e. Cá, lưỡng cư và bò sát
2.2.3. Hoạt động kinh tế và thu nhập
Nguồn thu nhập của người dân trong huyện Giao Thủy dựa vào 6 ngành nghề chủ yếu: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản (đánh bắt, thu hoạch và nuôi trồng), công nghiệp (sản xuất muối), dịch vụ và du lịch. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Giao Thủy (2005), nông lâm ngư nghiệp là những hoạt động sản xuất chính, chiếm từ 53-54% trong tổng giá trị sản xuất. Trong ba ngành này, thủy sản chiếm tỷ trọng từ 21-29% và đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2000-2005. Dễ nhận thấy rằng, các hoạt động kinh tế có quan hệ chặt chẽ với việc sử dụng đất. Đê quốc gia ở vùng này đã trở thành yeus tố quan trọng, phân chia đất của các xã vùng đệm ra làm hai vùng chính: phía trong và phía ngoài đê.
● Đất trong đê chịu tác động mạnh của con người như việc xây dựng các công trình thủy lợi và phương thức sản xuất. Sản xuất nông nghiệp ở khu vực này đóng vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho cộng đồng và đây là cơ sở duy trì các cộng đồng dân cư qua nhiều thế hệ.
● Đất bãi bồi ngoài đê còn mang nhiều nét hoang sơ, là nơi phát triển của thảm thực vật ngập mặn. Chức năng chính của vùng này là phòng hộ và hỗ trợ cho đời sống người dân địa phương thông qua khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là địa bàn mở rộng quỹ đất nhờ bồi đắp hàng năm của các dòng sông. Hiện nay, trong chuyển dịch
kinh tế, hoạt động liên quan đến kinh tế biển của khu vực này được coi là một trong những mũi nhọn tạo nên bước đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hiện nay có 20% dân cư ở Xuân Thủy đã đầu tư vào nuôi trồng thủy sản, phần lớn là nuôi vạng. Theo thống kê của Phòng Thủy sản huyện, năm 1997, toàn huyện có khoảng 295 ha nuôi vạng, đến năm 2005 đạt 650ha, tăng 2,2 lần. Khoảng 400 ha trong tổng số 650 ha nuôi vạng thuộc vùng phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Diện tích trung bình của một vùng nuôi vạng rộng khoảng 1,7 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 10-15 tấn/ha. Nuôi vạng là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã đạt doanh thu tư 300-800 triệu đồng/năm.
Nguồn thu từ rừng ngập mặn mang lại cho các hộ gia đình thuộc loại trên trung bình trên 51% nguồn thu tiền mặt, và cho các hộ giàu và trung bình khoảng 35% nguồn thu tiền mặt. Tỷ lệ này ở các hộ nghèo chỉ là 20%. Các hộ nghèo dường như phụ thuộc nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế truyền thống như trồng trọt và chăn nuôi. Do không có khả năng kinh tế như đất, vốn, người nghèo kiếm sống chủ yếu dựa vào sức lao động của họ và thu nhập từ làm thuê chiếm tỷ lệ đáng kể trong thu nhập của các hộ dân nghèo, vào khoảng 21,8%.
Chính quyền địa phương đã đầu tư và cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức như Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đang giúp cộng đồng địa phương tạo ra sinh kế phù hợp cho người dân vùng đệm, qua đó làm giảm áp lực lên Vườn Quốc gia. Du lịch sinh thái là một trong những hoạt động kinh tế mới được hình thành ở khu vực Vườn Quốc gia và có nhiều tiềm năng phát triển.