Các hoạt động nghiên cứu sinh kế bền vững đã được thử nghiệm tại khu vực KBTB Rạn Trào do các nhóm hạt nhân và tổ tuyên truyền tham gia chính. Nuôi cấy san hô, nuôi hải sâm cát, nuôi ghép vẹm xanh, tôm hùn, bào ngư, rong sụn… với sự tham gia của các cán bộ khoa học thuộc các cơ quan tỉnh và huyện.
Đã có 3 đợt đánh giá tài nguyên dưới nước phục vụ công tác KBT. Đợt đánh giá đầu tiên trước khi thành lập KBT vào tháng 3 năm 2001. Đợt đánh giá thứ hai vào tháng 3 năm 2003 trước khi chuyển giao cho địa phương và đợt đánh giá thứ ba vào tháng 6 năm 2005 nhằm xem xét hiệu quả của công tác bảo tồn và điều chỉnh phương pháp quản lý. Các đánh giá đều do Viện Hải dương học Nha Trang tiến hành với sự tham gia của nhóm ngư dân thuộc cộng đồng địa phương. Đợt đánh giá gần đây nhất có sự tham gia của Đại học thuỷ sản Nha Trang và chuyên gia đa dạng sinh học biển Úc.
Hàng loạt các hoạt động đào tạo kỹ năng cho cán bộ và cộng đồng đã được thực hiện. Hơn 100 lượt người đã được tập huấn về đa dạng sinh học rạn san hô ven bờ. Hơn 100 lượt người được tập huấn về kỹ năng bảo vệ. Hơn 200 lượt người được tập huấn về vai trò giới trong quản lý tài nguyên ven bờ. Hơn
500 lượt người được toạ đàm thảo luận về sinh kế, bảo tồn biển. Gần 1000 lượt người được tham gia tìm hiểu qui chế Khu bảo tồn biển Rạn Trào. Hơn 100 lượt người được tham quan học tập tới các địa phương khác. Hơn 200 lượt người được đào tạo các kỹ năng điều tra đánh giá trước khi thực hiện và sau khi kết thúc dự án. Cho tới tháng 6 năm 2005, đã có gần 2.000 lượt người tới thăm Khu bảo tồn biển Rạn Trào, thuộc các thành phần khác nhau, tổ chức nghiên cứu, trường đại học, cơ quan trung ương, tỉnh, cán bộ từ địa phương khác và học sinh sinh viên tới học tập.
Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức đã lôi kéo sự tham gia của đông đảo người dân xã Vạn Hưng. Đó là những cuộc thi kiến thức tìm hiểu về nguồn lợi, môi trường biển (cuộc thi Kính vạn hoa) cho các em học sinh ; những cuộc thi sáng tác nhạc, thơ ca về Rạn Trào, kết quả là một tập thơ và nhạc do chính những người dân sáng tác đã được xuất bản và biểu diễn cho cộng đồng thưởng thức ; đó còn là sự kiện Cộng đồng làm sạch bờ biển tổ chức thu gom rác thải dọc bờ biển, tạo cảnh quan sạch đẹp…
Trong tương lai Khu bảo tồn biển Rạn Trào còn rất nhiều thử thách. Đó là tiếp tục nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường khu vực ven biển, đặc biệt khu nuôi tôm hùm lồng, khu vực thảm cỏ biển. Liệu du lịch sinh thái và nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường có phải là giải pháp sinh kế cho người dân nơi đây hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chính họ và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ có liên quan.