Lịch sử hình thành và phát triển:

Một phần của tài liệu Công tác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng (Trang 31 - 34)

Tổng công ty Sông Hồng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng,

tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì được Bộ Kiến trúc thành lập ngày 23/8/1958, trụ sở đóng tại Khu công nghiệp Việt Trì. Là đứa con đầu lòng của ngành Xây dựng Việt Nam, Tổng Công ty đã trải qua một chặng đường đầy gian nan thử thách, không ngừng phấn đấu và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì - Khu công nghiệp đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đồng thời góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng chính là nhiệm vụ nặng nề và đầy vinh quang của ngành Xây dựng Việt Nam sau hoà bình lập lại ở Miền Bắc.

Từ bước khởi đầu với 40 cán bộ công nhân viên, đến năm 1959 Công ty Kiến trúc Việt Trì đã có hơn 6.000 cán bộ công nhân viên hăng say lao động, xây dựng các nhà máy Đường, Điện, Nhà máy Giấy, Hoá chất, Mỳ chính…. Ngày 13 tháng 04 năm 1959, Công ty rất vinh dự được Bác Hồ đến thăm nói chuyện động viên, khích lệ cán bộ công nhân viên toàn công ty. Niềm vui và hạnh phúc to lớn đó chính là động lực thúc đẩy để Công ty Kiến trúc Việt Trì hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, vừa xây dựng, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chiến công của Công ty đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương kháng chiến, Huân chương lao động, nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân.

Năm 1973, Bộ Kiến trúc đổi tên thành Bộ Xây dựng, Công ty Kiến trúc Việt Trì được đổi tên thành Công ty Xây dựng Việt Trì. Lực lượng cán bộ công nhân viên trong thời kỳ này lên tới 12.000 người, tập trung xây dựng nhà máy dệt Minh Phương, nhà máy sản xuất Thuốc kháng sinh, nhà máy Giấy Bãi Bằng, nhà máy Giấy XZ 72 của Bộ Nội vụ, nhà máy Bê tông Đạo Tú, nhà máy Chế biến hoa quả hộp Tam Dương, nhà máy đại tu vô tuyến Tam Đảo, Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự Vĩnh Yên…

Năm 1980, nhân kỷ niệm 22 năm ngày truyền thống của Công ty và để phù hợp với phạm vi hoạt động, Công ty được Bộ Xây dựng đổi tên thành Công ty Xây dựng số 22; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thi công xây dựng nhiều công trình lớn: mở rộng

đợt hai nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Nội Bài (Hà Nội)…

Ngày 14/6/1983, để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo thi công công trình nhà máy tuyển quặng Apatit Lào Cai - công trình trọng điểm quốc gia; Bộ Xây dựng quyết định thành lập Tổng công ty Xây dựng Vĩnh Phú - Hoàng Liên Sơn trên cơ sở lực lượng nòng cốt là Công ty Xây dựng số 22, trụ sở đóng tại xã Tằng Loỏng - Huyện Bảo Thắng - Tỉnh Hoàng Liên Sơn, cách thành phố Việt Trì hơn 300 Km.

Sau hơn 10 năm xây dựng công trình Nhà máy tuyển quặng Apatít Lào Cai, trải qua bao phấn đấu hy sinh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, công trình trọng điểm của cả nước đã hoàn thành đưa vào sản xuất. Để phù hợp với nhiệm vụ mới, ngày 04/9/1991 Tổng công ty Xây dựng Vĩnh Phú- Hoàng Liên Sơn được Bộ Xây dựng đổi tên thành Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng, đồng thời chuyển trụ sở về đóng tại Thành phố Việt Trì - quê hương Đất Tổ Hùng Vương.

Ngày 20/11/1995, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng được Bộ Xây dựng thành lập lại theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ với mô hình mới có Hội đồng quản trị.

Ngày 25/8/2006, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng được Bộ Xây dựng quyết định chuyển mô hình tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, đổi tên thành Tổng công ty Sông Hồng.

Ngày 01/01/2007, được sự đồng ý của Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, Tổng công ty Sông Hồng chính thức chuyển trụ sở từ thành phố Việt Trì - Tỉnh Phú Thọ về địa chỉ số 70 An Dương - Quận Tây Hồ - Thành phố Hà Nội.

Trải qua hơn 51 năm xây dựng và phát triển, với nhiều biến động gắn liền với những đổi thay của đất nước; Tổng công ty Sông Hồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Xây dựng giao cho. Từ một đơn vị nhỏ khi mới thành lập đến nay đã phát triển mạnh mẽ với hàng chục đơn vị thành viên, công ty cổ phần, công ty liên kết hoạt động trên khắp mọi miền đất nước; Lĩnh vực hoạt động từ xây dựng truyền thống chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề: xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy điện, truyền tải điện, cấp thoát nước, sản xuất công nghiệp, phát triển đô thị, đầu tư, kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu lao động và vật tư cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh khác…

Với sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến và không ngừng phát triển, Tổng công ty Sông Hồng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh

hiệu, phần thưởng cao quý, nhiều Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thưởng luân lưu của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Xây dựng, Công đoàn ngành Xây dựng và các Tỉnh, Thành trong cả nước - nơi những công trình lớn mà Tổng công ty Sông Hồng đã, đang thi công và làm việc.

Với những kinh nghiệm và bài học thực tiễn quý báu đúc rút trong hơn 51 năm qua - độ tuổi của sự chín chắn và sức sống dẻo dai, mãnh liệt, Tổng công ty Sông Hồng hôm nay đã kế tục sự nghiệp và phát huy truyền thống vẻ vang của Công ty Kiến trúc Việt Trì thời kỳ 1958-1973, Công ty Xây dựng Việt Trì thời kỳ 1973-1980, Công ty Xây dựng số 22 thời kỳ 1980-1983; Tổng công ty Xây dựng Vĩnh Phú - Hoàng Liên Sơn thời kỳ 1983-1995, Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng thời kỳ 1995-2006 để cùng ngành Xây dựng Việt Nam viết tiếp những trang sử mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Một phần của tài liệu Công tác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng (Trang 31 - 34)