Ý thức pháp luật về an toàn giao thông là trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân về giao thông. Hiểu biết của nhân dân ở đây được hiểu là hiểu biết của mọi người về qui tắc giao thông, qui tắc ứng xử khi đi lại, khi gặp biển báo, tín hiệu giao thông, hiểu biết và nhận thức về sự an toàn hoặc sự nguy hiểm khi điều khiển phương tiện và tham gia các hoạt động giao thông thủy, hiểu biết về quyền cũng như nghĩa vụ khi tham gia giao thông; hiểu biết ở đây được hiểu là hiểu biết tường tận, thấu đáo, hiểu biết để hành động. Nhận thức, hiểu biết của nhân dân có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an toàn giao thông, vì nó quyết định thái độ, hành vi ứng xử của người dân nói chung, của người tham gia giao thông nói riêng.
Xét về góc độ lịch sử, An Giang là vùng có nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa hội tụ như: Kinh, Chăm, Khmer, Hoa. Đồng thời nơi đây cũng có nhiều tôn giáo, trong đó có dân tộc gắn với tôn giáo như là nền tảng tinh thần chi phối đời sống văn hóa của họ, trong đó bao gồm cả đời sống pháp luật như: dân tộc Khmer gắn liền với Phật giáo Nam tông (tiểu thừa), dân tộc Chăm gắn với Hồi giáo (Islam). Ngoài ra còn có tôn giáo nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Tất cả tôn giáo trên chi phối về mặt tâm linh rất lớn,
tôn giáo có ảnh hưởng đến tình cảm thái độ của người dân đối với pháp luật, nên trong ý thức của họ cũng có nét đặc thù, nhiều khi thần quyền lấn át cả pháp quyền. Đây là đặc điểm cần chú ý trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cả trên phương tiện chủ thể lẩn đối tượng tuyên truyền pháp luật.
An Giang là tỉnh nông nghiệp nên hơn 80% dân số sống ở địa bàn nông thôn, người dân sinh sống và định cư thành làng, xã một cách ngẫu nhiên trong quá trình khai phá để lấy đất sản xuất. Do được thiên nhiên ưu đãi cùng với lịch sử hình thành cư dân thời kỳ đầu khai phá, bao gồm những người không chịu sự ràng buộc của pháp luật phong kiến và sự hà khắc thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh đã đi tìm tự do ở vùng đất hoang vu chưa có chủ quyền nên hình thành dấu ấn tâm lý tự do, phóng túng, ít chịu sự ràng buộc, kể cả sự ràng buộc của pháp luật trong ý thức của người dân và ảnh hưởng cho đến ngày nay.
Mặt khác, tâm lý của người điều khiển phương tiện thủy và hành khách nhìn chung cũng có phần chủ quan hơn so với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Do đường thủy có mật độ phương tiện tham gia giao thông ít hơn, tốc độ di chuyển của phương tiện chậm hơn và dòng sông thường rộng hơn đường bộ nên thường nảy sinh tâm lý chủ quan, ít tập trung quan sát các chướng ngại, các tín hiệu và biển báo hiệu điều khiển giao thông; một số người điều khiển phương tiện thủy có cuộc sống gắn liền với sông nước theo kiểu "cha truyền, con nối" nên họ rất am hiểu luồng lạch, từ đó dẫn đến tâm lý coi thường bằng cấp, đồng thời do cuộc sống phải di chuyển thường xuyên nên cũng không có điều kiện học tập để lấy bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện; hành khách chủ yếu là cư dân vùng sông nước nên rất thông thạo việc bơi lội, nên hầu hết đều coi thường việc mặc áo phao.
Trong những năm gần đây sự tác động của nền kinh tế thị trường, tính khép kín của dân tộc, thái độ thờ ơ của người theo đạo từng bước đã bị phá vỡ
do sự giao lưu và hòa nhập tăng lên, làm nảy sinh nhu cầu tìm hiểu pháp luật; các phong tục, tập quán lạc hậu dần bị đẩy lùi mà thay vào đó là nếp sống văn minh, đa số nhân dân đã ít nhiều có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, hoạt động sinh hoạt trong khuôn khổ của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhân dân sống khép kín, ít có sự giao lưu nên việc hình thành ý thức pháp luật nói chung và nhận thức về pháp luật giao thông đường thủy vẫn còn hạn chế; tư tưởng chủ quan, phó mặc cho sự may rủi vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn như: việc dựng và xây dựng nhà phải ở những nơi "trên bến dưới thuyền", sao cho thuận lợi cho việc sinh hoạt của đời sống thường nhật; khi đặt đăng, chà, đáy lưới đánh bắt thủy sản người dân chỉ quan tâm đến vùng nước đó, khu vực đó có khả năng đánh bắt được nhiều tôm, cá hay không, còn việc tàu thuyền khi lưu thông phải tự tránh; các bến khách ngang sông ít hoặc không trang bị áo phao cứu nạn khi có sự cố, còn hành khách chỉ mong sao có chỗ đứng hoặc ngồi trên chuyến thuyền chở khách để khỏi phải lỡ chuyến, quá tải một chút cũng không sao vì người dân vùng sông nước ai cũng biết bơi; người điều khiển phương tiện chỉ quan tâm đến việc có chở được hết hàng hóa đã nhận hay không, miễn sao chiếc thuyền, ghe vẫn còn nổi trên mặt nước là được, việc điều khiển phương tiện chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sống, ít quan tâm đến việc tuân thủ các qui tắc, biển báo hiệu khi tham gia hoạt động giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của nhân dân vùng này là, một khi đã có pháp luật và các vi phạm được xử lý nghiêm minh thì người dân sẽ chấp hành và tuân thủ pháp luật rất cao. Minh chứng cho đặc điểm này là hiện nay ở tỉnh An Giang 99% người dân đều chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô do trước thời điểm ngày 15/12/2007 các lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền vận động người dân và kiên quyết xử phạt đối với vi phạm này, đến nay kết quả thu được là rất đáng khích lệ. Vì vậy, kinh nghiệm cho công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức pháp luật đường thủy cho nhân dân vùng này cũng cần làm tương tự
như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã áp dụng cho đường bộ (báo cáo Sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ của Ban ATGT tỉnh).