HOẠT ĐỘNG CHI TRẢ BẢO HIỂM TIỀN GỬ

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam - thực trạng và hướng hoàn thiện (Trang 68 - 77)

- Mô hình giảm thiểu rủi ro Đây là một mô hình tiên tiến và cũng rất

2.5. HOẠT ĐỘNG CHI TRẢ BẢO HIỂM TIỀN GỬ

Hiện nay trên thế giới có hai phương thức chi trả bảo hiểm tiền gửi phổ biến là chi trả có giới hạn và chi trả không giới hạn. Việt Nam đang áp

dụng phương thức chi trả có giới hạn, đây là xu hướng chung của thế giới vì tính ưu việt của nó như đảm bảo được kỷ cương thị trường và tránh được rủi ro đạo đức.

Mặc dù hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan như đã xử lý chi trả cho người gửi tiền tại gần 40 Quỹ tín dụng bị đóng cửa với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng một cách nhanh chóng, kịp thời đã có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng cũng như giữ vững an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn có đơn vị đổ vỡ,… song thực tế vẫn chưa thật sự phát huy hết hiệu quả của nó. Để củng cố niềm tin của người dân, ứng phó với cuộc khủng hoảng vừa qua, nhiều quốc gia có hoạt động bảo hiểm tiền gửi đều có xu hướng điều chỉnh tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, hạn mức chi trả trung bình toàn thế giới tương đương khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người. Tỷ lệ trung bình của khu vực Châu Á là 3 lần. Các quốc gia với hệ thống ngân hàng hoạt động rủi ro cao có xu hướng duy trì hạn mức chi trả cao hơn nhằm bảo vệ tốt nhất người gửi tiền.

Thay đổi hạn mức bảo hiểm là một cấu phần không thể thiếu trong tổng thể giải pháp chính sách ứng phó với những diễn biến xấu của hệ thống tài chính. Khi xảy ra khủng hoảng ngân hàng, niềm tin của người dân nói chung và người gửi tiền nói riêng có xu hướng sụt giảm, vì vậy, tăng hạn mức hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, tạo tâm lý yên tâm, qua đó hạn chế tình trạng rút tiền hàng loạt khi có sự cố về ngân hàng. Như vậy, có thể nói hạn mức bảo hiểm tiền gửi là công cụ quan trọng của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần ngăn ngừa hoảng loạn ngân hàng, qua đó đóng góp vào việc thực thi nhiệm vụ duy trì ổn định hệ thống tài chính.

Trong giai đoạn khủng hoảng, có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện một số giải pháp mới trong chính sách hạn mức bảo hiểm tiền gửi. Trong đó có 19 nước áp dụng hình thức bảo lãnh toàn bộ đối với khách hàng gửi tiền, 23 nước tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi không xác định thời hạn kết thúc (chính sách hạn mức mới dài hạn) và 6 nước tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tạm thời. Ví dụ: Ngày 01/10/2008, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã tăng hạn mức bảo hiểm từ 100.000 USD lên 250.000 USD; Chính phủ Ireland tuyên bố nâng hạn mức bảo hiểm từ 35.000 GBP lên 50.000 GBP; ngày 05/10/2008, Thủ tướng Đức tuyên bố sẽ bảo đảm toàn bộ tiền gửi của người dân tại các ngân hàng… Tại Đông Nam Á, hầu hết các quốc gia đã nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi hoặc chuyển sang chi trả không giới hạn.

Ví dụ: Bảo hiểm tiền gửi Indonesia trước đây chi trả cho mỗi cá nhân gửi tiền tại mỗi ngân hàng là 100.000.000 rupiah (IDR), tương đương 11.000 USD - gấp khoảng 9,6 lần GDP của Indonesia, nhưng để đối phó với khủng hoảng, nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống tài chính ngân hàng, Chính phủ Indonesia đã tạm thời nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi từ ngày 13/10/2008 đến nay là 2 tỷ IDR (khoảng 230.000 USD); hạn mức bảo hiểm tiền gửi tối đa của Philippines lúc mới thành lập năm 1963 là 10.000 Peso (232 USD), sau đó tăng lên 15.000 Peso (348 USD) vào năm 1978, 40.000 Peso (928 USD) vào năm 1984, 100.000 Peso (2.320 USD) vào năm 1992, 250.000 Peso (5.800 USD) vào năm 2004 và từ năm 2009 đến nay là 500.000 Peso (11.600 USD)...

Điều này cho thấy việc điều chỉnh hạn mức chi trả kịp thời trong chừng mực nào đó có tác dụng khôi phục niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tới nền kinh tế. Việt Nam chúng ta nằm trong số ít các quốc gia không tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi.

Cơ chế bảo hiểm tiền gửi có hạn mức là cơ chế bảo vệ người gửi tiền trong một hạn mức nhất định hoặc theo tỷ lệ số dư tiền gửi trong tài khoản. Việc áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi có hạn mức giúp giảm thiểu rủi ro đạo đức hơn so với cơ chế bảo hiểm không giới hạn bởi: rủi ro đạo đức xảy ra khi người gửi tiền cho rằng tất cả các khoản tiền gửi của mình đã được bảo hiểm nên ít quan tâm đến việc thu thập thông tin và đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi để lựa chọn gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi hoạt động lành mạnh, an toàn. Vì vậy, họ có thể gửi tiền vào các tổ chức nhận tiền gửi hoạt động yếu kém. Điều này gây mất an toàn đối với hệ thống tổ chức tín dụng và làm tăng thêm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm tiền gửi do phải trả tiền bảo hiểm khi tổ chức nhận tiền gửi yếu kém bị đổ vỡ. Về phía tổ chức nhận tiền gửi, rủi ro đạo đức xảy ra khi tổ chức nhận tiền gửi ỷ lại vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi và sự tin tưởng của người gửi tiền nên không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như: không cần tăng vốn tự có (vốn chủ sở hữu), giảm dự trữ tối đa để tận dụng cho vay… Những hành vi này đe dọa đến sự an toàn của chính tổ chức nhận tiền gửi và sự an toàn của hệ thống tín dụng nói chung. Tuy nhiên, nếu như việc trả tiền bảo hiểm chỉ được giới hạn ở trong một hạn mức nhất định thì khả năng xảy ra các hành vi trên có thể được giảm thiểu.

Việt Nam đã áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi có hạn mức ngay từ khi mới thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Việc áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi có hạn mức đã giúp giảm thiểu rủi ro đạo đức và là một ưu điểm của pháp luật cần được kế thừa áp dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, suốt từ năm 2005 cho đến nay, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam là 50 triệu đồng/1 người gửi tiền được bảo hiểm (sau khi được điều chỉnh tăng từ mức 30 triệu đồng/1 người gửi tiền vào năm 2005) đã không còn phù hợp. Vào thời điểm năm 2005, hạn mức chi trả này đã đáp ứng tốt được các tiêu chí đặt ra là: i) tương đương 5 lần GDP bình quân đầu người; ii) bảo vệ được khoảng 80% tổng số người gửi tiền. So với tương quan khu vực Châu Á vào thời điểm đó, đây là hạn mức tương đối cao (hạn mức trung bình của châu Á

bằng khoảng 3 lần GDP bình quân đầu người). Nhưng đến nay, hạn mức này đã không còn phù hợp do các yếu tố: i) GDP bình quân đầu người tăng nhanh trong giai đoạn 2005 - 2011, hạn mức 50 triệu đồng hiện chỉ tương đương 2,2 lần GDP bình quân đầu người - tương đối thấp so với mức bình quân ở khu vực; ii) lạm phát tăng cao khiến giá trị thực của hạn mức chi trả thấp đi; iii) xu hướng tăng hạn mức trong và sau khủng hoảng tài chính tại một loạt các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Điều này làm cho hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam tiếp tục thấp đi tương đối so với các quốc gia khác. Do đó, hạn mức chi trả bảo hiểm cần được xem xét, điều chỉnh lại sao cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực tế ở Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới. Chính vì vậy, Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) đã không còn quy định một hạn mức chi trả "cứng" như hiện nay nữa mà trao thẩm quyền quy định hạn mức này cho Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Quy định như vậy theo tôi là phù hợp với tình hình kinh tế đang diễn biến phức tạp như hiện nay, tuy nhiên, để có thể quy định một hạn mức phù hợp và kịp thời với tình hình thực tế thì một yêu cầu tất yếu là phải ngày càng nâng cao được năng lực phân tích, đánh giá của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Bên cạnh quy định về hạn mức chi trả tiền bảo hiểm, pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định cụ thể về thủ tục chi trả tiền bảo hiểm.

Chúng ta đều biết rằng trong tất cả các mối quan hệ bảo hiểm thì người thụ hưởng chỉ được hưởng quyền lợi từ việc tham gia bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm phát sinh. Theo quy định tại Điều 571 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 346 của Bộ luật về thế chấp tài sản được bảo hiểm, cụ thể là bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được

dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả số tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán với bên nhận thế chấp.

Cũng tương tự như các loại hình bảo hiểm khác, trách nhiệm chi trả bảo hiểm tiền gửi cũng được thực hiện khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định 89/1999/NĐ-CP thì:

Đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn, trong vòng 60 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu tổ chức này chấm dứt các giao dịch để tiến hành thanh lý tài sản hoặc kể từ ngày Tòa án thông báo quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về phá sản, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm tiến hành chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó [19].

Kế thừa nội dung này, Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 cũng quy định cụ thể về vấn đề này nhưng đã tách thành hai quy định riêng biệt, đó là quy định về: thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm và thời hạn trả tiền bảo hiểm. Theo đó:

Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh

ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền [45, Điều 22].

Và "trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi" [45, Điều 23]. Hay nói cách khác, sự kiện bảo hiểm tiền gửi xuất hiện khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn trên cơ sở có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc của Tòa án về việc tiến hành thanh lý tài sản theo thủ tục phá sản.

Về thủ tục chi trả bảo hiểm tiền gửi, Luật bảo hiểm tiền gửi đã kế thừa những quy định của pháp luật hiện hành và đưa ra những quy định khá chặt chẽ và cụ thể như sau:

- Bước 1: Lập hồ sơ đề nghị chi trả bảo hiểm.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp Hồ sơ đề nghị chi trả tiền bảo hiểm cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Hồ sơ gồm văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm, danh sách người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi và số tiền bảo hiểm đề nghị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả.

- Bước 2: Thẩm định hồ sơ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nộp đủ Hồ sơ đề nghị chi trả bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả.

- Bước 3: Xác định phương án chi trả tiền bảo hiểm.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra hồ sơ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi và thông báo công khai về địa điểm, thời gian,

phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo.

- Bước 4: Thực hiện chi trả tiền bảo hiểm.

Việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền có thể do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trực tiếp tiến hành hoặc ủy quyền cho tổ chức tín dụng thực hiện trên cơ sở hợp đồng ủy quyền (khoản 8 Điều 1 Nghị định số 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định 89/1999/NĐ-CP). Hợp đồng ủy quyền chi trả bảo hiểm giữa Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và tổ chức tín dụng phải được ký kết phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, hợp đồng ủy quyền phải nêu rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc sử dụng số tiền mà Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chuyển sang để chi trả đúng hạn và đúng số lượng. Tổ chức tín dụng được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ủy quyền chi trả tiền bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:

1 - Là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

2 - Đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng ít nhất trong thời gian 06 tháng gần nhất;

3 - Có trụ sở chính hoặc chi nhánh, phòng giao dịch đặt ở địa điểm thích hợp cho việc chi trả tiền bảo hiểm.

Người gửi tiền có tổng số tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bằng hoặc nhỏ hơn 50 triệu đồng sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chi trả toàn bộ số tiền gửi. Người gửi tiền có tổng số tiền gửi được bảo hiểm (gồm cả gốc và lãi) lớn hơn 50 triệu đồng thì phần vượt trên 50 triệu đồng sẽ được trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phù hợp với quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi ở Việt Nam - thực trạng và hướng hoàn thiện (Trang 68 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)