Cà phê quả tươi sau khi thu hoạch qua quá trình sơ chế sẽ cho ta cà phê nhân. Ở Việt Nam chế biến cà phê nhân thường theo hai phương pháp đó là chế biến theo phương pháp ướt và phương pháp chế biến khô. Phương pháp chế biến ướt bao gồm các công đoạn thu lượm quả tươi đem lọc và rửa sơ bộ để loại bỏ đất, que, lá cây, đá... sau đó đến xát vỏ để loại bỏ vỏ rồi đến đánh nhớt, sau đó lên men ngâm rửa rồi đem phơi khô. Phương pháp chế biến khô là cà phê tươi để phơi khô không cần qua khâu sát tươi.
Từ cà phê nhân qua quá trình chế biến công nghiệp sẽ cho ta các sản phẩm cà phê tinh chế như là cà phê rang xay pha phin (cà phê bột) hay các sản phẩm cà phê hoà tan, cà phê sữa... Hiện nay cà phê hòa tan được chế biến theo hai phương pháp: sấy phun và sấy đông lạnh. Các chất tan của hạt cà phê được cô đặc và sản phẩm có dạng các bóng hơi nhỏ li ti hoặc các hạt, mảnh nhỏ.
Phương pháp sấy đông lạnh: Ở phương pháp này, nước trong cà phê bốc hơi để lại một dung dịch có nồng độ cà phê cao. Sau đó dung dịch này được làm lạnh đến -40*C, tạo ra các tinh thể đá. Nhờ quá trình thăng hoa (chất rắn chuyển sang dạng hơi), đá được tách ra khỏi tinh thể. Phần hạt khô còn lại chính là cà phê hòa tan. Mặc dù phương pháp này khá tốn thời gian, nhưng nó có khả năng giữ lại mùi vị của cà phê tốt hơn nhiều so với phương pháp sấy phun.
Phương pháp sấy phun: Sau quá trình bốc hơi tự nhiên, dung dịch cà phê đậm đặc được phun từ một tháp cao vào buồng chứa không khí nóng. Sự lưu thông khí nóng trong buồng này tách nước ra khỏi dung dịch và để lại bột cà phê khô. Phương pháp này đơn giản hơn rất nhiều so với phương pháp sấy đông lạnh. Tuy nhiên nhiệt độ quá cao lại làm cho hương vị cà phê bị mất đi nhiều hơn.
Chất lượng cà phê hòa tan được thể hiện một phần ở tính hòa tan. Nếu cà phê hòa tan bị lắng cặn khi pha là cà phê chất lượng kém (chưa kể đến các yếu tố cảm quan khác như hương, vị...).