiều trường hợp các tác phẩm VHTĐ. Tuy nhiên cũng vẫn có những trường hợp soi vào lại chưa hoàn toàn chính xác. Chẳng hạn, Kim Hoa thi thoại (Truyền kì mạn lục), hai chữ thi thoại là bàn luận về thơ, tiểu luận về lý luận thơ, song thực tế lại là truyện ngắn;

Thiên Nam ngữ lục thì khái niệm Ngữ lục hay Lục không có gì giống với Tang thương ngẫu lục, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn lại càng không phải là tác phẩm văn học… Tác giả của công trình Văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam còn chỉ ra nội dung xác định trong hình thức khái niệm ―u linh‖: ―những u linh mà Lí Tế Xuyên viết ra hầu hết đều gần gũi, thân quen với người dân Việt thuở đó và khái niệm thần của ông hàm nghĩa chỉ những người đã mất một cách kính cẩn mà thôi…Các thần của Lí Tế Xuyên đặc biệt gắn bó với vận mệnh dân tộc, tác động trực tiếp vào lịch sử dân tộc và thúc đẩy dân tộc tiến lên. Vì vậy, các vị thần thường được truy tôn bằng những mĩ từ cao quý tiêu biểu cho truyền thống người dân Việt như Chương Tín, Sùng Nghĩa, Uy Minh, Anh Liệt, Trung Huệ, Bảo Quốc…‖ [85; tr.124]. Và khép lại bài viết, PGS tổng kết: ―Việt điện u linh đã đặt nền móng cho cả nền VXTS bằng chữ Hán sau này như Lĩnh Nam chích quái,Thiên Nam Vân lục liệt truyện,Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục và đỉnh cao là tiểu thuyết chương

hồi HoàngLê Nhất Thống Chí…‖ [85; tr.131]. Cũng với hướng nghiên cứu thể loại nhưng PGS. Nguyễn Phạm Hùng có lẽ là người đã trình bầy một cách tập trung nhất, hệ thống

nhất về truyện thời Lí-Trần qua rất nhiều những bài viết, công trình nghiên cứu chuyên sâu như: Văn học Lí-Trần (Chuyên khảo, NXBGD, H-1993); Về cách tiếp cận truyện thời Lí- Trần (TCVH, số 2-1994); Mấy vấn đề về văn học cổ Việt Nam (Hội văn nghệ Bắc Thái xuất bản, 1993), Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam thời Lí-Trần (Luận án, Viện Văn Học, H-1995); Các khuynh hướng văn học thời Lí-Trần

(NXBĐHQGHN, H-2008)…Qua những công trình này Nguyễn Phạm Hùng đã chỉ ra những đặc trưng cơ bản của truyện thời Lí-Trần như đậm chức năng ―tải đạo‖, mang nặng tính ghi chép, do đó các nhân vật chủ yếu là những nhân vật lịch sử, có thật hay được coi là có thật nhằm khắc hoạ những ―tấm gương‖, ―chân dung‖ để nêu cao và giáo huấn đạo đức.

PGS.TS. Trần Nho Thìn khi tìm hiểu Thi pháp truyện ngắn trung đại Việt Nam

(VHTĐVN dưới góc nhìn văn hoá. NXBGD, H-2008) đã nói về vấn đề thi pháp nhân vật. Công trình mang tính khái quát, tổng hợp nên không đi sâu phân tích từng tác phẩm nhưng bước đầu nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra được những vấn đề cơ bản nhất trong việc phân loại kiểu nhân vật, thi pháp thể hiện nhân vật (nhân vật thánh nhân quân tử và nhân vật bình phàm). Trong phần thi pháp của loại truyện thánh nhân quân tử [154; tr.150-166] ta thấy PGS đề cập tới các kiểu nhân vật như danh thần, danh nho, tiết nghĩa, thế gia, bậc anh hùng, thánh nhân, vua chúa, nho gia, thiền sư…Bên cạnh đó là thi pháp miêu tả nhân vật: kể về nhân vật lí tưởng đều dùng các biện pháp nghệ thuật tô đậm màu sắc thần kì, phi thường (cụ thể là sử dụng các mô típ dị thường, phi thường liên quan đến nguồn gốc, đến thân thể, trí tuệ và cái chết); không gian và thời gian tồn tại của nhân vật…Cùng với hướng nghiên cứu này là cách tiếp cận của GS. Trần Đình Sử khi nghiên cứu Thể loại truyện chữ Hán đã xếp Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái vào loại ―truyện thần linh, quái dị, anh tú‖ và cho rằng loại này ở Việt Nam ―có nguyên mẫu thể loại trong văn tự sự lịch sử Trung Quốc như tiểu thuyết chí quái đời Lục Triều hoặc truyện cao tăng có từ đời Lương đến đời Tống‖ [118; tr.286]. Nhận xét về cách thức miêu tả nhân vật trong các tập truyện, GS đã có những ý kiến gợi mở. Chẳng hạn, về Việt điện u linh: ―mỗi nhân vật ở đây sống hai cuộc đời trước và sau khi chết. Cuộc đời khi sống sơ lược, ít sự kiện. Khi thành thần thường báo mộng cho người trần. Là sách suy tôn thần linh nên phần suy tôn phong tặng ghi rất chính xác người suy tôn phong tặng là vua nên đây là hệ thống nhân vật thần linh quan phương…‖[118; tr.286]. Về Thiền uyển tập anh: ―nguyên tắc chép sử được tôn trọng theo cách lập hồ sơ về nhân vật…‖ [118; tr.288]. Về Lĩnh Nam chích

quái, GS cũng cho rằng cách trần thuật vẫn giữ lối thực lục, lập hồ sơ về nhân vật. Đặc biệt, GS đã dẫn ra sự phân tích của nhà nghiên cứu người Nga N.Niculin khi xem xét Lĩnh Nam chích quái trong quan hệ với văn học Viễn Đông, Châu Á. Cụ thể là trong Lĩnh Nam chích quái có những truyện sử dụng cốt truyện Ấn Độ như Dạ Thoa Vương (là truyện

Ramayana giản lược đi); Hà Ô Lôi (trùng hợp với truyền thuyết về Krisona).

Như vậy, các nhà nghiên cứu dù ít dù nhiều, dù chuyên sâu hay mới chỉ là giới thiệu tác phẩm…khi tiếp cận theo hướng thi pháp nhân vật cũng đã đề xuất những cách hiểu, những cách triển khai mang ý nghĩa khoa học đối với phân tích nhân vật, thi pháp nhân vật trong các tác phẩm văn xuôi như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Tam Tổ thực lục. Chẳng hạn nhưđã nói đến mô tip xây dựng nhân vật…Tuy nhiên cũng chưa phổ biến, chưa tập trung, nhất là chưa chỉ ra rõ ràng liên hệ giữa nghệ thuật tả nhân vật (văn xuôi) và sự biểu hiện nhân vật (thơ) với kiểu người mà tác giả muốn thể hiện….

1.1.2.2. Về nhân vật hoàng đế

Đối với Lê Thánh Tông về hướng nghiên cứu này có thể kể đến những cách tiếp cận khác nhau của các nhà nghiên cứu. Trước hết là lời nhận xét ngắn gọn của Trần Đình Sử trong cuốn Thi pháp văn học trung đại Việt Nam về hình mẫu hoàng đế-nhà nho: ―Lê Thánh Tông là một người hùng theo mẫu hình nho quân…Ông tận tâm, trau đức, sửa mình, giữ lễ, phát triển đất nước toàn diện và cũng sống rất mực phong lưu, vận sự‖ [118; tr.186]. Bên cạnh đó là sự khẳng định vai trò, vị trí của Lê Thánh Tông đối với Hội Tao Đàn và giá trị tập thơ Hồng Đức Quốc âm thi tập. Có thể kể đến những bài viết chuyên sâu: Lê Thánh Tông- vị nguyên súy sáng tác văn học và chỉ đạo sáng tác văn học (Bùi Văn Nguyên); Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn (Nguyễn Đổng Chi); Hội Tao Đàn- Quỳnh uyển cửu ca và vai trò của Lê Thánh Tông; Hồng Đức Quốc âm thi tập- một tác phẩm lớn của văn học tiếng Việt thế kỉ XV (Bùi Duy Tân); Lê Thánh Tông và bộ Hồng Đức Quốc âm thi tập (Trương Chính); Hồng Đức Quốc âm thi tập và Thập giới cô hồn ngữ văn (Nguyễn Hồng Phong) [30]. Những cách tiếp cận về nội dung, nghệ thuật, cảm hứng trong thơ Lê Thánh Tông cũng là điểm nhấn trong hướng nghiên cứu này. Nguyễn Hữu Sơn đi vào tìm hiểu Lê Thánh Tông- đời thơ và những dấu hiệu trữ tình. Phạm Tú Châu khai thác Thiên nhiên trong thơ chữ Hán Lê Thánh Tông. Mai Xuân Hải nghiên cứu Lê Thánh Tông và thơ chữ Hán. Ninh Viết Giao cảm nhận Tính hoành tráng qua những bài thơ Lê Thánh Tông

viết về xứ Nghệ. Vũ Minh Tâm lại nhìn nhận Thơ Lê Thánh Tông- Đạo và Mĩ. Bùi Duy Tân tiếp nhận Cảm hứng dân tộc- cảm hứng nhân văn qua thơ nôm vịnh sử của Lê Thánh Tông. Đặng Thanh Lê chỉ ra Giai đoạn khai sáng thơ Nôm Đường luật: cảm hứng lịch sử qua thơ Lê Thánh Tông. Nguyễn Phạm Hùng đưa Mấy nhận xét về nghệ thuật thơ Nôm trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập. Đây cũng là cách mà Vương Lộc viết Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập…

Như vậy, có thể hình dung sự nghiên cứu về nghệ thuật thể hiện con người trong thơ Lê Thánh Tông tuy nhiều nhưng còn rời rạc, chưa có hệ thống và chưa thật chuyên sâu. Vấn đề con người nhà nho- hoàng đế này vì thế vẫn còn bỏ ngỏ. Và đó là điều quan tâm của Luận án chúng tôi…

Tóm lại: qua những kết quả nghiên cứu về vấn đề nhân vật, thi pháp nhân vật trong VHTĐVN giai đoạn thế kỉ X- XV ở hai thể loại Thơ, Văn xuôi chúng tôi cho rằng tất cả đều là những định hướng, gợi mở quan trọng đối với đề tài Luận án. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng dù đã được ít nhiều đề cập đến nhưng vấn đề nhân vật đặc biệt là hệ thống nhân vật và thi pháp nhân vật trong giai đoạn này vẫn chưa được giới nghiên cứu chú ý đúng mức. Có thể xem Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt

Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV là một miền đất tuy không ―lạ‖ nhưng còn rất

nhiều điều mới mẻ. Chúng tôi không có tham vọng đặt chân và chiếm lĩnh được toàn bộ miền đất ấy song sẽ làm việc nghiêm túc, khoa học để có thể có những đóng góp thiết thực, ý nghĩa cho công tác nghiên cứu, giảng dạy văn học trung đại Việt Nam trong nhà trường.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Hệ thống nhân vật và thi pháp thể hiện chúng trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV (Trang 28 - 33)