Đặc điểm cư trú

Một phần của tài liệu Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực giao thông đường thủy ở tỉnh An Giang hiện nay (Trang 27 - 28)

An Giang là vùng đầu nguồn, cộng với độ cao thấp và chịu ảnh hưởng nước lũ lụt hàng năm, nên để có đường giao thông, hầu hết phải đào kênh để lấy đất đắp đường cao hơn mực nước lũ. Mặt khác, ở An Giang không thể dùng nước giếng, vì phải đào sâu từ 70 - 80m mới có nước ngọt không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, chi phí tốn kém nhiều. Do vậy, đặc điểm cư trú và sinh sống của người dân là cất nhà trên cọc (nhà sàn), mặt nhà quay ra đường hoặc bờ sông để tiện cho việc đi lại và có nước ngọt sinh hoạt. Hiện ở An Giang có trên 15.000 hộ còn cất nhà trên sông, rạch, bờ sông cần phải giải tỏa. Hình thức cư trú nầy tuy rất thuận tiện cho việc đi lại đường bộ và đường thủy, đồng thời thuận lợi hơn cho việc đánh bắt thủy sản phục vụ đời sống hàng ngày, nhưng cũng ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều đến giao thông thủy.

Ngoài ra, ở An Giang phần lớn các thị trấn, thị tứ, chợ đều có vị trí nằm cặp trên trục giao thông thủy, bộ, "trên xe, dưới thuyền" rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nhất là vận chuyển đường thủy, tạo ra cảnh ghe, thuyền đậu san sát bên nhau ở các chợ, và nhiều nơi hình thành kiểu cư trú mới là "làng nổi" trên sông, "chợ nổi" trên sông.

Tất cả những đặc điểm nói trên làm cho giao thông thủy ở An Giang phát triển nhộn nhịp, nhưng nó hàm chứa cả những trở ngại, cản trở giao thông thủy đó là việc lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng và luồng chạy tàu.

Do ở An Giang hệ thống sông, rạch chằng chịt nên hầu hết các xã, thị trấn đều có bến khách ngang sông phục vụ việc đi lại của nhân dân, các bến này đã được hình thành từ rất lâu. Hoạt động của các bến khách ngang sông này có ảnh hưởng rất lớn và gắn liền với hoạt động đi lại hàng ngày của nhân dân. Nhìn chung, hoạt động khai thác bến khách ngang sông trên địa bàn đã đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân một cách nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, đặc điểm cư trú và sinh hoạt sông nước của người dân đã tạo ra áp lực đối với việc tổ chức thực hiện qui định của pháp luật về giao thông thủy, bảo đảm trật tự an toàn giao thông thủy, phòng chống tai nạn giao thông thủy.

Một phần của tài liệu Pháp chế xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực giao thông đường thủy ở tỉnh An Giang hiện nay (Trang 27 - 28)