MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI 1 Quản lý và sử dụng nguồn vốn

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam - thực trạng và hướng hoàn thiện (Trang 83 - 86)

- Mô hình giảm thiểu rủi ro Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất

2.7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG KHÁC CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI 1 Quản lý và sử dụng nguồn vốn

2.7.1. Quản lý và sử dụng nguồn vốn

Theo quy định pháp luật hiện hành, nguồn vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm:

- Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước cấp. Khi có yêu cầu thay đổi mức vốn điều lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Nguồn vốn bổ sung từ thu phí bảo hiểm tiền gửi hàng năm.

- Các nguồn vốn khác như: vốn vay khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép; vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước

(nếu có); vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định do Nhà nước cấp (nếu có); các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản và các nguồn vốn khác.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng vốn để phục vụ cho các hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải đảm bảo nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua sắm, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ hoạt động của mình không vượt quá 15% vốn điều lệ. Việc đầu tư và mua sắm tài sản cố định hàng năm phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, đảm bảo thực hành tiết kiệm chống lãng phí và trong phạm vi kế hoạch năm đã được duyệt.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng được sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi để thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính như: mua trái phiếu, tín phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, gửi tiền tại Kho bạc Nhà nước và tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; gửi tiền, mua trái phiếu, tín phiếu của các Ngân hàng thương mại Nhà nước và các Ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A nhằm bảo đảm an toàn vốn và bù đắp chi phí. Việc đầu tư vốn nhàn rỗi thực hiện theo quy chế do Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết định (Điều 6 Quyết định số 13/2008/QĐ- TTg ngày 18/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam).

Tính đến ngày 31/12/2011, tổng số vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã đầu tư mua trái phiếu và gửi tại các ngân hàng thương mại Nhà nước là 8.914 tỷ đồng. Đây là một con số rất khả quan trong điều kiện hoạt động đầu tư mang lại hiệu quả, tuy nhiên, cũng cần xét đến trường hợp rủi ro nếu đầu tư không hiệu quả. Cụ thể là việc cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi mua trái phiếu, tín phiếu của tổ chức tín dụng nhà nước hoặc gửi tiền tại tổ chức tín dụng nhà nước sẽ dẫn đến việc tổ chức bảo hiểm

sẽ trở thành người gửi tiền không được bảo hiểm đối với những khoản tiền gửi của mình tại tổ chức tín dụng nhà nước. Điều này có thể gây nên những tác động rất xấu đến hiệu quả của hệ thống bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp tổ chức tín dụng nhà nước đổ vỡ, (i) tổ chức bảo hiểm tiền gửi có khả năng sẽ không thu hồi được khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhà nước đó, dẫn đến việc quỹ bảo hiểm tiền gửi bị hao tổn; và (ii) liên quan đến các rủi ro đạo đức, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ có nguy cơ thực hiện hành vi trì hoãn hoặc gây khó khăn trong khi thực hiện các chức năng của mình về bảo hiểm tiền gửi như giám sát từ xa, thu phí bảo hiểm tiền gửi, chi trả tiền bảo hiểm.

Về cơ bản có thể cho rằng việc gửi tiền tại các ngân hàng thương mại xếp loại A là đảm bảo sự an toàn vốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hiện tượng đột biến rút tiền luôn gắn với sự đổ vỡ của những ngân hàng lớn trong lịch sử ngân hàng hiện đại với nhiều tình huống đa dạng, ví dụ như trường hợp đổ vỡ Ngân hàng Quốc gia Franklin của Mỹ năm 1974, Ngân hàng Banco Ambrosiano của Ý năm 1982, sự đổ vỡ dây chuyền của một loạt ngân hàng tại Canada năm 1985. Chỉ tính riêng trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nước Mỹ đã chứng kiến một loạt cuộc đột biến rút tiền gửi lớn như sự sụp đổ lan truyền từ ngân hàng Penn Square (1982) sang một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là Continental Illinois (1984), sự sụp đổ của ngân hàng New England (1982-1984) và gần đây nhất là ngân hàng Nothern Rock của Anh (2007)... Trong tương lai, khi nền tài chính của Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng những ngân hàng lớn của Việt Nam không thể bị đổ vỡ và do đó, tiền gửi của quỹ bảo hiểm tiền gửi tại các ngân hàng thương mại xếp loại A không đảm bảo luôn luôn được bảo toàn. Chính vì vậy, Luật bảo hiểm tiền gửi mới ban hành đã thu hẹp phạm vi hoạt động đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khi chỉ quy định cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Điều 31).

Như vậy, có thể thấy rằng, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sao cho hiệu quả để nếu có trường hợp tổ chức tín dụng nào đổ vỡ sẽ có thể kịp thời xử lý nhằm đảm bảo được sự ổn định cho hệ thống ngân hàng nói riêng và an ninh tài chính quốc gia nói chung là điều hết sức quan trọng và phải luôn được quan tâm ở hàng đầu.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam - thực trạng và hướng hoàn thiện (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)