- Mô hình giảm thiểu rủi ro Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất
1.3.2. Chức năng của tổ chức bảo hiểm tiền gử
Với vị trí, vai trò vừa là một định chế tài chính hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, vừa là một công cụ của Nhà nước nhằm hạn chế rủi ro trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, góp phần bảo đảm cho sự phát triển an toàn và bền vững của nền kinh tế quốc gia, có thể thấy tổ chức bảo hiểm tiền gửi có những chức năng cơ bản sau đây:
- Chức năng tổ chức nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Đây là chức năng chủ yếu của bảo hiểm tiền gửi. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được ra đời nhằm thực hiện chức năng bảo hiểm cho tiền gửi của những người gửi tiền ở các tổ chức có huy động tiền gửi của dân chúng. Trong trường hợp tổ chức tham gia
bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ đứng ra chi trả tiền bảo hiểm cho người dân. Để thực hiện chức năng này, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tiến hành các nhiệm vụ như: cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; thu phí bảo hiểm; cung cấp thông tin, tư vấn cho người gửi tiền; thực hiện nhiệm vụ chi trả bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm bị đổ vỡ và cuối cùng là tiến hành xử lý (thanh lý và thu hồi nợ) đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó.
- Chức năng tham gia giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, góp phần bảo đảm cho sự an toàn và phát triển của hệ thống tài chính - tín dụng. Đây là chức năng không thể thiếu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, chức năng này vừa có tính chất bổ trợ vừa có tính chất phái sinh. Tính chất bổ trợ thể hiện ở chỗ, để thực hiện tốt chức năng bảo hiểm, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí cũng như phòng chống đổ vỡ, ngăn chặn trước những sự kiện bảo hiểm có thể xảy ra thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Từ kết quả giám sát, tổ chức bảo hiểm tiền gửi đưa ra những khuyến nghị cho các tổ chức tham gia bảo hiểm nhằm ngăn ngừa rủi ro, hạn chế đổ vỡ và trong giới hạn cho phép, tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn có thể hỗ trợ, thậm chí có quyền can thiệp vào hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi có dấu hiệu mất an toàn có thể xảy ra. Tính chất phái sinh của chức năng này thể hiện ở chỗ, từ nhu cầu giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa đổ vỡ thì kết quả của hoạt động giám sát đã tự nhiên góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia. Và từ đó, bảo hiểm tiền gửi khẳng định được vai trò của mình trong hệ thống các cơ quan giám sát và bảo đảm an toàn tài chính - tiền tệ đó.
- Chức năng đầu tư kinh doanh. Đây là một chức năng còn nhiều tranh cãi, nhất là trong nghiên cứu xây dựng mô hình bảo hiểm tiền gửi ở các nước đang phát triển. Có ý kiến cho rằng, bảo hiểm tiền gửi chỉ đơn thuần là một công cụ trong tay Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ chi trả tiền bảo hiểm cho
dân chúng khi có một tổ chức tín dụng bị đổ vỡ, do đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi không phải là một tổ chức có chức năng kinh doanh, không đầu tư, không tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở các nước phát triển không phải chỉ đơn thuần là công cụ của Chính phủ nhằm hạn chế những sự đổ vỡ mang tính dây chuyền của các tổ chức tín dụng mà còn là một định chế tài chính độc lập, được quản trị và điều hành như một doanh nghiệp và hoạt động vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Như vậy, có thể thấy rằng, khả năng tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không còn bị lệ thuộc vào nguồn vốn ngân sách luôn ít ỏi mà còn có thể được tăng cường từ chính những hoạt động của tổ chức này. Một tổ chức bảo hiểm tiền gửi có tiềm lực tài chính hùng mạnh, càng thoát ly được nguồn vốn ngân sách và sự lệ thuộc vào tài trợ của Chính phủ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Và vì vậy, bảo hiểm tiền gửi cần phải có và phải làm tốt chức năng đầu tư để tự tìm kiếm lợi nhuận, trước hết là nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước giao, sau đó là tự tăng cường năng lực tài chính để bảo đảm có đủ khả năng xử lý rủi ro mà không cần đến sự hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào từng thời kỳ mà việc xác định chức năng này của tổ chức bảo hiểm tiền gửi là khác nhau. Chẳng hạn như ở nước ta, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hiện nay là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng trong tương lai đây sẽ là vấn đề cần được nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp khi tổ chức bảo hiểm tiền gửi đã thực sự lớn mạnh.