Theo Quyết định số 07/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 31/01/2007 về việc công bố các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh An Giang thì tổng số có 259 tuyến, dài 2.055,2 Km được đưa vào quản lý, trong đó: cấp tỉnh quản lý 22 tuyến, dài 512,3 Km; cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý 223 tuyến, dài 1.542,9 Km. Do hệ thống sông, rạch có tổng chiều dài gần tương đương đường bộ (bằng 74%) cộng với mùa nước lũ lụt tràn đồng nên phạm vi và địa bàn hoạt động đường thủy ở An Giang là rất rộng.
Hệ thống cầu, đường bộ ở An Giang đã được thông thương và nối liền đến trung tâm hành chính cấp xã, tuy nhiên chỉ mới phục vụ đơn thuần cho việc đi lại của các phương tiện cá nhân và cũng còn nhiều bất cập, còn đối với vận tải hàng hóa đường bộ thì chưa đáp ứng được, do hệ thống cầu, đường không đồng bộ, xuống cấp và bị quá tải (kể cả hệ thống cầu trên tuyến quốc lộ 91), vì vậy vận tải hàng hóa tại An Giang tập trung chủ yếu vào vận tải đường thủy.
Ở An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, hệ thống sông kênh có lòng sông tương đối rộng và sâu hơn so với hệ thống sông ở miền Trung và miền Bắc, vào mùa khô - mùa kiệt thuyền bè vẫn có di chuyển bình thường không có trở ngại gì về độ sâu luồng lạch. Vào mùa mưa - mùa lũ thì nước dâng lên gây ra hiện tượng nước ngập tràn đồng, hầu như tất cả diện tích đất sản xuất nông nghiệp và các vùng thấp đều ngập trong biển nước, dòng chảy rất mạnh và phức tạp khó lường do không thể phân biệt đâu là luồng lạch chính. Mặt khác, vào mùa lũ hoạt động khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng diễn ra khá nhộn nhịp, vào mùa này người dân bắt đầu đặt các đăng, chày, đáy, vó, giăng lưới trên các vùng nước ngập, sông, kênh.
Việc đầu tư xây dựng, nạo vét, duy tu các công trình, cơ sở vật chất phục vụ cho giao thông thủy nội địa trong nhiều năm qua hầu như rất ít, do thiếu kinh phí và vượt khả năng của địa phương, chủ yếu chỉ tập trung vào việc nạo vét các kênh thủy lợi nội đồng phục vụ cho sản xuất lúa, cho đến nay hệ thống phao tiêu đèn tín hiệu ở những tuyến sông chính thuộc trung ương quản lý cũng chưa được đầu tư đầy đủ theo qui định.
Tất cả những đặc điểm trên vừa tạo thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy, vừa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn.