- Mô hình giảm thiểu rủi ro Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất
1.3. VỊ TRÍ PHÁP LÝ, CHỨC NĂNG CỦA TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI 1 Vị trí pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gử
1.3.1. Vị trí pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi
Vị trí pháp lý của cơ quan bảo hiểm tiền gửi ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào mô hình bảo hiểm tiền gửi mà quốc gia đó lựa chọn. Có thể nói, việc lựa chọn một mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia và việc quy định vị trí pháp lý của tổ chức này một cách hợp lý có vai trò rất lớn, có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của việc áp dụng thiết chế bảo hiểm tiền gửi. Như đã phân tích ở phần trên, qua lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, chúng ta thấy có các mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi sau: (i) mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi độc lập của Nhà nước; (ii) mô hình quỹ bảo toàn tiền gửi và (iii) doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Có thể nói, một hệ thống bảo hiểm tiền gửi thành công nếu nó có đủ khả năng tài chính để chi trả các khoản tiền gửi khi tổ chức tín dụng bị phá sản và có được lòng tin của công chúng. Một tổ chức bảo hiểm tiền gửi do tư nhân quản lý với nguồn vốn hoạt động có hạn nhiều khi rơi vào tình trạng
không có khả năng xử lý các khoản nợ tiền gửi có quy mô lớn, trong khi đó, nếu tổ chức này thuộc Chính phủ thì có thể nhận được sự hỗ trợ về tài chính khi cần thiết. Ngoài ra, với mô hình bảo hiểm tiền gửi công thì việc tham gia bảo hiểm tiền gửi là bắt buộc đối với mọi tổ chức có nhận tiền gửi nên tránh được tình trạng chỉ có các ngân hàng hoạt động yếu kém mới tham gia bảo hiểm, còn các ngân hàng có uy tín và khả năng tài chính thì không tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi loại này còn có quyền hạn như một cơ quan thuộc Chính phủ nên có thẩm quyền ban hành các quy định mang tính pháp lý, có tính bắt buộc phải thực hiện đối với mọi chủ thể tham gia quan hệ bảo hiểm tiền gửi. Với sự tham gia trực tiếp của nhà nước, bảo hiểm tiền gửi tạo ra cơ chế giám sát, đánh giá, phân loại các tổ chức tín dụng để kịp thời xử lý những khó khăn của các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế tình trạng đổ vỡ dây chuyền của hệ thống tổ chức tín dụng. Trong điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển, hoạt động của hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro thì mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi này rất phù hợp vì nếu áp dụng mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi tư với cơ chế tự bảo vệ lẫn nhau giữa các ngân hàng thành viên thì chúng ta có thể thấy rằng, với năng lực tài chính còn hạn chế của các tổ chức tín dụng thì bản thân các tổ chức tín dụng còn khó có thể bảo vệ lẫn nhau khi có một tổ chức tín dụng nào đó bị phá sản chứ chưa nói đến việc hỗ trợ được cho người khác - người gửi tiền.
Hiện nay, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có tên gọi là Tổng công ty, là tổ chức có vị trí độc lập, trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, ví dụ: Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang của Hoa Kỳ (FDIC) là tổ chức bảo hiểm tiền gửi đầu tiên trên thế giới, được thành lập vào năm 1933, là tổ chức hoạt động độc lập với Chính phủ và chịu sự kiểm soát của Quốc hội; Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) được thành lập năm 1996 do Chính phủ quản lý; Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Indonesia (IDIC) được thành lập năm 2005, là tổ chức độc lập trực thuộc Chính phủ. Tổ chức, quản trị và điều hành của các tổ chức bảo
hiểm tiền gửi này được thực hiện theo mô hình công ty và tuân theo các quy định của Luật công ty. Nếu xét dưới góc độ hiệu quả kinh tế, các Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi có thể theo đuổi mục tiêu lợi nhuận hoặc không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, xét dưới góc độ hạch toán, hoạt động của các Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi đều mang bản chất của một định chế tài chính thực hiện kinh doanh.
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện nay có tên gọi là "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam", tên giao dịch quốc tế là Deposit Insurance of Vietnam, viết tắt là DIV - là tổ chức tài chính của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế theo quy định của pháp luật, nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí (Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg). Việc xác định vị trí pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn tới cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới và cũng phải xem xét cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Theo tôi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam nên lấy tên là "Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam", được tổ chức, quản trị và điều hành theo mô hình công ty, có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành (Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc) và bộ máy giúp việc; Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam có địa vị pháp lý độc lập, trực thuộc Chính phủ và hoạt động theo Luật bảo hiểm tiền gửi, có tư cách pháp nhân, được Nhà nước cấp vốn điều lệ; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn các khoản thuế nhưng phải bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí (nếu có tích lũy thì bổ sung vào vốn hoạt động, thậm chí có thể chuyển dần một số nghiệp vụ sang hạch toán kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và nộp thuế).
Thực tế hiện nay đã có những quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề liệu tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam trong tương lai có phải là một doanh nghiệp hay không? Có ý kiến cho rằng, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam trong tương lai phải là một doanh nghiệp, là tổ chức có tên gọi là
Tổng công ty, được tổ chức, quản trị và điều hành như một công ty (dù có những đặc thù nhất định), kể cả khi không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận thì nó cũng phải là một doanh nghiệp thực thụ. Ý kiến khác lại cho rằng, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai không nên tổ chức theo mô hình công ty và tất nhiên sẽ không phải là một tổ chức theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà đơn giản chỉ là một tổ chức tài chính đặc biệt của Nhà nước, một công cụ của Chính phủ để theo đuổi các mục tiêu của chính sách công, từ đó, cũng không nên dùng tên gọi là Tổng công ty và đương nhiên không thể là một doanh nghiệp.
Qua những phân tích trên, theo tôi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam nên lấy tên gọi là Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam vì nó không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn bởi tính ưu việt của việc tổ chức, quản trị và điều hành nó theo mô hình công ty. Tuy nhiên, dù tên gọi của tổ chức này là gì thì địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam trong tương lai vẫn nên là một định chế tài chính của Nhà nước, do Chính phủ thành lập, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác.