Thế mạnh của tỉnh An Giang về kinh tế là nông - lâm - thủy sản, khu vực này chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (34,56%), giá trị sản xuất của khu vực này chủ yếu dựa vào cây lúa và con cá; khu vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm và thấp (12,78%), ngành công nghiệp sản xuất và chế tạo nhìn chung chưa tạo được sản phẩm đáng kể, chủ yếu là công nghiệp chế biến, mặt hàng chủ lực của tỉnh là chế biến nông thủy
sản; bước vào thời kỳ hội nhập khu vực dịch vụ là khu vực chiếm tỷ trọng cao (52,66%) và có mức tăng trưởng nhanh, đóng góp rất nhiều vào tốc độ phát triển của tỉnh; tăng trưởng GDP bình quân trong năm 2007 đạt 13,63%; Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh vẫn dựa vào các mặt hàng chiến lược thế mạnh như: gạo, cá và các mặt hàng rau củ nông nghiệp (chiếm 89% giá trị). Thu nhập GDP bình quân đầu người tăng nhanh qua các năm (bình quân tăng trên 2 triệu đồng/người/năm), năm 2007 đạt 11,37 triệu đồng/năm. Đặc điểm ở An Giang là các lĩnh vực kinh tế đều gắn chặt với giao thông thủy vì giá cước vận tải thấp và thuận lợi hơn so với giao thông đường bộ, do cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có tải trọng thấp, hệ thống cầu đường chưa đồng bộ và giá cước vận tải cao hơn.
An Giang là vùng sông nước, mùa lũ về đem lại khá nhiều nguồn lợi cho nhân dân trong vùng, người dân có thể tận dụng mùa lũ để tiến hành đánh bắt, nuôi, trồng các loại thủy sản. Hoạt động đánh bắt nguồn lợi tự nhiên từ sông ngòi, kênh rạch đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân. Hàng năm nhân dân đánh bắt được trên 52.000 tấn cá tôm các loại, nhiều nhất là vào mùa lũ lụt (từ tháng 7 đến tháng 11 Âl) tôm, cá từ Sông Mê Kông và vùng Biển Hồ từ Campuchia tràn về.
Mặt khác, nghề nuôi trồng thủy sản, thủy cầm (chủ yếu là cá tra, basa, vịt đàn) cũng hình thành từ rất lâu đời. Chiếc bè nuôi cá ở An Giang vừa là nhà ở vừa là cơ sở sản xuất, các làng bè mọc san sát nhau song song với nhà ở dọc theo các bờ sông, hiện trên địa bàn có 2.591 lồng bè nuôi cá các loại. Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, ngoài việc nuôi cá bè người dân đã tận dụng tối đa các bãi cạn, đất lang bồi ven sông lập đăng quầng để nuôi cá, hoạt động này đã đem lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho nhân dân trong vùng. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp thì hiện nay đã có tổng diện tích 3.038 ha mặt nước dùng để nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản nuôi hàng năm thu hoạch khoảng 264.000 tấn cá các loại.
Hoạt động khai thác tài nguyên trên các sông Tiền và Sông Hậu ngày càng tăng, tài nguyên chủ yếu được khai thác tại đây là cát sông (cát đen dùng trong san lấp mặt bằng, cát vàng dùng trong xây dựng công trình nhà ở), theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh hàng năm sản lượng cát sông được phép khai thác là 2 triệu m3 để phục vụ nhu cầu xây dựng của tỉnh và các vùng lân cận. Tuy nhiên, do đặc thù các mỏ cát có vị trí nằm ở giữa lòng sông, nên hoạt động này nếu không được quản lý chặt chẽ, rất dễ xảy ra tình trạng khai thác không đúng vị trí, tọa độ cho phép sẽ gây cản trở đến hoạt động của các phương tiện thủy khác.