- Mô hình giảm thiểu rủi ro Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất
2.4. HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC THAM GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI MẤT KHẢ NĂNG CHI TRẢ
GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI MẤT KHẢ NĂNG CHI TRẢ
Hỗ trợ tài chính là giải pháp được tổ chức bảo hiểm tiền gửi sử dụng để hỗ trợ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xác định là có nguy cơ mất khả năng thanh toán nhằm giúp họ khôi phục khả năng tài chính của mình hoặc xử lý để các tổ chức hoạt động yếu kém rút khỏi thị trường tài chính một cách êm thấm. Đây có thể coi là một hoạt động mang tính đặc thù của bảo hiểm tiền gửi so với các loại hình bảo hiểm khác bởi trong các quan hệ bảo hiểm khác, tổ chức bảo hiểm chỉ xuất hiện và thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, còn trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi thì khi sự kiện bảo hiểm chưa thực sự xuất hiện nhưng trong trường hợp có tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể xem xét để áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó nhằm góp phần đảm bảo an toàn và an ninh cho hệ thống tài chính - ngân hàng.
Hoạt động hỗ trợ tài chính của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới thường được thực hiện với mục đích hỗ trợ cho việc cơ cấu lại các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, đồng thời bảo vệ người gửi tiền. Ở Ba Lan, hoạt động này có thể được thực hiện theo hai phương thức: cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn để tự cơ cấu lại hoặc cấp vốn cho các ngân hàng có tình trạng tài chính tốt có kế hoạch mua lại các ngân hàng gặp khó khăn. Hay như ở Mỹ, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) đã thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính từ năm 1971 nhằm cứu các ngân hàng hoặc tổ chức tiết kiệm được bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán hoặc cấp vốn cho các tổ chức mạnh mua lại tổ chức bị mất khả năng thanh toán qua giao dịch hỗ trợ ngân hàng mở (OBA). Từ năm 1971 đến
1992, FDIC đã thực hiện thành công nhiều giao dịch hỗ trợ OBA như: hỗ trợ Ngân hàng First Penn năm 1980 với hình thức cho vay trực tiếp, hỗ trợ Continental Illinois National Bank and Trust Company năm 1984 và First City năm 1988 với hình thức mua tài sản có, cổ phiếu thường... Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này cũng bộc lộ những hạn chế như: tổ chức tài chính yếu kém đã được hỗ trợ (được bao cấp) và duy trì hoạt động lại là những tổ chức lớn, trong khi đó các tổ chức khác nhỏ hơn (về quy mô, về vốn) nhưng chưa bị lâm vào tình trạng sắp mất khả năng thanh toán nên không được hỗ trợ, gây ra những phản ứng kịch liệt từ phía các chủ nợ của tổ chức tài chính nhỏ hơn; bên cạnh những giải pháp đa dạng nhằm cứu vãn sự đổ vỡ ngân hàng như hỗ trợ qua ngân hàng bắc cầu, công ty mua bán nợ... thì nguyên tắc chi phí tối thiểu khi hỗ trợ cũng có bất cập. Chính vì vậy, FDIC đã chấm dứt hoạt động hỗ trợ tài chính này từ năm 1992.
Khác với mô hình hỗ trợ tài chính của bảo hiểm tiền gửi Ba Lan và Mỹ, bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản (DICJ) thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính thông qua ngân hàng bắc cầu (BB) và công ty quản lý tài sản (RCC) - hai công ty con trực thuộc DICJ, được thành lập trên cơ sở 100% vốn đầu tư từ DICJ. Ngân hàng bắc cầu thực hiện quản lý phần tài sản nợ tốt của ngân hàng đang trong tình trạng được hỗ trợ trong thời gian chưa có một ngân hàng khác thay thế. Công ty xử lý và thu hồi nợ được ủy quyền thu nhận, xử lý phần tài sản nợ xấu từ ngân hàng sắp phá sản. Với cách hỗ trợ tài chính thông qua các công ty chuyên nghiệp như trên, hoạt động của ngân hàng dễ dàng có thể được khôi phục hoặc khi ngân hàng lâm vào tình trạng không cứu vãn nổi thì người gửi tiền cũng không lo sợ vì hoạt động của ngân hàng yếu kém thường được tiếp nhận bởi một chủ nhân mới với năng lực quản lý, điều hành tốt và sẽ thực hiện các nghĩa vụ đối với người gửi tiền.
Đối với cơ quan bảo hiểm tiền gửi Đài Loan (CDIC), hoạt động hỗ trợ tài chính được thực hiện đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn khi các tổ chức này có nguy cơ mất khả năng chi trả, không thể tìm
kiếm được các nguồn hỗ trợ tài chính khác. Nguồn vốn cho hoạt động hỗ trợ tài chính của CDIC lấy từ Vốn điều lệ và Quỹ dự phòng chi trả của CDIC, vốn vay từ nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Đài Loan; trong trường hợp khẩn cấp hoặc Ngân hàng Trung ương chưa kịp cấp vốn thì CDIC có thể vay từ các tổ chức tài chính khác.
Qua nghiên cứu về hoạt động hỗ trợ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi một số nước, chúng ta thấy rằng pháp luật về bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam thời gian qua cũng đã có quy định cụ thể những hình thức hỗ trợ tài chính mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể thực hiện để hỗ trợ cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng thanh toán, cụ thể là khoản 5 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định số 89/1999/NĐ-CP đã quy định các hình thức hỗ trợ tài chính là: cho vay, bảo lãnh, mua lại nợ và các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ xem xét, quyết định việc hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sau khi Ngân hàng Nhà nước xác định rằng việc giải thể, phá sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Như vậy, hoạt động hỗ trợ tài chính được hiểu là biện pháp cứu giúp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp rất đặc biệt, được coi như giải pháp đặc biệt về tài sản để phục hồi hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và pháp luật quy định nó sẽ được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (khoản 6 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 89/1999/NĐ-CP). Nguồn vốn dùng cho hoạt động hỗ trợ tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được lấy từ nguồn vốn hoạt động của tổ chức này, ngoài ra, trong trường hợp nguồn vốn này tạm thời không đủ để hỗ trợ cho các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể huy động vốn theo các hình thức: vay hoặc tiếp nhận vốn hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ; phát hành
trái phiếu theo quy định của pháp luật; vay của tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ.
Tính đến thời điểm 31/12/2010, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thí điểm cho vay hỗ trợ đối với 05 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với tổng số tiền là 6.932 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trong số 05 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được hỗ trợ, 04 quỹ đã hoạt động trở lại bình thường và hoàn trả đầy đủ số tiền hỗ trợ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam [31]. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định tương đối cụ thể và thực tế đã đạt được những kết quả khả quan trong hoạt động hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng thanh toán, song qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng vẫn còn có điểm bất cập, chưa đầy đủ trong quy định về hoạt động hỗ trợ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đó là trường hợp hỗ trợ tài chính "khẩn cấp" do xảy ra sự cố bất thường dẫn đến việc người gửi tiền có thể rút tiền ồ ạt gây nguy cơ đổ vỡ ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn hệ thống tài chính - ngân hàng. Thực tế hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền được Ngân hàng Nhà nước xác định rằng việc giải thể, phá sản của tổ chức đó có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng và sự ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Điều này có nghĩa là việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi có hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hay không lại phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước, trong khi đó Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là cơ quan phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn của tổ chức tín dụng đó, nếu không sẽ phải đứng ra chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền. Như vậy, có thể nói hoạt động hỗ trợ tài chính của tổ chức bảo hiểm thực chất là công cụ giúp Ngân hàng Nhà nước can thiệp, điều tiết thị trường chứ chưa phải là một hoạt động mang tính độc lập, chuyên nghiệp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp này, vì thế cần có những quy định cụ thể để tăng tính độc lập và chủ động cho tổ chức
bảo hiểm tiền gửi trong việc thực hiện nghiệp vụ hỗ trợ tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Qua những phân tích ở trên có thể thấy rằng hoạt động hỗ trợ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả là hoạt động nghiệp vụ vô cùng quan trọng và mang tính đặc thù của tổ chức bảo hiểm tiền gửi so với các loại hình bảo hiểm khác bởi như chúng ta đã biết, trong các quan hệ bảo hiểm khác, tổ chức bảo hiểm chỉ xuất hiện và thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, còn trong quan hệ bảo hiểm tiền gửi thì khi sự kiện bảo hiểm chưa thực sự xuất hiện nhưng trong trường hợp có tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể xem xét để áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm tiền gửi mới được thông qua lại không có quy định rõ ràng về hoạt động hỗ trợ tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nguy cơ mất khả năng chi trả như pháp luật trước đây đã quy định. Vậy có phải đây là một bước thụt lùi của pháp luật Việt Nam so với thông lệ chung của quốc tế? Nếu như Luật không có quy định rõ ràng về nội dung này thì các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ được ban hành trong thời gian tới đây có thể nào đưa ra những hướng dẫn cụ thể về hoạt động này hay không? Và như vậy thì sắp tới đây, nếu có tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nào có nguy cơ mất khả năng thanh toán, chi trả thì tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có cơ sở để thực hiện hỗ trợ tài chính cho tổ chức đó hay không? Đây là vấn đề rất cần các nhà làm luật nghiên cứu để có những quy định phù hợp trong thời gian tới.